Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/5/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 14 tỉ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, trong gần 5 tháng đầu năm 2021, có 613 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 8,83 tỉ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn FDI đăng ký điều chỉnh tăng thêm đạt 3,86 tỉ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ, trong khi tổng giá trị vốn góp mua cổ phần giảm hơn một nửa xuống còn 1,31 tỉ USD.
Dòng vốn FDI chảy vào 18 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,14 tỉ USD, chiếm 43,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,43 tỉ USD, chiếm 38,8%. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt 1,05 tỉ USD và gần 522 triệu USD.
Singapore là đối tác dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 5,26 tỉ USD, chiếm gần 37,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm. Nhật Bản đứng thứ hai với 2,59 tỉ USD. Nhà đầu tư từ Hàn Quốc đứng thứ ba với 1,83 tỉ USD, tiếp theo là Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Đài Loan.
Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 56 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,35 tỉ USD. Đứng thứ hai là TP. HCM với tổng vốn đăng ký 1,34 tỉ USD, Cần Thơ đứng thứ ba với 1,32 tỉ USD, tiếp theo là Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Giang,…
Tính đến ngày 20/5/2021, cả nước có 33.615 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 396,86 tỉ USD. Vốn thực hiện của các dự án FDI ước đạt 240 tỉ USD, bằng 60,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu