Việt Nam: Tỷ lệ học sinh quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp đôi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khảo sát gần 7.800 học sinh lớp 8-12 (tương ứng với trẻ 13-17 tuổi) của 81 trường học cho thấy tỷ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần.
Trẻ em trong độ tuổi đến trường (ảnh WHO)
Trẻ em trong độ tuổi đến trường (ảnh WHO)

Tỷ lệ học sinh quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp đôi

Sáng 25/4, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo trực tuyến công bố "Báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019".

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, khảo sát nhằm góp phần cung cấp bằng chứng cho việc triển khai thực hiện và đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia và của Chương trình Sức khỏe Việt Nam.

"Đây là cuộc khảo sát lần thứ hai, được thiết kế công phu, khoa học, áp dụng các quy trình chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới để nghiên cứu thực trạng và xu hướng của các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm và các hành vi sức khỏe phổ biến của học sinh lứa tuổi 13 đến 17 ở Việt Nam. Đặc biệt là các yếu tố hành vi liên quan đến chế độ ăn uống, vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh, sử dụng thuốc lá, rượu bia, hoạt động thể chất, tai nạn thương tích, sức khỏe tâm thần, và các vấn đề sức khỏe khác"- GS.TS Trần Văn Thuấn nói.

Tại hội thảo, TS Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam - cho biết, cuộc khảo sát triển khai tại 20 tỉnh với gần 7.800 học sinh tham gia, cung cấp số liệu về yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh không lây nhiễm cũng như các bệnh khác. Số học sinh tham gia khảo sát đều từ lớp 8-12 (tương ứng trẻ 13-17 tuổi) của 81 trường. Tỷ lệ phản hồi của học sinh là 97,0% và tỷ lệ phản hồi chung là 93,5%.

Các chỉ số thu thập trong cuộc khảo sát có thể được phân thành 4 nhóm gồm: các chỉ số thay đổi đáng kể theo hướng tích cực; các chỉ số không có thay đổi đáng kể; các chỉ số thay đổi đáng kể theo hướng tiêu cực; và các chỉ số không được thu thập trong vòng khảo sát trước.

So sánh điều tra tại Việt Nam năm 2013 với 2019 cho thấy có nhiều tiến bộ có ý nghĩa quan trọng trong một số lĩnh vực, một số chỉ số cải thiện rõ. Đơn cử như: tỷ lệ nhẹ cân giảm một nửa, từ 16,13% ở năm 2013 xuống còn 8,12% ở năm 2019; Tỷ lệ học sinh đã từng hút thuốc (thuốc lá điếu hoặc thuốc lào) giảm từ 12,14% năm 2013 xuống còn 8,29% năm 2019.

Tương tự, tỷ lệ hiện đang hút thuốc (lá điếu hoặc lào) cũng giảm từ 5.4% in 2013 xuống còn 2.8% năm 2019. Tỷ lệ hiện đang hút thuốc lá điếu giảm đáng kể từ mức 4,67% năm 2013 xuống còn 2,76% năm 2019 trong khi đó tỷ lệ hiện đang hút thuốc lào giảm từ 2,39% năm 2013 xuống còn 1,05% vào năm 2019; Tỷ lệ học sinh đã từng sử dụng ma túy đã giảm tích cực, từ 1,43% trong năm 2013 xuống còn 0,65% vào năm 2019.

Quang cảnh buổi công bố (ảnh WHO)

Quang cảnh buổi công bố (ảnh WHO)

Hay có khoảng một phần tư số học sinh (24,1%) có hoạt động thể chất ít nhất 60 phút/ngày từ năm ngày trở lên trong một tuần và đây là một sự thay đổi tích cực so với tỷ lệ của năm 2013 (20,55% hay một phần năm)… Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh bị thừa cân, béo phì có xu hướng tăng lên, tỷ lệ thừa cân tăng gấp đôi từ 5,83% lên 10,62% và tỷ lệ béo phì tăng từ 1,08% năm 2013 lên 1,85% vào năm 2019. Một số hành vi nguy cơ như uống nước ngọt có ga, ăn thức ăn nhanh đều tăng lên. Trong đó, tỷ lệ ăn thức ăn nhanh ít nhất 1 lần trong tuần tăng từ 30,2% lên 54,1%.

Lần đầu tiên đưa chỉ số sử dụng thuốc lá điện tử vào điều tra cũng ghi nhận tỷ lệ chung tại 21 tỉnh, thành có 2,6% học sinh sử dụng thuốc lá điện tử; riêng ở Hà Nội và TP HCM tỷ lệ này lên đến 7,9%.

