Tổng thống Nga Putin nổi tiếng là người mạnh mẽ, quyết đoán |
Business Insider ghi nhận, ông Putin đã trải qua một chặng đường rất dài để leo lên đỉnh thành công như hiện nay, sau nhiều năm phục vụ trong cục tình báo Nga và các cơ quan chức trách khác trước khi trở thành lãnh đạo nước này.
Trong những năm gần đây, ông Putin dính líu nhiều hơn tới Mỹ. Tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị chỉ trích vì đã tìm cách làm ấm lại mối quan hệ với lãnh đạo nước Nga – quốc gia bị Mỹ luôn cáo buộc đang cố phá hoại nền dân chủ phương Tây.
Hãy cùng nhìn lại chặng đường mà ông Putin đã đi qua để trở thành người đàn ông quyền lực nhất thế giới và là đối thủ đáng gờm của Mỹ.
Sự nổi lên của Putin
Ông Putin sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động ở Leningrad năm 1952. Cha ông là một cựu chiến binh và là một công nhân nhà máy. Putin lớn lên trong một căn hộ theo phong cách Liên Xô cùng với hai gia đình khác, đây là một đặc trưng ở Liên Xô thời bấy giờ.
Putin đặc biệt yêu thích các bộ tiểu thuyết và các chương trình truyền hình gián điệp. Khi ông vẫn còn đi học, ông đã đến cơ quan an ninh và tình báo KGB và hỏi liệu mình có thể gia nhập cơ quan hay không, đây là thông tin nhà báo Ben Judah viết trong cuốn sách viết về tổng thống Nga Putin.
Các nhân viên tại trụ sở KGB lúc đó đã nói với chàng trai trẻ Putin rằng hãy học luật thật chăm chỉ, và Putin đã làm đúng như vậy. Ông theo học tại Đại học quốc gia Leningrad và sau đó làm việc với vai trò môt điệp viên KGB tầm trung ở nước ngoài trong 17 năm.
Đó là quãng thời gian ông có được trải nghiệm mang tính xác định trong cuộc đời mình.
Năm 1989 ở Dresden, một đám đông đã tụ tập bên ngoài trụ sở KGB để phản đối. Ông Putin đã kể lại rằng KGB lúc đó không thể làm gì nếu không có mệnh lệnh từ Mátxcơva, và Mátcơva thì không có động tĩnh gì.
“Mátxcơva hoàn toàn im lặng, tôi có cảm giác rằng đất nước này không còn tồn tại nữa. Rằng nó đã biến mất. Rõ ràng là Liên Xô đã rất yếu và có một chứng bệnh lâu năm mà không được chữa trị, đó là căn bệnh tê liệt”, theo lời ông Putin kể lại trong cuốn sách của Judah.
Judah viết rằng: “Với Putin và thế hệ của ông, những người không xuất thân từ tầng lớp trí thức, những người tin vào những điều họ được nghe về thành công của siêu cường Liên Xô, thì thời khắc ấy là một vết sẹo lớn”.
Khi trở thành tổng thống Nga, ông Putin nổi tiếng với chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước, những điều này có thể lý giải được khi quay ngược trở lại thời trai trẻ của ông. Theo một bài viết về Putin đăng trên báo Mỹ The Washington Post năm 2000, ông từng từ chối đọc một cuốn sách do một kẻ đào ngũ của Liên Xô viết vì ông “không đọc sách của những kẻ phản bội lại Đất Mẹ”.
Bắt đầu sự nghiệp chính trị
Năm 1991, ông Putin đã chính thức thôi việc ở KGB, quay trở lại thành phố Leningrad (nay đổi lại tên thành St.Petersburg và làm việc cho thị trưởng dân chủ đầu tiên của thành phố (và đồng thời từng là giáo sư luật) Anatoly Sobchak.
Ông Putin làm việc chủ yếu trong hậu trường và vẫn là một nhân viên bình thường. Ông được cho là người giám sát xem mọi việc được hoàn thành, và là “cánh tay không thể thiếu của ông Sobchak”.
Judah viết rằng ông Putin thừa hưởng tư duy chính trị của ông Sobchak, một người được biết tới với tính cách rất quyết đoán.
