Trả lời VietTimes, ông Anh Tuấn cho biết, gây tê tủy sống là phương pháp phẫu thuật được sử dụng trong nhiều chuyên ngành khác nhau, trong đó có sinh mổ. Phương pháp này có nhiều lợi ích, giúp sản phụ vẫn hoàn toàn tỉnh táo, huyết áp và nhịp tim điều hòa, hạn chế tối đa nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng, nơi xảy ra liên tiếp các trường hợp sản phụ tử vong và nguy kịch chỉ trong vòng 1 ngày
|
Năm 2017, Bộ Y tế đã có công văn số 3614 khuyến cáo các bệnh viện thay phương pháp gây tê tủy sống bằng phương pháp gây mê nội khí quản, để giúp các sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật… sinh con, do các sản phụ này dễ gặp biến chứng, nguy hiểm tính mạng khi sử dụng phương pháp gây tê tủy sống.
Tới tháng 8/2019, Bộ Y tế tiếp tục có công văn số 4519 và 5069 khuyến cáo về phương pháp gây tê tủy sống.
Tuy nhiên, ông Đinh Anh Tuấn cho biết, Bộ Y tế chỉ khuyến cáo chứ không cấm các bệnh viện sử dụng phương pháp gây tê tủy sống trong sinh mổ, nhằm phòng tránh các tai biến nghiêm trọng, ví dụ: tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng có thể xảy ra đối với sản phụ có cơ địa đặc biệt nêu trên.
Đối với vụ việc 2 sản phụ nguy kịch tại Đà Nẵng, trong đó, 1 sản phụ đã tử vong sau khi gây tê tủy sống, ông Đinh Anh Tuấn cho biết cần xác định rõ nguyên nhân sản phụ tử vong.
Ông Đinh Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế)
|
“Nếu sản phụ tử vong do gây tê, thì cần xác định sản phụ tử vong do sai phương pháp kỹ thuật hay do ngộ độc thuốc, là thuốc tê, hay thuốc hỗ trợ, hay dịch truyền? Sản phụ có sốc phản vệ hay không? Cần có các nhà khoa học xác định chính xác nguyên nhân vụ việc” – ông Đinh Anh Tuấn nói.
Hiện, Vụ Sức khỏe Bà me – Trẻ em đã nắm được thông tin sự việc tại Đà Nẵng, ông Đinh Anh Tuấn đã ký công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế TP Đà Nẵng báo cáo vụ việc. Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP Đà Nẵng chỉ đạo Bệnh viện Đà Nẵng và các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, nhân lực hỗ trợ và chăm sóc điều trị tốt nhất cho sản phụ đang nguy kịch là N.T.H.
Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với sản phụ N.T.H đang nguy kịch và sản phụ V.T.N.S đã tử vong. Trong trường hợp Bệnh viện không đủ điều kiện, Sở Y tế TP Đà Nẵng phải thành lập Hội đồng chuyên môn, sau đó thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn tới gia đình các sản phụ và báo chí.
Sở Y tế phải báo cáo nhanh kết quả của Hội đồng chuyên môn, quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng cho Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em.
Công văn khẩn của Bộ Y tế gửi Sở Y tế TP Đà Nẵng yêu cầu xử lý nghiêm vụ việc 2 sản phụ nguy kịch sau khi sinh mổ sử dụng phương pháp gây tê tủy sống.
|
Nếu có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP Đà Nẵng xử lý nghiêm.
Trong trường hợp nghi ngờ nguyên nhân tử vong có liên quan đến thuốc sử dụng trong qua trình điều trị cho các sản phụ, Sở Y tế phải báo cáo phản ứng có hại của thuốc và gửi về Trung tâm Dr & ADR Quốc gia, Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em.
Bên cạnh đó, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp dịch vụ sản phụ khoa và sơ sinh nghiêm túc thực hiện Công văn số 5069 của Bộ Y tế về sử dụng phương pháp vô cảm gây tê trong vùng mổ lấy thai, đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ sở khám, chữa bệnh sản phụ khoa thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ sơ sinh.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu