Từ đầu năm nay tới nay, khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 63 ca dương tính với bạch hầu. Đắk Lắk là tỉnh mới nhất ghi nhận ca mắc đầu tiên. Riêng trong ngày 7/7, tỉnh Đắk Nông có thêm 4 ca bệnh, nâng tổng số ca mắc ở đây lên 25 người; tỉnh Gia Lai có thêm 5 ca, nâng tổng số lên 15 ca; tỉnh Kon Tum có 22 ca mắc.
GS. TS. Nguyễn Thanh Long nhận định, tình hình bệnh bạch hầu hiện nay mắc trên diện mắc rộng hơn, nhiều địa bàn mắc hơn, đối tượng mắc rải rộng mọi lứa tuổi, không riêng ở trẻ em. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong do bệnh này đến thời điểm hiện nay khá cao. Chính vì vậy, ông Long yêu cầu các đơn vị cần tập trung hết sức để phòng, chống bệnh bạch hầu như đã từng cố gắng để phòng, chống dịch COVID-19.
Bạch hầu là bệnh lây qua đường hô hấp, qua giọt bắn, qua tiếp xúc trực tiếp người bệnh. Bạch hầu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỷ lệ tử vong từ 5-7%, có vùng tới 20%, chủ yếu do biến chứng của bệnh.
Bệnh bạch hầu có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, ông Long yêu cầu các cơ quan tâp trung nỗ lực khống chế, kiểm soát bệnh một cách căn cơ.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao Cục Y tế dự phòng phối hợp Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai ngay chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng, cho tất cả đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên.
Trẻ em sẽ được tiêm vaccine 3 trong 1, còn với người lớn tiêm vaccine Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu).
Ông Long cũng yêu cầu rà soát lại tất cả các phác đồ điều trị, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc men, giao Vụ Kế hoạch Tài chính tổng hợp, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xin bổ sung kinh phí cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, đề xuất cấp kinh phí chống dịch cho 4 tỉnh có dịch từ nguồn dự trữ của Bộ Y tế.
Dự kiến ngày 10/7, Bộ Y tế sẽ tổ chức phát động chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh bạch hầu để huy động sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh.