Quan điểm chính trị của giới trẻ tại Nga là một điều khó hiểu với các nhà quan sát phương Tây. Không có một quan điểm thống nhất giữa các nhà báo, nhà phân tích hay những nhà hoạch định chính sách. Nhiều người một mực nghĩ rằng thế hệ lớn lên dưới thời lãnh đạo của tổng thống Putin là đội quân tiên phong đối lập, trong khi những người khác lại khăng khăng rằng giới trẻ Nga có quan điểm thủ cựu còn hơn những tầng lớp khác.
Những cuộc thăm dò dư luận chỉ ra rằng ông Putin được giới trẻ Nga ủng hộ mạnh mẽ. Vào tháng 12.2017, Trung tâm Levada một hãng chuyên thăm dò ý kiến độc lập có tiếng nhất tại Nga cho biết 86% người Nga nằm trong độ tuổi từ 18 đến 24 ủng hộ tổng thống Nga. Tương tự, một cuộc thăm dò dư luận được Trung tâm Nghiên cứu dư luận Nga tổ chức ngay sau bầu cử tổng thống Nga vào tháng 23.2018 cho thấy 67,9% cử tri có độ tuổi từ 18 đến 34 bỏ phiếu cho ông Putin.
Giống như thế hệ cũ, rất nhiều người trẻ Nga tin tưởng vào việc lãnh đạo Kremlin sẽ khôi phục địa vị địa chính trị của nước mình sau khi Liên Xô sụp đổ. Ekaterina Nikitina, một sinh viên báo chí đã nói: "Cảm ơn ông Putin vì Nga đã vượt qua những hậu quả của sự sụp đổ Liên Xô và đang tiến lên một nấc thang mới".
Ông Putin chụp ảnh "selfie" cùng các thiếu sinh quân Nga.
|
Tuy nhiên, những con số trên không phải là dấu hiệu các chính sách của tổng thống Putin không bị giới trẻ Nga phản đối. Vẫn có một bộ phận người Nga trẻ tuổi chỉ trích mạnh mẽ tổng thống. Phần lớn phàn nàn về việc ông Putin chưa có ý định chuyển giao quyền lực. Những lo ngại khác được thể hiện trong các cuộc phỏng vấn là tổng thống Nga đang trở nên sắt đá hơn.
Anastasia Labunets - một nhà hoạt động xã hội của Đảng Cộng sản Nga than phiền về ông việc ông Putin "đã là một nhà cải cách tự do ôn hòa và đưa ra nhiều hy vọng lớn nhưng cuối cùng trở thành một lãnh đạo cứng rắn". Với việc ông Putin không giữ lời hứa sẽ không nâng độ tuổi hưu, Sofia Malakhova một nhà minh họa sách đã đặt câu hỏi: "Có thể nghĩ gì về một người đã tuyên bố trực tiếp rằng dưới chính quyền của ông độ tuổi hưởng lương hưu sẽ không tăng lên?"
Tổng thống Nga tại một diễn đàn giáo dục năm 2017.
|
Đầu năm ngoái, trường Kinh tế Cao cấp - một trong những đại học hàng đầu của Nga đã tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến của hơn 6.000 sinh viên từ 109 trường đại học khác nhau. Các nhà nghiên cứu thấy rằng giới trẻ Nga có độ tin tưởng không cao với các quan chức chính phủ.
Cũng nghiên cứu trên chỉ ra có một cảm giác đang lan rộng trong giới trẻ Nga là đang tồn tại những vấn đề rất nghiêm trọng trong đất nước và cần thiết phải có một sự thay đổi. Trong đó, 69% lo lắng về tương lai của nước Nga và 75% ủng hộ tái cơ cấu về mặt chính trị và kinh tế. Nhưng 48% số sinh viên trả lời chống lại những thay đổi có thể làm biến đổi cơ bản hệ thống hiện hành. Dù thế hệ người Nga mới không hài lòng với nhiều khía cạnh về hiện trạng của nước Nga, nhưng họ không có khát vọng thay đổi lớn mang tính cách mạng.
Một chủ đề được truyền thông phương Tây tuyên truyền rộng rãi và hy vọng vai trò đáng chú ý của giới trẻ Nga trong các cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây. Tuy nhiên, dù có sự biểu lộ mạnh mẽ của người Nga trẻ trong các cuộc biểu tình năm ngoái, hầu hết trong số họ đều không muốn "ra đường" sớm. Một số người trẻ rất nhanh nhạy về chính trị nhưng các hoạt động chính trị của họ chỉ dừng lại ở việc đọc tin tức. Kết luận tương tự cũng đến từ nghiên cứu của trường Kinh tế Cao cấp cho thấy 64% sinh viên Nga không muốn tham gia biểu tình và 72% kết luận rằng biểu tình không có ý nghĩa để đạt được thay đổi về chính trị.