Ông Putin rất trung thành với Sobchak. Khi ông Sobchak không được tái đắc cử làm thị trưởng, người chiến thắng cũng cho Putin một chân trong ê kíp của ông, nhưng ông Putin đã từ chối và nói rằng: “Thà bị treo cổ vì lòng trung thành còn hơn được thưởng cho sự phản bội”.
Năm 1996, ông Putin và gia đình chuyển đến Mátxcơva. Ở đó, ông đã nhanh chóng thăng tiến và trở thành người đứng đầu FSB, cơ quan kế thừa của KGB vào năm 1998. Ông Boris Yeltsin, tổng thống Nga lúc bấy giờ đã cất nhắc ông Putin vào vị trí đó.
Tờ Newsweek nhận xét rằng đó là “vị trí mà tổng thống chỉ trao cho trợ lý tin cậy nhất”.
Thủ tướng được chỉ định và nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên
Tháng 8/1999, tổng thống Yeltsin đã bổ nhiệm ông Putin làm thủ tướng nước Nga, đây là lần bổ nhiệm thủ tướng thứ năm của ông Yeltsin chỉ trong hai năm. Ở Nga, thủ tướng là người đứng thứ hai trong bộ máy chính quyền và có trách nhiệm báo cáo mọi việc với tổng thống.
Và sau đó, đột nhiên ông Yeltsin tuyên bố từ chức và đề cử ông Putin vào vị trí tổng thống vào đêm giao thừa năm 1999. Sau đó ông Putin đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 3 năm đó.
Nhiều người tin rằng ông Yeltsin đã đẩy ông Putin lên làm tổng thống để bảo vệ chính mình. Cuộc chiến ở Chechnya mà lực lượng Nga lúc bấy giờ đang chiến đấu với quân ly khai đòi độc lập cho khu vực đó đang chuẩn bị tiến về phía nam, và số lượng người ủng hộ ông Yeltsin đã giảm đi đáng kể.
Một trong những bước đi đầu tiên của tổng thống Putin là bảo vệ người tiền nhiệm Yeltsin, trao cho ông “quyền miễn trừ khỏi các cuộc điều tra hình sự và hành chính, bảo vệ các giấy tờ, nơi cư trú và các tài sản khác của ông không bị điều tra và tịch thu”.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Putin chủ yếu tập trung vào các vấn đề trong nước. Ông có hai vấn đề lớn trong chương trình nghị sự của mình: Giải quyết cuộc chiến ở Chechnya và các đầu sỏ chính trị thời Yeltsin.
Ông Putin đảm nhiệm cương vị lãnh đạo chèo chống một nước Nga giữa lúc cực kỳ phức tạp. Đất nước này đang có chiến tranh ở Chechnya, khu vực vốn là một thực thể hành chính của Nga.
Ngoài ra, các nhà tài phiệt chính trị thời Yeltsin lúc đó đang ngày càng muốn mở rộng sức ảnh hưởng chính trị của mình. Ông Putin đã nhận ra rằng các nhân vật này có tiềm năng sẽ còn mạnh hơn cả ông, vì vậy ông đã ký một thỏa thuận với họ.
Theo một số kênh thông tin, “vào tháng 7/2000, ông Putin đã nói với các nhà tài phiệt chính trị rằng ông sẽ không can thiệp vào công việc làm ăn của họ cũng như không tái quốc hữu hóa các nguồn tài nguyên của quốc gia, miễn là họ đứng ngoài chính trị, nói cách khác là họ không được thách thức hay chỉ trích tổng thống”.
Và với cuộc chiến Chechnya lần thứ hai, ông Putin đã có tiếng thơm là “con người của hành động.”
Năm 2002, một nhà hát ở Mátxcơva đã bị 40 tay súng ly khai Chechnya chiếm giữ, những kẻ khủng bố này do thủ lĩnh ly khai khét tiếng Movsar Barayev dẫn dắt. Trong ba ngày bắt cóc con tin cân não, đã có 129 trong số 912 con tin bị chết.
Đó là thời khắc quan trọng với ông Putin, nhiều người dự đoán sự ủng hộ ông trong nước sẽ giảm mạnh. Nhưng “cách giải quyết quyết đoán của ông đối với cuộc bao vây và việc ông từ chối đàm phán với những kẻ bắt giữ con tin đã càng làm vững chắc danh tiếng “con người hành động” của ông Putin.” Sự ủng hộ ông đã tăng lên 83% sau khi vụ việc này kết thúc.
(còn tiếp)