Kiểm tra công tác phòng, chống dịch bạch hầu
Từ đầu tháng 6 đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 12 ca dương tính với bạch hầu trên địa bàn, trong đó 4 ca mắc tại xã Đắk Sor từ ngày 3/6 - 8/6; 8 ca mắc tại hai xã Quảng Hòa và Đắk R’ Măng, huyện Đắk Glong. Đáng chú ý, có 1 ca mắc bạch hầu tử vong là bé gái 9 tuổi sống ở thôn 6, xã Quảng Hòa.
Thực tế, các ổ dịch bạch hầu tại Đắk Nông không có mối liên quan dịch tễ với nhau, các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là đồng bào dân tộc H’ Mông.
Sau khi phát hiện ra ổ dịch tại Đắk Nông, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên tổ chức các đội đáp ứng nhanh trực tiếp làm việc tại ổ dịch để hỗ trợ triển khai các biện pháp chống dịch bệnh và giám sát tình hình dịch bệnh.
Ngay trong chiều nay (28/6), Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đoàn của Bộ Y tế tới kiểm tra công tác phòng chống dịch bạch hầu tại xã Quang Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã tới điểm tiêm chủng tại thôn 6 (đội 2) xã Quảng Hòa. Thôn có 73 hộ với 321 khẩu, tất cả đều là người dân tộc thiểu số, trong đó người H’ mông chiếm 98,6%, hộ nghèo chiếm 95,8%. Tổng số người cần tiêm chủng bổ sung vaccine TD trong đợt này là 274 người.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra việc tiêm chủng tại xã Quang Hòa. (Ảnh: Vũ Mạnh Cường)
|
Ông Tuyên cũng đã tới thăm gia đình ông Sùng Văn T. có con gái là cháu Sùng Thị H., 9 tuổi đã tử vong vì bệnh bạch hầu trong đợt dịch này. Ông Sùng Văn T. – bố của cháu H. cho biết, con gái ông có tiêm vaccine, nhưng không tiêm đầy đủ.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ mất mát với gia đình và căn dặn vợ chông ông T. cần cho tất cả những người trong gia đình thuộc diện tiêm bổ sung vaccine TD đi tiêm, cho các con tiêm đầy đủ các loại vaccine đúng lịch, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ tại nơi ở và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Tăng cường truyền thông để người dân hiểu, nhận thức đúng về dịch bệnh
Làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông, UBND huyện Đắk Glong và các cán bộ y tế ở địa phương, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao tỉnh Đắk Nông đã kịp thời triển khai những biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu khá đồng bộ theo đúng hướng dẫn của ngành y tế, đồng thời chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền và ngành y tế Đắk Nông để ngăn chặn bệnh bạch hầu bùng phát đợt hai tại địa bàn.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bạch hầu, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo các lực lượng tham gia chống dịch tại Đắk Glong áp dụng những kinh nghiệm quý báu trong việc khống chế thành công dịch COVID-19 để ngăn chặn dịch bạch hầu tại địa phương.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại cuộc họp với Sở Y tế Đắk Nông và UBND huyện Đắk Glong. (Ảnh: Vũ Mạnh Cường) |
Trong những kinh nghiệm quý báu để khống chế thành công dịch COVID-19 thì việc truyền thông trên internet cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng đã góp phần giúp người dân hiểu và nhận thức đúng về tình hình cũng như các biện pháp phòng, chống dịch.
Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Đài, Báo của tỉnh phối hợp với ngành Y tế tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp các thông tin cần thiết, các khuyến cáo các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu để người dân hiểu, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh, đưa các trường hợp nghi ngờ mắc đến ngay các cơ sở y tế để được khám bệnh và điều trị.
Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị phải tuyên truyền rõ lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đảm bảo đủ mũi và đúng lịch.
Chủ động tiêm vaccine để phòng bệnh
Trước diễn biến phức tạp của dịch bạch hầu, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Đăk Nông đã chỉ đạo hệ thống chính trị và ngành y tế huyện Đắk Glong phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên thực hiện ngay các biện pháp khoanh vùng, dập dịch; truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch tới người dân, đồng thời thực hiện việc tiêm chủng bổ sung vaccine TD phòng bệnh bạch hầu, uốn ván cho người dân trong độ tuổi từ 7-40 sinh sống tại khu vực có dịch.
TS. Văn Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên -cho hay, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã thực hiện 550 mẫu xét nghiệm, cung cấp cho Đăk Nông 10 nghìn liều vaccine TD, trợ giúp 60 bộ quần áo phòng dịch và 200 chai dung dịch rửa tay diệt khuẩn. Bên cạnh đó, Viện còn cử đến Đắk Nông hai cán bộ để giúp Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đắk Nông (CDC) nâng cấp kỹ thuật có thể tự xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm bạch hầu bằng phương pháp PCR.
CDC Đắk Nông cũng đã tăng cường giám sát chặt chẽ các ổ dịch, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần, có liên quan tới các ca dương tính; rà soát thống kê, khám bệnh, thực hiện lấy 562 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm; khử khuẩn môi trường 2 lần/ngày.
Kết quả, từ 19h ngày 19/6, ổ dịch tại đội 2 thôn 6 xã Quảng Hòa đã cơ bản được khoanh vùng cách ly. Sau 1 tuần kể từ khi phát hiện ca bệnh cuối cùng (ngày 21/6), đến nay tại Đắk Nông không phát hiện thêm ca mắc bạch hầu mới.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện của bệnh có thể từ nhẹ đến nặng. Bệnh nhân mắc bạch hầu thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không được tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. |