Diplomat: Việt Nam đã gửi “đặt hàng” vũ khí Mỹ, Cam Ranh là “yếu tố then chốt” trong quan hệ

VietTimes -- Đại sứ Ted Osius nói Mỹ không tìm cách đóng căn cứ quân sự ở Cam Ranh và cho biết Mỹ đã nhận được các thư yêu cầu của Việt Nam về danh mục các thiết bị quan tâm. Quá trình chuyển giao thiết bị sẽ diễn ra dần từng bước vì Việt Nam vẫn đang tìm hiểu thủ tục của Mỹ.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm tàu cảnh sát biển Việt Nam năm 2015
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm tàu cảnh sát biển Việt Nam năm 2015

Mỹ không tìm cách đóng căn cứ quân sự tại Cam Ranh sau khi dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí với Việt Nam. Trong chuyến thăm của tổng thống Barack Obama, nhiều báo chí đã loan tải thông tin về những bước đi tiếp theo trong quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ. The Diplomat (Nhật Bản) dự báo nhiều động thái, bao gồm việc chuyển giao trang bị, tăng cường số tàu ghé thăm cảng Việt Nam và chiến hạm Mỹ cập cảng quốc tế Cam Ranh như Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ và Pháp đã làm.

Tuy nhiên theo tạp chí Nhật Bản, một số hãng tin đi xa hơn khi nói rằng Washington có thể tìm một dạng hiện diện nào đó tại Cam Ranh, cảng nước sâu nằm ở miền Trung Việt Nam. Mặc dù Washington đã từng có mặt tại căn cứ Cam Ranh trong thời chiến tranh, trước khi Liên Xô thay thế sau khi kết thúc cuộc chiến vào năm 1975. theo Diplomat, một động thái tạo lập sự hiện diện của Mỹ tại Cam Ranh, sẽ vượt khỏi cách tiếp cận ngoại giao đa phương truyền thống.

Nhưng đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius tuyên bố rằng Mỹ không tìm cách đóng căn cứ tai Việt Nam hay luân phiên binh sĩ ở đây khi được hỏi về khả năng Mỹ tiếp cận vịnh Cam Ranh của Việt Nam, trong sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington tổ chức mới đây.

Tuy nhiên, ông Ted Osius khẳng định, nếu điều kiện cho phép thì Mỹ có thể sẽ sử dụng các dịch vụ trả phí ở cảng quốc tế Cam Ranh khi cơ sở ở đây sẵn sàng hơn hiện nay. Trong đó có dịch vụ tiếp dầu hay sửa chữa như tàu của Singapore và Nhật Bản đã làm.  Nhưng Mỹ "hoàn toàn không có ý định tiếp cận căn cứ hải quân của Việt Nam, luân chuyển quân hay đặt căn cứ quân sự tại Cam Ranh. Mọi đồn đoán về những vấn đề này đều không đúng sự thực", ông nhấn mạnh.

Đại sứ Ted Osius nêu rõ Trung Quốc đang có các hành động đơn phương, không tôn trọng luật pháp quốc tế tại biển Đông. Về quan điểm của Mỹ, ông Osius cho biết Washington kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, không quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông.

Ông Ted Osius cho biết Mỹ "muốn có những đối tác mạnh, có khả năng tốt nhất để xác định và đối phó với những thách thức tại tuyến hàng hải trọng yếu trên biển Đông". Diplomat  ghi nhận Việt Nam đã hoàn tất việc xây dựng giai đoạn đầu tiên cảng quốc tế Cam Ranh hồi tháng 3/2016. Mỹ từ lâu đã bày tỏ quan tâm đến một dạng tiếp cận nào đó của các tàu bè vào cảng Cam Ranh, khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm Cam Ranh năm 2012 và nói rằng đây là “một yếu tố then chốt” trong quan hệ Mỹ-Việt.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta từng đến thăm Cam Ranh
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta từng đến thăm Cam Ranh

Đại sứ Osius cho biết thêm, thời gian tàu Mỹ ghé cảng Cam Ranh phụ thuộc vào nhiếu yếu tố bao gồm điều kiện cho chuyến thăm như vậy, chi phí cũng như sự sẵn sàng của các dịch vụ. Về vấn đề Việt Nam sẽ mua gì từ Mỹ sau khi lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ, ông Osius cho rằng Hà Nội trước hết sẽ quan tâm đến các thiết bị liên quan an ninh hàng hải.

Diplomat cho rằng những thiết bị nằm trong danh sách mua sắm có thể bao gồm máy bay tuần tra biển P-3C Orion cũng như các thiết bị để tăng cường năng lực giám sát, thu thập thông tin tình báo và trinh sát như các hệ thống radar và máy bay không người lái. Vẫn chưa rõ việc chuyển giao vũ khí cho Việt Nam sẽ theo giá cả thị trường hay thông qua chương trình quốc phòng đặc biệt của Mỹ, theo đó các thiết bị quân sự Mỹ được chuyển giao cho các nước đồng minh và đối tác sẽ được giảm giá hoặc miễn phí.

Ông Osius cũng cho biết Mỹ đã nhận được các thư yêu cầu của Việt Nam về danh mục các thiết bị quan tâm. Quá trình chuyển giao thiết bị sẽ diễn ra dần từng bước vì Việt Nam vẫn đang tìm hiểu thủ tục của Mỹ.

Theo giới quan sát, quyết định của Mỹ loại bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam là một kết quả tự nhiên của sự tăng cường quan hệ song phương trong những năm gần đây. Tuy nhiên, quyết định trên không phải là điều đương nhiên vì thực tế cả hai bên đã phải đầu tư khá nhiều nỗ lực để quyết định trên được đưa ra.

Phái đoàn quân sự Việt Nam thăm không đoàn vân hành máy bay tuần tra biển P-3 Orion của Mỹ
Phái đoàn quân sự Việt Nam thăm không đoàn vân hành máy bay tuần tra biển P-3 Orion của Mỹ

Quyết định trên đã được thúc đẩy một phần bởi việc Washington muốn mở cửa thị trường Việt Nam cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ. Theo số liệu thống kê mới đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIRPI), tổng số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 đã tăng gần 700% so với giai đoạn 2006-2010, biến Việt Nam thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 8 trên thế giới trong khoảng thời gian trên. Tuy nhiên, Nga lâu nay đã thống trị nguồn cung vũ khí cho Việt Nam, chiếm đến 90% số vũ khí Việt Nam nhập khẩu trong những năm gần đây. Vì vậy, loại bỏ lệnh cấm có thể cung cấp cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam.

Ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Obama, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã âm thầm tổ chức một hội nghị chuyên đề về hợp tác công nghiệp quốc phòng Việt -Mỹ từ ngày 11- 13/5/2016. Các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ như Boeing và Lockheed Martin đã tham gia , giúp các công ty này tìm hiểu thông tin từ các quan chức và các công ty mua sắm của Việt Nam về nhu cầu dự kiến của Việt Nam. Nó cũng cho phép các doanh nghiệp này trực tiếp tiếp thị sản phẩm của mình đến các đối tác Việt Nam.

(còn nữa)