Putin có đưa quân đội Nga quay trở lại thời Liên Xô?

VietTimes -- Cộng đồng chuyên gia và chính khách ở Nga cũng như ở Việt Nam có nhiều ý kiến nhận định rằng có thể Tổng thống Nga V.Putin đang “phục hồi chế độ chính ủy” của Hồng quân Liên Xô trước đây và có ý định đưa Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga quay trở lại thời Xô Viết, thậm chí là phục hồi Liên Xô. Vậy thực hư câu chuyện này thế nào?
Ông Putin đã thành công trong việc lột xác quân đội Nga thành một đội quân hiện đại, thiện chiến
Ông Putin đã thành công trong việc lột xác quân đội Nga thành một đội quân hiện đại, thiện chiến

Ngày 30/7/2018, Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga V.Putin ký Sắc lệnh thành lập Tổng cục chính trị- quân sự trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga. Cơ quan này có chức năng nhiệm vụ tương tự như Tổng cục chính trị trong Các lực lượng vũ trang Liên Xô trước đây là “chăm sóc phần hồn” cho các quân nhân[1,2].

Nhìn lại sự phát triển cơ quan chính trị trong Các lực lượng vũ trang Liên Xô và Nga

Tổng cục chính trị của Hồng quân Liên Xô là cơ quan chính trị-quân sự trung ương có chức năng tiến hành công tác đảng và công tác chính trị trong Các lực lượng vũ trang Liên Xô và Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga từ năm 1919 đến năm 1991 và đã từng đổi tên nhiều lần.

Năm 1918, cơ quan này mang tên Ủy ban chính ủy toàn Nga. Từ đó, Ủy ban này đã nhiều lần đổi tên cùng với sự phát triển của Hồng quân Liên Xô. Đó là, Ban chính trị thuộc Hội đồng quân sự cách mạng của nước cộng hòa (năm 1919); Hội đồng quân sự cách mạng của nước cộng hòa (1919-1922); Hội đồng quân sự cách mạng Xô Viết (1922-1924); Cục chính trị của Hồng quân công-nông và Cục chính trị của Hạm đội công-nông (1924-1940); Tổng cục tuyên truyền chính trị của Hồng quân công-nông và Hạm đội Hải quân (1940-1941); Tổng cục chính trị của Hồng quân công-nông và Tổng cục chính trị của của Hải quân Liên Xô (1941-1946); Tổng cục chính trị Các lực lượng vũ trang Liên Xô (1946-1950; Tổng cục chính trị của Quân đội Liên Xô và Tổng cục chính trị của Hải quân Liên Xô (1950-1953); Tổng cục chính tri của Bộ quốc phòng Liên Xô (1953-1958); Tổng cục chính trị của Quân đội và Hải quân Liên Xô (1958-1991). Cuối năm 1991, Tổng cục chính trị đổi tên thành Tổng cục chính trị-quân sự Các lực lượng vũ trang Liên bang Liên Xô [3,4].

Năm 1992, Tổng thống Nga B.Yelsin ký Sắc lệnh thành lập Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga, trong đó nêu rõ, căn cứ Tuyên ngôn về chủ quyền quốc gia của Liên bang Nga và thể theo Luật Liên bang Nga về an ninh, nước Nga thành lập Các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga. Theo Sắc lệnh này, Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga kế thừa truyền thống chiến đấu anh hùng của Các lực lượng vũ trang Liên Xô để bảo vệ quyền tự do và độc lập, đảm bảo an ninh và chủ quyền quốc gia của Liên bang Nga. Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga thực hiện các cam kết, các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế mà Liên Xô đã từng ký kết trước đây.

Từ năm 1992, sau khi Liên Xô giải thể, yếu tố chính trị không còn được coi trọng, nên Bộ quốc phòng Nga thành lập Tổng cục phụ trách quân nhân với các chức năng cơ bản là: (1) giáo dục tư tưởng, tinh thần-tâm lý và tổ chức hoạt động sinh hoạt hàng ngày của bộ đội; (2) duy trì trạng thái tinh thần-tâm lý ổn định của quân nhân và trật tự, kỷ cương trong trong quân đội; (3) tổ chức tuyên truyền về chủ nghĩa yêu nước Nga trong quân đội; (4) tổ chức hoạt động huấn luyện tâm lý học quân sự và tuyên truyền đặc biệt cũng như các hoạt động văn hóa-tinh thần trong Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga; (5) tạo điều kiện để các quân nhân Nga thực hiện quyền tự do tôn giáo trong điều kiện đặc thù của quân đội; (6) tổ chức hoạt động của Bộ quốc phòng Nga về các vấn đề cựu chiến binh và các tổ chức xã hội của cựu chiến binh.

