Giám đốc Chương tình Y tế khẩn cấp của WHO, Tiến sĩ Mike Ryan, nói trong một cuộc họp đặc biệt của ban giám lãnh đạo tổ chức này rằng WHO đã lựa chọn nhiều ứng viên chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới để thực hiện sứ mệnh này, và giờ họ chỉ còn chờ đợi chính quyền Bắc Kinh quyết định xem ai sẽ được vào đội ngũ quốc tế và thời điểm mà họ sẽ tới Trung Quốc.
“Một danh sách các ứng viên đã được gửi tới chính quyền Trung Quốc để họ quyết định, và để chuẩn bị cho các bước tiếp theo, triển khai đội ngũ đó” – Tiến sĩ Ryan nói trước một nhóm cố vấn gồm các đại diện mỗi nước, tuy nhiên không nêu rõ thời điểm mà danh sách trên được gửi đi.
WHO hiện đang chịu sức ép lớn phải thực hiện yêu cầu mà các nước thành viên của tổ chức này đưa ra trong tháng 5, nhằm điều tra về cách thức mà COVID-19 lây lan từ động vật sang người.
Đầu tháng 8 vừa qua, 2 chuyên gia của WHO từng làm việc với giới chức y tế và các nhà khoa học Trung Quốc đã đặt nền móng cho cuộc điều tra này. Một nhiệm vụ lớn hơn trong đó bao gồm các chuyên gia quốc tế được dự kiến sẽ bắt đầu cuộc điều tra ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc – nơi dịch bắt nguồn – “chỉ trong vài tuần” sau đó; WHO từng nói trong tháng 7.
Trong cuộc họp đặc biệt vừa qua, các đại diện đến từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã kêu gọi WHO cử đội ngũ chuyên gia và chia sẻ thêm thông tin về nhiệm vụ này.
“Sự minh bạch trong nhiệm vụ lần này là rất quan trọng, chúng tôi muốn có thêm thông tin về thành viên của đội ngũ quốc tế và chương trình làm việc của họ” – Phó Thư ký Y tế Australia và là thành viên ban điều hành WHO Caroline Edwards cho biết.
Tuy nhiên, các nhà quan sát nói rằng WHO không thể triển khai một đội ngũ chuyên gia tới một nước thành viên mà không nhận được sự cho phép của nước thành viên đó.
“Bởi vậy, nếu như Trung Quốc đặt điều kiện với nhóm chuyên gia trong danh sách, thì theo khía cạnh luật pháp quốc tế, WHO sẽ chịu sự trói buộc” – Ayelet Berman, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Luật pháp Quốc tế, trường ĐH Quốc gia Singapore, nhận định.
Giới phân tích nói rằng tính hợp lệ của nhiệm vụ lần này sẽ còn tùy thuộc vào việc ai sẽ tham gia và cách mà nó vận hành, đặc biệt là sau khi có nhiều lời chỉ trích rằng WHO đã thiên vị Trung Quốc trong những tuần đầu tiên mà đại dịch bùng phát.
Mỹ đã cáo buộc rằng đại dịch COVID-19 lây lan khắp thế giới như hiện nay là do WHO quá phụ thuộc vào thông tin mà chính quyền Bắc Kinh công bố, và chỉ công bố về việc lây nhiễm từ người sang người vào thời điểm vài tuần sau khi dịch bùng phát.
Phía Trung Quốc khẳng định rằng họ đã giữ liên lạc với WHO trong suốt khoảng thời gian đại dịch diễn ra. Trong hôm đầu tuần này, đại diện của Trung Quốc, Zhang Yang, thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, đã nói với ban điều hành của WHO rằng: “Trung Quốc luôn luôn minh bạch và có trách nhiệm trong việc hoàn thành các cam kết quốc tế”.
WHO thiếu quyền lực để buộc nước thành viên phê chuẩn danh sách các chuyên gia tham gia vào nhóm quốc tế điều tra nguồn gốc COVID-19 sẽ gây khó khăn cho nhiệm vụ lần này; theo David Fidler, một chuyên gia nghiên cứu thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế ở Mỹ.
“Với tính chất địa chính trị của đại dịch, sự việc giữa WHO và Trung Quốc sẽ làm dấy lên làn sóng chỉ trích nhằm vào cả hai bên và làm bầu không khhis trở nên căng thẳng hơn” – ông Fidler nói.
John Lee, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc ĐH Sydney, nói rằng nếu nhiệm vụ này bị xem là không đáng tin cậy, nó có thể ảnh hưởng tới vị thế của WHO. Ví dụ, Australia sẽ muốn chứng kiến “các chuyên gia điều tra được phần lớn các quốc gia chấp nhận”, ông Lee nói.
Hồi đầu năm nay, Bắc Kinh đã phản bác lại những lời kêu gọi của Mỹ và Australia mở cuộc điều tra nguồn gốc virus corona chủng mới. Họ cho rằng đây là cách để hai nước này đổ lỗi cho Trung Quốc đã gây ra đại dịch. Nhưng Bắc Kinh sau đó đã ủng hộ một nghị quyết mà WHO đưa ra, trong đó kêu gọi mở cuộc điều tra khoa học.
Wang Yiwei, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Trung Quốc Nghiên cứu châu Âu tại ĐH Renmin (Trung Quốc), nói rằng đội ngũ chuyên gia nên được lựa chọn bởi WHO “dựa trên nền tảng chuyên môn của họ” để cuộc điều tra “không bị chính trị hóa”.
“Ở Trung Quốc có câu nói như sau, hãy tìm sự thật từ thực tế, tuy nhiên một số người Mỹ hay Chính phủ phương Tây lại muốn đổ lỗi cho Trung Quốc, muốn đưa ra kết luận trước rồi sau đó mới tìm kiếm thực tế” – ông Wang nói.
Mối quan ngại như trên có thể ảnh hưởng tới cách mầ Bắc Kinh nhìn vào đội chuyên gia quốc tế; theo Dominic Meagher, chuyên gia thuộc ĐH Quốc gia Australia ở Canberra, nhận định.