Thị trường giải trí Việt Nam ghi nhận “ca” ảnh hưởng nặng nề nhất đầu tiên bởi đại dịch virus Corona là trường hợp của đoàn phim điện ảnh “Bí mật của gió”, vừa ra mắt khán giả miền Nam tối 31/1, khán giả miền Bắc tối 1/2 thì đã phải lập tức thông báo lịch hoãn chiếu vô thời hạn. Lịch chiếu mới sẽ chỉ được công bố sau thời gian dập dịch thành công.
Đầu tư hàng năm trời, tiền bạc bị “chôn” vào dự án, đến thời điểm có thể bán vé thu lại vốn thì gặp đại dịch hoành hành. E sợ công chúng không đến những nơi đông người, đoàn phim đành ngậm ngùi chọn giải pháp lùi thời gian phát hành.
Các ca sĩ cũng bị ảnh hưởng trầm trọng khi mà các live show ca nhạc có thể là môi trường thuận lợi nhất để phát tán virus Corona. Ca sĩ Đan Trường thông báo hủy tới 9 show diễn. Ca sĩ Erik mới đây cũng vừa phải hủy show diễn ở Đà Nẵng tối 1/2/2020. Ca sĩ Đức Phúc cũng chung cảnh ngộ, buộc phải hủy các show diễn tối 8 và 9/2 tới.
O2O Girl Band những ngày tháng còn vui
|
Đi nghe ca nhạc xưa nay làm sao có cảnh mỗi người cách nhau 2m, hơn nữa, còn phải đeo khẩu trang kín mít. Bản thân các ca sĩ dù hoàn toàn khỏe mạnh cũng không biết trình diễn kiểu gì, nếu buộc phải đeo khẩu trang che chắn, phòng virus Corona. Rất nhiều ca sĩ cho biết không dám nhận thêm lịch diễn cho các show mới vì chưa biết đến bao giờ bệnh dịch mới qua.
Lo sợ lây lan virus Corona, “bà bầu” Hồng Vân ngậm ngùi đóng cửa hai sân khấu kịch Chợ Lớn và sân khấu Phú Nhuận, lo khử trùng, tẩy uế, chờ qua thời gian ngặt nghèo này. NSƯT Trịnh Kim Chi cũng đóng cửa sân khấu kịch mang tên cô (Quận 6, TP.HCM), không dám diễn. NSND Hồng Vân cho hay cũng có thể sẽ mở lại các sân khấu vào dịp Lễ Tình nhân 14/2 nhưng cũng còn tùy vào tình hình khắc phục dịch bệnh thực tế.
Tuy nhiên, sân khấu, ca nhạc, điện ảnh Việt chỉ là một góc nhỏ của thị trường giải trí. Sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch viêm phổi Vũ Hán do virus Corona gây ra đã “đánh sập” cả làng giải trí Hoa ngữ vốn là cái “túi tiền” khổng lồ, thị trường “béo bở” của công nghiệp giải trí.
Ảnh do O2O Girl Band cung cấp
|
Năm ngoái, mùa phim Tết ở Trung Quốc thu về 860 triệu USD, với rất nhiều “bom tấn” dễ dàng cán mốc 1 tỷ NDT; trong khi đó doanh thu phòng vé của Trung Quốc mùa Tết này chỉ dừng lại ở con số 260.000 USD.
Các phim điện ảnh Hoa ngữ dự kiến chiếu rạp Tết này như Thám tử phố Tàu 3, Giải cứu, Đội bóng chuyền nữ Trung Quốc, Lạc lối ở Nga… đã đồng loạt thông báo hoãn chiếu và cũng không thể đưa ra lịch phát hành mới.
Đối với các nhà làm phim Hoa ngữ, mùa phim Tết chính là mùa hốt bạc, và các phim cạnh tranh với mức độ “chết người” nên không thể chiếu rạp dịp này nghĩa là thiệt hại lên đến hàng tỉ USD.
Không chỉ điện ảnh, mọi hoạt động bình thường của giới showbiz như ca nhạc, hội họp đều rơi vào trạng thái “đóng băng”, với tốc độ hủy show “chết người”. Từ khi dịch bệnh leo thang với số người chết ngày càng tăng cao, các địa điểm tổ chức sự kiện lớn nhất Trung Quốc vốn dĩ tấp nập ngày đêm giờ đóng cửa im ỉm, toàn bộ các sự kiện âm nhạc, điện ảnh, vui chơi giải trí và nghệ thuật trên đất nước tỷ dân đều bị hủy bỏ hoàn toàn.
Quá nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc chứ không chỉ ở Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc đã bị biến thành “thành phố ma”, những người còn sống sót đều cố thủ trong nhà, chờ những thời khắc đen tối sẽ qua.
Virus Corona phủ một bóng đen quá lớn lên toàn bộ thế giới giải trí, văn hóa nghệ thuật, làm “đóng băng” hầu như toàn bộ mọi hoạt động mà chưa biết đến khi nào mới có thể “phá băng”.