Ông Putin với những thanh niên ủng hộ chính phủ.
|
Về chính sách ngoại giao của đất nước, giới trẻ Nga thể hiện những đánh giá hoàn toàn khác biệt. Như Labunets rất ủng hộ chính sách ngoại giao: "Hầu hết các trường hợp trong ngoại giao quốc tế, Nga đều thể hiện mình ở phe công bằng". Cũng có người chỉ trích con đường ngoại giao hiện tại là phiêu lưu trong thời điểm mà đất nước đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong nội địa.
Mikhail Nachevsky một người trẻ có tham vọng chính trị dự định vận động để vào Duma thành phố Moscow năm 2019 tranh luận: "Tại Nga có rất nhiều vấn đề về nhân khẩu, vấn đề với đường xá, có cả một cộng đồng lớn không có khí đốt và hệ thống thoát nước. Hiện tại, chúng ta cần tập trung nhất vào các vấn đề nội địa". Cũng có cả những người thấy con đường của ông Putin chưa đủ quyết đoán. Một sinh viên trong một đại học hàng đầu của Nga kêu gọi Nga cần có một chính sách ngoại giao "ít thỏa hiệp hơn" và tuyên bố rằng ông chủ Kremlin cần "thể hiện sự quyết đoán và triệt để hơn".
Với việc Nga can thiệp vào Ukraine và Syria, các phản ứng cũng rất khác nhau. Ekaterina Nikitina ủng hộ việc Crimea quay về với Nga nhưng cho rằng việc sáp nhập năm 2014 là quá mạnh tay. Với chiến dịch quân sự tại Syria, Nikitina nói: "Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao đất nước của chúng ta có những hành động quân sự tại đó". Nhà viết kịch bản tự do Artyem Terekhov thì không ủng hộ hành động của Nga tại Ukraine sau năm 2014 nhưng anh tuyên bố rằng tình huống tại Syria rất khó để phán xét. Giới trẻ Nga không xem vấn đề chính sách ngoại giao bằng một màu đen hay trắng. Với những vấn đề quan trọng, họ tự nghĩ và đánh giá với các sắc thái khác nhau.
Ông Vladimir Putin vẫn giữ được sự yêu mến của giới trẻ Nga.
|
Mặc cho cái nhìn hiện tại hay lịch sử về những căng thẳng giữa Mỹ và Nga, giới trẻ Nga có một cái nhìn tổng thể, tích cực về Mỹ. Trong những người mà tác giả hỏi ý kiến, không có một cá nhân nào thể hiện thái độ thù địch với Mỹ. Ngay cả những người muốn Nga có chính sách ngoại giao quyết đoán hơn cũng khen ngợi những thành tựu của xã hội Mỹ hoặc thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ hợp tác với Mỹ.
Phản ứng của giới trẻ Nga với tổng thống Trump cũng đa dạng. Một mặt, hầu hết giới trẻ Nga đều thấy tổng thống Mỹ kỳ lạ và có tính cách khó lường. Họ bày tỏ sự ngạc nhiên khi một người như ông Trump có thể trở thành tổng thống. Họ sử dụng những từ ngữ như "khôi hài" và "có tính cách kỳ cục" để mô tả ông. Nhưng họ cũng cho thấy sự lạc quan một cách thận trọng với tuyên bố của ông Trump muốn cải thiện quan hệ với Nga. Giới trẻ Nga muốn đất nước của mình có quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ nhưng đặt câu hỏi về những trở ngại không thể vượt qua như sự phản đối của quốc hội Mỹ, các lệnh trừng phạt mới và bê bối trong vụ Nga bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Tổng thống Nga trong ngày quốc tế phụ nữ năm 2016.
|
Mặc dù giới trẻ Nga mong muốn đất nước của họ sẽ tìm ra một nhận thức chung với Mỹ nhưng họ không ủng hộ tình bạn được đổi bằng địa vị siêu cường của nước Nga. Ekaterina Nikitina tranh luận rằng quan hệ tốt đẹp hơn "không thể đạt được thông qua những lệnh trừng phạt và đe dọa". Cô nhấn mạnh: "Mỹ và Nga là 2 cường quốc cần tôn trọng và ủng hộ lẫn nhau". Quan điểm của cô được rất nhiều người chia sẻ. Cuộc thăm dò dư luận sinh viên tại trường Kinh tế Cao cấp cho thấy 68% sinh viên tin rằng Nga chỉ có thể tồn tại khi là một siêu cường. Thiểu số đáng chú ý (40%) nhấn mạnh Nga chỉ có thể được tôn trọng nếu có thể gây e ngại cho những nước khác. Chí có một nhóm nhỏ trong thế hệ trẻ của Nga muốn có sự nhượng bộ lớn trong chính sách ngoại giao.
Trong khi phần lớn giới trẻ Nga ủng hộ ông Putin và chống lại sự thay đổi hoàn toàn hiện trạng nước Nga hiện nay, họ vẫn nhận ra những vấn đề trong hệ thống. Thế hệ mới dù có chỉ trích một số quyết định trong chính sách ngoại giao nhưng luôn chia sẻ mong muốn Nga là một cường quốc. Kết quả là, dù giới trẻ Nga chấp nhận Mỹ nhưng họ không chấp nhận đồng thuận với một mối quan hệ đối tác bằng mọi giá.