Nga tăng cường triển khai pháo phản lực nhiệt áp TOS – 2 Tosochka

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trang Defense Blog, dẫn tuyên bố của một binh sĩ Ukraine trên mạng xã hội X (Twitter) đưa tin, quân đội Ukraine phát hiện một tổ hợp pháo phản lực nhiệt áp mới, TOS-2 Tosochka của Nga, triển khai ở vùng phía đông quốc gia này.

Trước đó, từ tháng 10/2023, trang Russian Gazeta, dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội Nga đã đưa TOS – 2 Tosochka, tổ hợp pháo phản lực nhiệt áp mới nhất vào thử nghiệm thực tế trong vùng Chiến dịch quân sự đặc biệt. Chương trình thử nghiệm này có mục đích cho phép các đơn vị tham gia chiến đấu của Binh chủng Phòng chống Vũ khí hủy diệt lớn (NBC) đưa ra những đánh giá về các tính năng kỹ chiến thuật của vũ khí và những yêu cầu cụ thể trong quy trình vận hành.

Theo tin từ quân đội Ukraine, TOS-2 có tầm bắn nâng cấp lên 24 km, vượt xa phiên bản tiền nhiệm TOS-1 có tầm bắn 6 km.

binhluanukraine-2135.jpg
Binh sĩ Ukraine đăng trên trang mạng xã hội Twitter. Pháo phản lực nhiệt áp TOS-2, có tầm bắn 24 km được triển khai ở Donbass. Ảnh Defense Blog.

Hiện nay, quân đội Nga được trang bị 3 loại pháo phản lực nhiệt áp là TOS-1 "Buratino", TOS-1A "Solntsepek" và TOS-2 "Tosochka" hoàn toàn mới. Theo biên chế của quân đội Nga, các pháo phản lực nhiệt áp được trang bị cho lực lượng phòng chống vũ khí hủy diệt lớn (NBC), sử dụng như một phương tiện đi cùng yểm trợ hỏa lực cho bộ binh, xe tăng, phá hủy các trận địa hỏa lực tiền duyên, vô hiệu hóa xe tăng, xe thiết giáp và các phương tiện cơ giới của đối phương.

Hệ thống pháo phản lực nhiệt áp hạng nặng đầu tiên có tên gọi là TOS-1 "Buratino", được phát triển ở Liên Xô từ năm 1971 đến 1979 tại Cục Thiết kế Kỹ thuật Giao thông Vận tải Omsk.

Năm 1980, TOS-1 thành công vượt qua các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước và được đưa vào biên chế trong quân đội Liên Xô. Pháo phản lực nhiệt áp được sử dụng ở Afghanistan và mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc.

Cả "Buratino" TOS-1 và "Solntsepek" TOS-1A đều được thiết kế trên thân xe tăng T-72. "Buratino" có bệ phóng với 30 ống dẫn hướng. TOS-1A "Solntsepek" có số lượng ống phóng dẫn hướng là 24. Các nhà sản xuất đã tăng cường lớp giáp bảo vệ bệ phóng, có thể chống được đạn xuyên giáp đến 12,7 mm.

phao-phan-luc-nhiet-ap-6280.jpg
Pháo phản lực nhiệt áp TOS-2 "Tosochka". Ảnh Defense Blog

TOS-2 "Tosochka" phiên bản "Solntsepek" hiện đại hóa sâu trên cơ sở kinh nghiệm chiến trường Syria, lắp đặt trên khung gầm xe vận tải quân sự địa hình "Ural -63706" cấu hình 6x6 được trang bị giáp nhẹ. Xe có cabin mở rộng có thể chứa toàn bộ kíp pháo thủ 5 người. Tất cả các quy trình chuẩn bị bắn và khai hỏa đều được thực hiện từ trong cabin xe tải.

Xe được trang bị động cơ diesel YaMZ-652, công suất 440 mã lực, cho tốc độ cực đại trên đường bê tông đến 100 km/h.

Nền tảng bánh hơi cho phép pháo phản lực nhiệt áp có khả năng cơ động cao hơn trên chiến trường trong điều kiện chiến đấu linh hoạt và mật độ dày đặc các phương tiện trinh sát và hỏa lực của đối phương. Thông thường, các hệ thống pháo phản lực nhiệt áp hạng nặng được sử dụng trên cự ly gần, từ khoảng cách vài km đến hàng chục km. Chính vì vậy, khả năng cơ động nhanh chóng và công tác ngụy trang kỹ lưỡng có ý nghĩa sống còn đối với loại vũ khí này.

Bệ phóng TOS-2 có 18 ống phóng dẫn hướng. Khối lượng của "Tosochka" là 20 tấn và của "Solntsepek" là hơn 40 tấn. TOS-2 không cần xe vận chuyển – nạp đạn do có cần cẩu nạp đạn độc lập. Pháo phản lực "Tosochka" được trang bị thiết bị tác chiến điện tử chống lại các loại vũ khí có độ chính xác cao như các máy bay không người lái (UAV) tự sát.

Tosochka mới được lắp đặt thiết bị định vị hiện đại, thiết bị đo xa laser, thiết bị định vị vệ tinh GPS, Glonass, đồng hồ đo tốc độ Doppler, thiết bị đo lường quán tính, nhờ đó có thể phóng tên lửa từ các vị trí bắn không chuẩn bị trước.

Hệ thống điều khiển hỏa lực TOS-2 kỹ thuật số mới hoàn toàn tự động, sử dụng máy tính đạn đạo hỗ trợ hệ thống định vị vệ tinh GPS, Glonass, tăng cường độ chính xác và giảm thiểu sự phân tán đầu đạn khi bắn loạt.

Pháo phản lực nhiệt áp bánh lốp sử dụng loại đạn mới có sức công phá lớn hơn. Tầm bay của tên lửa Buratino không vượt quá 4,5 km, Solntsepek – 6 km, nhưng đạn TBS-M3 của Tosochka có tầm bắn lên tới 15 km.

Nếu Solntsepek với 24 tên lửa có thể thiêu hủy trên diện tích 4 ha thì 18 tên lửa TBS-M3 Tosochka sẽ phá hủy tất cả trên diện tích 6 ha.

Pháo phản lực nhiệt áp được trang bị các đạn rocket lắp đầu đạn nhiệt áp. Nguyên lý hoạt động của đầu đạn khá đơn giản. Đầu đạn chứa hai chất riêng biệt, hỗn hợp nhiên liệu dễ cháy và bộ phận kích nổ. Khi tên lửa va chạm với mục tiêu, hỗn hợp nhiên liệu dễ cháy sẽ phun ra dưới dạng đám mây hạt (sol-khí). Hỗn hợp nhiên liệu thâm nhập vào tất cả các khe hở của các công trình, hầm ngầm, công sự. Bộ phận kích nổ hoạt động làm bùng phát vụ nổ cực mạnh với một đám mây lửa khổng lồ, tạo ra áp lực dư thừa trên một khu vực rộng lớn và đốt cháy tất cả ô xy trong khu vực mục tiêu, vì vậy đạn nhiệt áp được gọi là đạn chân không.

Pháo phản lực nhiệt áp TOS-2 "Tosochka" chiến đấu trên chiến trường Ukraine. Video Russian Gazeta.

Tosochka không thay thế các hệ thống pháo nhiệt áp trước đây mà là một sản phẩm mở rộng của pháo phản lực nhiệt áp của “Solntsepek” và “Tosochek” nhằm tăng cường khả năng sống sót và đáp ứng yêu cầu sử dụng hỏa lực linh hoạt trong chiến đấu.

Theo Defense Blog