Trang Military Watch cho biết, từ lâu các nhà bình luận quân sự quốc tế đã suy đoán, Ethiopia sẽ mua loại máy bay chiến đấu nào để thay thế các tiêm kích MiG-23 đã lão hóa mua từ những năm 1980, đồng thời thay thế một số Su-27 được mua vào cuối những năm 1990 và đây là thập kỷ cuối cùng các máy bay tiêm kích hạng nặng này phục vụ.
Ethiopia cũng đã mua máy bay chiến đấu hạng nhẹ L-15 của Trung Quốc đầu năm 2022 để thay thế cho MiG-23 đồng thời mua Su-30 thay thế Su-27 trong thành phần của hệ thống phòng không không quân tầm cao và tầm thấp.
Hiện không rõ biến thể của Su-30 được mua sẽ là phiên bản nào, nhưng có khả năng sẽ là Su-30SM hoặc Su-30SM2, phiên bản nâng cấp với động cơ AL-41F-1S từ tiêm kích đa năng Su-35, giảm nhu cầu bảo trì, tăng cường tầm bay và hiệu suất bay của máy bay chiến đấu.
Các máy bay tiêm kích như Su-30SM2 có thể cạnh tranh với lô Su-30MKA mới nhất của Không quân Algeria, được giao vào năm 2020 cho danh hiệu máy bay có năng lực tác chiến cao nhất ở châu Phi, một vị trí mà Ethiopia đã đạt được trước đó ba thập kỷ khi lần đầu tiên mua Su-27 từ Nga.
Ethiopia trước đây được coi là khách hàng hàng đầu đối với máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Theo truyền thông Ethiopia, sau nhiều cuộc đấu thầu thất bại ở các quốc gia châu Phi như Maroc, Algeria và Libya, Paris đã tích cực tiếp thị máy bay chiến đấu cho Addis Ababa.
Tình huống khiến Ethiopia lựa chọn Su-30 chứ không phải là Rafale diễn ra sau quyết định của Bộ Quốc phòng Kazakhstan, được công bố ngày 30/11/2023 sau khi quốc gia này đã chọn Su-30SM. Công bố quyết định này, phó Tư lệnh Bộ trưởng Bộ Phòng không và là giám đốc cơ quan vũ khí trang bị chủ lực Yerzhan Nildibayev tuyên bố, Su-30 có tỷ lệ “chất lượng-giá cả” tốt hơn so với máy bay Pháp.
Các quốc gia khác đã coi Rafale và Su-30 là những đối thủ cạnh tranh trên thị trường vũ khí, cụ thể là Algeria và Libya. Hai quốc gia này đều chọn Su-30, dù sau đó Libya bị nhiều thành viên NATO tấn công và chính phủ của ông Gaddafi bị lật đổ, nhưng chương trình mua sắm đã hoàn thiện trước đó.
Một tác động thứ hai là Không quân Ấn Độ, dù mua 36 chiếc Rafale nhưng vẫn chưa đặt mua lô máy bay tiếp theo, tiếp tục mở rộng phi đội máy bay tiêm kích Su-30 lên tới 270 chiếc.
Như vậy, dự án mua Su-30SM do Ethiopia và Kazakhstan thực hiện liên quan chặt chẽ với gói Su-30MKA của Algeria và các máy bay Su-30MKI được Ấn Độ mua sắm. Tất cả 3 biến thể này đều được sản xuất tại Nhà máy Hàng không Irkutsk, được cải tiến theo yêu cầu của khách hàng và là biến thể có hiệu quả khai thác sử dụng cao nhất của dòng Su-30.
Theo đánh giá của các chuyên gia phương Tây, ưu điểm của Rafale so với Su-30 là nhu cầu bảo trì thấp hơn do máy bay nhẹ hơn nhiều, động cơ M88 cũng là loại yếu nhất nếu so với bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào trên thế giới, cần tương đối ít công việc duy tu bảo dưỡng hơn.
Một ưu điểm mà nhà sản xuất ca ngợi là các biến thể mới hơn của Rafale được trang bị hệ thống cảm biến và thiết bị điện tử phức tạp và tiên tiến hơn so với Su-30, không tích hợp hệ thống điện tử hàng không mới nhất của Nga trên tiêm kích tàng hình Su-57 mới.
Nhưng Su-30 vượt trội về hầu hết các khía cạnh liên quan đến hiệu suất khai thác sử dụng, độ bền gần gấp đôi, radar lớn hơn gấp đôi, cho phép phi công có khả năng nhận biết tình huống vượt trội hơn và phạm vi phát hiện mục tiêu đến 400km. Máy bay có trần bay, tốc độ cao hơn nhiều, đồng thời có tính năng siêu cơ động.