Đặc biệt, thông tin từ nhóm nghiên cứu cho thấy tỷ lệ quan hệ tình dục trong học sinh giảm nhẹ, nhưng tỷ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần, từ 1,45% (năm 2013), tăng lên 3,51% (năm 2019).

Chưa đến 30% cha mẹ, người giám hộ hiểu các vấn đề lo lắng của con

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh - Trường Đại học Y tế công cộng, đại diện nhóm nghiên cứu – cho biết: một điểm trong khảo sát này cho thấy có những chỉ số hết sức quan trọng về sức khỏe tâm thần. Số liệu được thu thập trước khi dịch COVID-19 xảy ra, tuy nhiên đã có 13% trẻ cảm thấy cô đơn hầu hết thời gian hoặc luôn luôn cô đơn.

“Gần 7% thường xuyên cảm thấy lo lắng. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ nghiêm túc xem xét việc tự tử trong 12 tháng qua 2 lần khảo sát có giảm nhẹ nhưng trong số 6-7 trẻ thì vẫn còn một trẻ nghiêm túc nghĩ đến việc tự tử trong một năm qua. Trong khi đó, tỷ lệ phần trăm bố mẹ đồng hành cùng các con không cao. Đây là điều bậc phụ huynh cần suy nghĩ"- PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh nói.

Dẫn chứng điều này, PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh cho biết: Gần một nửa số học sinh (40,68%) tin rằng bố mẹ hoặc người trông nom nắm được hoạt động các em làm trong thời gian rảnh rỗi, 28,5% học sinh cho biết bố mẹ hoặc người trông nom hiểu được những khó khăn và lo lắng của các em. Hai tỷ lệ này không có thay đổi đáng kể khi so sánh với cùng tỷ lệ vào năm 2013 lần lượt là 37,34% và 30,48%.

Không những vậy, tỷ lệ học sinh thường xuyên hoặc luôn luôn được bố mẹ hoặc người trông nom kiểm tra bài tập về nhà năm 2019 (23,78%) giảm đáng kể so với số liệu năm 2013 (27,78%). Chính vì vậy, các yếu tố hỗ trợ đến từ sự tham gia của phụ huynh và gia đình có thể là chưa đủ để bảo vệ các em khỏi những rủi ro đối với sức khỏe thể chất và tinh thần… Chỉ số này cho thấy phụ huynh cần nỗ lực hơn nữa để đồng hành cùng trẻ để biết con đang lo lắng gì, có vấn đề gì. Trẻ ở lứa tuổi này gặp nhiều vấn đề (học hành, yêu đương…). Vì thế, nếu cha mẹ không đồng hành thì có thể trẻ không vượt qua được.

Gánh nặng từ bệnh không lây nhiễm gia tăng

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết thêm, trong khi các bệnh truyền nhiễm như COVID-19 diễn biến phức tạp thì nước ta cũng phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm.

"Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 74% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Số liệu mới nhất cho thấy mỗi năm tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 81% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân, chủ yếu là các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính. Số liệu điều tra cũng cho thấy ước tính ở người trưởng thành tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp là 26%, tương đương khoảng 17 triệu người mắc; tỷ lệ mắc đái tháo đường là 7%, tương đương với khoảng 4,5 triệu người mắc bệnh" - GS.TS Trần Văn Thuấn nói.

Lực lượng y tế tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-12 tuổi nhằm khống chế lây nhiễm bệnh COVID-19

Lực lượng y tế tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-12 tuổi nhằm khống chế lây nhiễm bệnh COVID-19

Cũng theo GS.TS Thuấn, sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm có nguyên nhân là do sự gia tăng nhanh các yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được như hút thuốc, uống rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và thiếu vận động thể lực, kèm theo là các tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường máu và mỡ máu. Hầu hết những yếu tố này được hình thành từ giai đoạn rất sớm trong cuộc đời. Vì vậy việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho trẻ em và thanh thiếu niên thông qua thúc đẩy hình thành các hành vi có lợi cho sức khỏe và phòng chống các yếu tố nguy cơ là một chính sách ưu tiên của Việt Nam.

Để giải quyết hiệu quả các bệnh không lây nhiễm và để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025; phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam và ban hành Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Các chương trình và chiến lược nêu trên có các giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho trẻ em và vị thành niên, đồng thời là định hướng cho hoạt động trong giai đoạn tới nhằm tập trung kiểm soát các yếu tố nguy cơ, dự phòng mắc bệnh đồng thời phát hiện sớm để quản lý hiệu quả các bệnh không lây nhiễm và các vấn đề sức khỏe khác.