(tiếp theo kỳ trước)
Các chủ đề chính của hội nghị chuyên đề kín nói trên chủ yếu tập trung vào các phương tiện hàng hải và giám sát, phản ánh mối bận tâm của Việt Nam về tranh chấp Biển Đông. Việc Mỹ muốn khai thác thị trường Việt Nam cũng khớp với những nỗ lực của Hà Nội nhằm đa dạng hóa nguồn cũng vũ khí của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cũng như giảm thiểu các rủi ro phát sinh từ việc phụ thuộc quá lớn vào Nga, nhất là trong bối cảnh quan hệ Nga -Trung ngày càng khăng khít.
Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm cũng đã phần nào trở nên thuận lợi hơn nhờ các nhượng bộ của Việt Nam trong một số vấn đề. Hơn nữa, động thái này cũng được thúc đẩy bởi các tính toán chiến lược của Washington tại Biển Đông. Việt Nam được Mỹ coi như một trụ cột ngày càng quan trọng trong chiến lược tái cân bằng sang Tây Thái Bình Dương. Đặc biệt, hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như những động thái công khai của Bắc Kinh nhằm thách thức trật tự khu vực do Mỹ dẫn đầu càng làm Washington mong muốn tăng cường khả năng quân sự của các đồng minh và các đối tác mới nổi trong khu vực.
Washington cho rằng nếu các nước này trở nên mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập hơn, họ có thể giúp chống lại trọng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc, từ đó góp phần duy trì trật tự khu vực, đồng nghĩa với vị thế bá chủ khu vực của Mỹ. Các tính toán chiến lược của Mỹ một lần nữa lại song trùng với mong muốn của Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ với các cường quốc khu vực, qua đó nâng cao vị thế chiến lược cũng như sức mạnh mặc cả trong quan hệ với Trung Quốc ở Biển Đông. Do đó, việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm là một động thái hợp lý, phục vụ tốt các lợi ích chiến lược của cả hai nước Việt-Mỹ.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm cấm vận vũ khí là một bước tiến đáng kể trong quan hệ song phương Việt –Mỹ. Nó không chỉ đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước, mà còn cho thấy một sự xích lại gần nhau và một mức độ tin tưởng lẫn nhau cao hơn giữa hai cựu thù. Như vậy, hai bên giờ đây đã có điều kiện tốt hơn để theo đuổi các biện pháp hợp tác thực chất hơn nữa trong tương lai, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm như an ninh và quốc phòng. Quyết địn này giúp tăng cường lòng tin giữa hai bên, củng cố nền tảng chiến lược của quan hệ song phương, điều này càng quan trọng hơn nữa trong bối cảnh hai bên đang có các nỗ lực dần dần hướng tới một mối quan hệ đối tác an ninh trên thực tế.
Giới quan sát nhìn chung nhận địng, nếu xét về tác động quân sự, việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ chủ yếu vẫn là một động thái mang tính biểu tượng chứ chưa có tác động ngay trên thực tế. Việt Nam ít khả năng sẽ ký các thỏa thuận mua vũ khí lớn với Mỹ trong thời gian tới do những lý do kỹ thuật và tài chính.
Hầu hết các hệ thống vũ khí của Việt Nam hiện đang sử dụng do Nga và Liên Xô trước đây chế tạo, điều gây khó khăn cho Việt Nam nếu nhập khẩu các hệ thống vũ khí lớn và tinh vi từ Mỹ do vấn đề tính tương thích. Do đó, một số nhà chiến lược quốc phòng Việt Nam, chẳng hạn như Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng Việt Nam, đã lập luận rằng thay vì nhập khẩu vũ khí Mỹ, Việt Nam nên nhập khẩu các “phương tiện quân sự” của Mỹ mà thôi. Theo tướng Trung, các mặt hàng Việt Nam nên xem xét nhập khẩu từ Mỹ có thể bao gồm “máy bay trinh sát, tàu tuần thám, máy bay, tàu cứu hộ, cứu nạn”. Nhìn chung, các mặt hàng này sẽ không gây ra nhiều vấn đề về tính tương thích lớn đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay cả khi mối quan tâm của Việt Nam mở rộng và chính phủ có đủ nguồn lực để mua các hệ thống vũ khí thích hợp và đắt hơn từ Washington, các đơn đặt hàng như vậy vẫn có thể cần phải được Quốc hội Mỹ chấp thuận. Do đó, việc dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Việt Nam ít có khả năng dẫn đến những biến chuyển có ý nghĩa trong cán cân sức mạnh quân sự khu vực nói chung và ở Biển Đông nói riêng.
Nhưng Bắc Kinh có thể lo lắng nhiều hơn về triển vọng ngày càng tăng của việc Việt Nam và Mỹ trở thành các đối tác an ninh của nhau. Việc tăng cường quan hệ đối tác giữa Hà Nội và Washington, mà cuối cùng có thể bao gồm việc Việt Nam cho Mỹ tiếp cận nhiều hơn các cơ sở hải quân tại Vịnh Cam Ranh, hoặc tham gia vào các sáng kiến quốc phòng nhiều bên do Mỹ dẫn dắt, có thể làm Bắc Kinh bất an ở một mức độ nhất định. Ngay chuyên gia Trung Quốc như ông Trương Minh Lượng ở đại học Tế Nam cũng cho rằng, cho là các hành động của Trung Quốc biến các đảo đá ngầm thành căn cứ quân sự ở Biển Đông đã đẩy Việt Nam vào vòng tay Mỹ. Theo ông Trương , đã đến lúc Bắc Kinh cần xem xét lại chính sách đối với các láng giềng.
Theo các nhà phân tích, mặc dù Việt Nam không thể thay đổi cán cân sức mạnh quân sự ở Biển Đông, việc được tiếp cận nhiều hơn các vũ khí của Mỹ sẽ giúp nâng cao vị thế chiến lược của Việt Nam và giúp xây dựng phương án phòng thủ, răn đe tốt hơn. Do Việt Nam hiện nay có thêm nhiều lựa chọn trong danh sách mua sắm của mình, bước đi này cũng có khả năng làm cho Việt Nam trở nên ít phụ thuộc hơn vào Nga, và do đó mang lại cho Việt Nam khả năng thương lượng tốt hơn trong các cuộc đàm phán mua vũ khí từ Nga. Đồng thời, việc loại bỏ các lệnh cấm cũng làm cho Việt Nam dễ dàng hơn khi mua các vũ khí hay thiết bị quân sự từ bên thứ ba sử dụng công nghệ hoặc phụ tùng do Mỹ cấp phép. Các vũ khí hoặc thiết bị như vậy không thể được chuyển giao cho Việt Nam nếu lệnh cấm vẫn còn tồn tại.
Theo chuyên gia Murray Hiebert, phó giám đốc của Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS), Việt Nam mong muốn và cần kiên định theo đuổi quá trình hiện đại hóa quân sự, và nước này coi công nghệ quân sự của Mỹ là một đòn bẩy chiến lược tiềm tàng. Việt Nam không chỉ cần xây dựng một lực lượng răn đe hiệu quả trước sự hung hăng của Trung Quốc (nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 8 thế giới trong giai đoạn 2011-2015), Việt Nam cũng muốn giảm dần sự phụ thuộc quá mức của mình vào vũ khí Nga và tạo dựng khả năng phối hợp hoạt động với các đối tác đang nổi trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Mỹ.
Còn GS Prashanth Parmameswaran (Philippines) cho rằng khi xét tới chiến lược “xoay trục” hay tái cân bằng của Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận là bằng chứng cho thấy Washington coi trọng các đối tác mới nổi tại khu vực Đông Nam Á như Việt Nam cùng với các quốc gia khác như Malaysia (ngoài các đồng minh hiệp ước truyền thống là Thái Lan và Philippines). Động thái này – vốn đã cần tới một số công việc khó khăn trong nước và châm ngòi cho sự phản đối từ các nhà hoạt động, các nhóm vì quyền lợi và một số nhà lập pháp – đã được thực hiện bất chấp điều này, một phần như là sự công nhận của Washington về tầm quan trọng chiến lược đang gia tăng của Việt Nam trong chính sách châu Á của Mỹ, cũng như vai trò của nước này trong khu vực và thế giới.
Điều quan trọng là đây là một bước tiến lớn đối với hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt, ngay cả khi có thể không thu được các lợi ích nhanh như một số người hy vọng. Sau khi ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng 2015 giữa hai bên hồi cuối tháng 6, một sự dỡ bỏ hoàn toàn những hạn chế còn tồn tại đối với phạm vi Washington có thể cung cấp vũ khí cho Hà Nội phục vụ mục đích quốc phòng của Việt Nam, ngay dù bất kỳ vụ mua bán trên thực tế nào cũng vẫn sẽ phải đáp ứng các đòi hỏi nghiêm ngặt và sẽ được phê duyệt trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Việc bán hàng cũng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố khác, bao gồm cả khả năng thích ứng ngày càng tăng của Việt Nam với các thủ tục mua sắm tại Mỹ so với các đối tác quốc phòng truyền thống khác như Nga.
Chuyên gia Marvin Ott, nguyên giảng viên tại Trường Hải chiến Mỹ, đã nêu bật tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam trong chính sách xoay trục của Mỹ qua châu Á, đặc biệt là về mặt quân sự tại khu vực Biển Đông.
Theo ông Ott, trong số các quốc gia ven Biển Đông có thể trở thành đối tác quân sự của Mỹ và không chạy theo Trung Quốc, Việt Nam là nước có năng lực nhất. Indonesia tuy lớn nhưng không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, mặc dù hai bên có yêu sách biển chồng chéo trên biển; Philippines là một đồng minh của Mỹ, nhưng quân đội lại rất yếu kém, Malaysia và Brunei thì lại không sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc. Chuyên gia Marvin Ott kết luận: "Nhìn từ Lầu Năm Góc thì chỉ có một đất nước thực sự có thể là một đối tác quân sự và một nhân tố có trọng lượng tại vùng Biển Đông, và đó chính là Việt Nam".