Trực thuộc Tổng cục phụ trách quân nhân trong Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga có Trung tâm giáo dục chủ nghĩa yêu nước Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga, Trung tâm giáo dục tâm lý của Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga và 44 Trung tâm kỹ thuật của Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga [6,7].

Sắc lệnh của Tổng thống Nga V.Putin về thành lập Tổng cục chính trị- quân sự

Ngày 30/7/2018, Tổng thống Nga V.Putin ký Sắc lệnh thành lập Tổng cục chính trị-quân sự của Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga trực thuộc Bộ quốc phòng và bổ nhiệm Thượng tướng A.Kartapolov đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga kiêm Chủ nhiệm Tổng cục chính trị-quân sự. Đồng thời, Thượng tướng A.Kartapolov nhận quyết định thôi giữ chức Tư lệnh Quân khu Miền Tây.

Ông Putin thị sát một cuộc tập trận ở biên giới phía tây của quân đội Nga
Ông Putin thị sát một cuộc tập trận ở biên giới phía tây của quân đội Nga

Ở cương vị Chủ nhiệm Tổng cục chính trị-quân sự, Thượng tướng A.Kartapolov sẽ phục trách các vấn đề chính sách quân sự, công tác tư tưởng và giáo dục chủ nghĩa yêu nước Nga.Tổng cục chính trị- quân sự sẽ thực hiện tổ chức mọi hoạt động hàng ngày của các quân nhân, tổ chức giáo dục tâm lý và tinh thần cho quân nhân, bảo vệ và gìn giữ trật tự và kỷ luật quân đội [1].

Liệu Tổng thống Nga V.Putin có đưa quân đội Nga trở về thời Xô Viết?

Trong thời kỳ Xô Viết, Các lực lượng vũ trang nằm dưới quyền lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối của Đảng Cộng sản Liên Xô thông qua Tổng cục chính trị trực thuộc Bộ quốc phòng có chức năng như một Ban của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đặc trách công tác tư tưởng, công tác cán bộ và công tác Đoàn thanh niên cộng sản trong Các lực lượng vũ trang Liên Xô.

Trong thời kỳ cải tổ giữa những năm 1980 tới khi Liên Xô tan rã, Mỹ và các nước phương Tây ra sức tuyên truyền về một trong những “giá trị dân chủ điển hình” của họ là “phi chính hóa quân đội” hay “quân đội đứng ngoài chính trị”. Vì vậy, trong những năm cải tổ, dưới sự lãnh đạo của M.Gorbachov-người chủ tâm phá hoại Liên bang Xô Viết, Các lực lượng vũ trang Liên Xô bắt đầu coi nhẹ yếu tố chính trị và hạ thấp vai trò của Tổng cục chính trị trong Bộ quốc phòng. Từ đó, trong Các lực lượng vũ trang Liên Xô bắt đầu diễn ra quá trình “phi chính trị hóa” và “tự diễn biến”, theo đó các hiện tượng tiêu cực như tham nhũng, hối lộ, coi thường kỷ luật quân đội...bắt đầu phổ biến, từng bước làm biến chất Các lực lượng vũ trang Liên Xô. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng dẫn tới sự tan rã Liên Xô vào năm 1991. 

Sau khi Liên Xô tan rã, Đảng Cộng sản Liên Xô giải thể, còn Đảng Cộng sản Nga không còn đóng vai trò là một Đảng cầm quyền, nên không có ảnh hưởng tới Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga. Trong khi đó Đảng nước Nga thống nhất được thành lập vào năm 2001 theo sáng kiến của Tổng thống V.Putin với hệ tư tưởng dựa trên nền tảng chủ nghĩa quốc gia dân tộc và chủ nghĩa yêu nước Nga, kế thừa những giá trị truyền thống lịch sử anh hùng và những thành tựu của Liên Xô, đã có ảnh hưởng nhất định tới quá trình cải cách Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nga V.Putin và Đảng nước Nga thống nhất, Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã thực hiện nhiều chương trình cải cách quân sự và đến nay đã trở thành một đội quân tinh nhuệ, thiện chiến và được đang bị hiện đại. Bản chất chính trị của Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga hiện nay và Các lực lượng vũ trang Liên Xô trước đây có cùng chung một điểm then chốt: Đó là sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc và chủ quyền quốc gia, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân Nga và đấu tranh vì một thế giới hòa bình, an ninh và hợp tác giữa các quốc gia trên cơ sở Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây đang ráo riết tiến hành cuộc chiến tranh thông tin-tư tưởng và tâm lý nhằm chống phá Nga với những luận điệu “Quân đội Nga phải nằm ngoài chính trị”, “nước Nga dưới thời V.Putin là quốc gia xâm lược”, “nước Nga đang mượn cớ chống khủng bố để xâm lược Syria”, “nước Nga bao che cho chế độ độc tài của Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học giết hại dân thường” v.v. Tất cả những luận điệu xuyên tạc trắng trợn đó đang hàng ngày hàng giờ “bắn phá dữ dội” vào nhận thức của người dân và các binh sỹ Nga nhằm tạo ra trạng thái hoang hoang, làm mất niềm tin và gây chia rẽ giữa Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga với Tổng thống Nga V.Putin.

Trong bối cảnh ấy, hơn lúc nào hết cần khôi phục lại một cơ quan có chức năng rất quan trọng là tuyên truyền giáo dục về truyền thống tốt đẹp của dân tộc Nga, trong đó có cả những giá trị và truyền thống thời Xô Viết, về chủ nghĩa yêu nước Nga, về con đường phát triển của nước Nga trong điều kiện mới và làm thất bại cuộc chiến tranh thông tin-tư tưởng do một số thế lực trên thế giới đang theo đuổi mưu toan không để cho nước Nga phát triển thành một cường quốc độc lập, có chủ quyền  và thịnh vượng, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hòa bình và an ninh quốc tế.

Đó là động lực thôi thúc Tổng thống Nga V.Putin ký Sắc lệnh thành lập Tổng cục chính trị-quân sự trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga. Với quyết định này, Tổng thống Nga V.Putin hoàn toàn không có ý định đưa Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga quay về thời Xô Viết, càng không có ý định đưa nước Nga quay trở về thời Liên Xô như dư luận ở Nga và Việt Nam đồn đoán./.

Thông tin về Thượng tướng A.Kartapolov

Thượng tướng A.Kartapolov sinh năm 1963 ở CHDC Đức. Ông đã  được đào tạo ở nhiều trường và học viện: Trường cao đẳng chỉ huy binh chủng hợp thành Matxcơva (năm 1985); Học viện quân sự mang tên Frunze (năm 1993); Học viện Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga (năm 2007).

Tướng A.Kartapolov đã từng phục vụ trong Cụm lực lượng vũ trang Liên Xô ở CHDC Đức, Tập Đoàn quân Miền Tây và Quân khu Viễn Đông. Năm 2007-2008, Thượng tướng A.Kartapolov giữ chức Phó Tư lệnh Quân khu Siberia; từ năm 2008 đến năm 2009 là Tham mưu trưởng kiêm Phó Tư lệnh Quân khu Matxcơva; từ năm 2009 đến năm 2010 là Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga; từ cuối năm 2010 đến năm 2012 là Tư lệnh Tập đoàn quân số 58 thuộc Quân khu Bắc Caucasus (sau đó đổi tên thành Quân khu Miền Nam); năm 2012-2013 là Phó Tư lệnh Quân khu Miền Nam; từ 2/2013 đến tháng 5/2014 là Tham mưu trưởng Quân khu Miền Tây; từ tháng 6/2014 đến tháng 11/2015 là Tổng Cục trưởng Tổng cục tác chiến kiêm Phó Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga; tháng 11/2015 được bổ nhiệm Tư lệnh Quân khu Miền Tây. Ông từng được tặng Huân chương vì sự nghiệp quân sự và nhiều huân, hjy chương khác./.

Tài liệu tham khảo:

[1] Путин подписал указ о создании Главного военно-политического управления ВС РФ. https://riafan.ru/1083068-putin-podpisal-ukaz-o-sozdanii-glavnogo-voenno-politicheskogo-upravleniya-vs-rf

[2] Главное военно-политическое управление создано в Минобороны. http://tass.ru/armiya-i-opk/5413977

[3] Главное политическое управле­ние. http://knowledge.su/g/glavnoe-politicheskoe-upravlenie

[4] Полити́ческое управле́ние (ПУР) Кра́сной а́рмии. https://ru.wikipedia.org/.

[5]Уkaз Президента Российской Федерации о создании Главного военно-политическое управления в Минобороны РФ. http://www.alppp.ru/law/zakonodatelstvo-ob-oborone/38/ukaz-prezidenta-rf-ot-07-05-1992--466.html

[6] Главное управление по работе с личным составом Вооруженных Сил Российской Федерации. https://structure.mil.ru/structure/ministry_of_defence/details.htm?id=9737@egOrganization

[7] История военно-политических органов в российской армии. Досье. http://tass.ru/info/5414711