Những Su-30, chế tạo tại Irkutsk được trang bị động cơ vectơ lực đẩy, mang lại khả năng cơ động mà không máy bay chiến đấu phương Tây nào có thể so sánh được. Phạm vi tác chiến không đối không của tiêm kích đạt tới hơn 300km khi sử dụng tên lửa R-37M, lớn hơn tất cả các máy bay tiêm kích đa nhiệm của phương Tây.
Nga có khả cung cấp Su-30 nhanh hơn nhiều so với thời gian Pháp có thể cung cấp Rafales, thường trong vòng một năm kể từ khi ký hợp đồng. Ethiopia được hưởng lợi do những điểm tương đồng với Su-27 làm giảm các yêu cầu huấn luyện, được cho là yếu tố quan trọng khác đã tác động đến Addis Ababa, ưu tiên mua sắm Su-30 vào thời điểm có yêu cầu bức thiết phải có máy bay chiến đấu hiện đại hơn trong khi nguồn ngân sách rất hạn hẹp.
Trên thực tế, Su-30 đã được tham gia chiến đấu trong các cuộc xung đột cường độ cao, trong khi Rafale chỉ tham gia một số lượng nhỏ những cuộc tấn công cường độ thấp ngoài tầm nhìn, không kích các mục tiêu mặt đất không được bảo vệ hoặc lực lượng phòng không rất yếu, đây cũng là một yếu tố khác khiến các máy bay tiêm kích Nga có lợi thế vượt trội.
Trong các cuộc xung đột trên thế giới, Pháp thường xuyên cung cấp các thông số kỹ thuật nhạy cảm của máy bay chiến đấu đã bán cho các khách hàng quốc phòng, như trong Chiến tranh vùng Vịnh và Chiến tranh đảo Falklands để cho phép các quốc gia NATO đối phó hiệu quả hơn với tiêm kích Mirage của Iraq và Argentina, Nga là một đối tác đáng tin cậy hơn do không can thiệp vào các cuộc chiến của các đối tác, khách hàng của mình.
Ethiopia bắt đầu được trang bị máy bay chiến đấu của Liên Xô từ những năm 1980. Sau khi Eritrea tách khỏi quốc gia này vào năm 1993 và Lực lượng Không quân Eritrea mới thành lập mua sắm MiG-29 của Nga, Ethiopia lập tức đặt hàng máy bay chiến đấu Su-27SK và biến thể hai ghế Su-27UBK. Những cuộc giao tranh đường không trong Chiến tranh Ethiopia-Eritrea 1998-2000 cho thấy, phi công của Ethiopia, trên các Su-27 thể hiện ưu thế vượt trội, bắn hạ 4 chiếc MiG-29 mà không bị tổn thất. Kết quả này khiến Eritrea phải mua thêm 2 chiếc Su-27 cho lực lượng không quân sau chiến tranh.
Ethiopia hiện đang rơi vào tình trạng nội chiến từ cuối năm 2020, phải đối mặt với những tranh chấp lãnh thổ với Sudan, căng thẳng tiếp tục với Eritrea và các mối đe dọa từ quốc gia láng giềng Ai Cập về quyền đối với nước sông Nile.
Quyết định mua Su-30 dự kiến sẽ cách mạng hóa nền kinh tế của đất nước do Ethiopia sẽ khả năng chống lại các mối đe dọa từ bất kỳ tác nhân nào trong số này. Su-30 mang lại cho Không quân Ethiopia ưu thế trên không vượt trội so với các máy bay chiến đấu Su-27S của Eritrea và MiG-29SME của Sudan.
Việc Pháp từ chối cung cấp cho Ai Cập tên lửa không đối không Meteor cho máy bay chiến đấu Rafale của quốc gia này cũng tạo ra lợi thế vượt trội cho các máy bay Su-30 của Không quân Ethiopia trong trường hợp có thể xảy ra xung đột. Một tình huống khác khiến Ethiopia tự tin hơn khi Cairo không chịu nổi áp lực của phương Tây, buộc phải hủy đơn đặt hàng mua các tiêm kích đa năng hiện đại Su-35 vào năm 2018.
Hơn thế nữa, không quân Ethiopia sẽ có một phương tiện tác chiến hiệu quả do Su-30SM cũng có khả năng sử dụng vũ khí tấn công chính xác, tăng cường sức mạnh hỏa lực khi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực đường không chống lại lực lượng nổi dậy ở vùng Tigray của quốc gia này.
Nga tăng cường triển khai pháo phản lực nhiệt áp TOS – 2 Tosochka
Nga nâng cấp tên lửa hành trình tầm xa Kh-101 với khả năng chống tên lửa phòng không phương Tây
Pháp sẽ viện trợ cho Ukraine hàng trăm bom “siêu thông minh” AASM
Military Watch