Ở Trung Quốc Đại lục, dư luận cũng coi 2020 là năm mấu chốt của vấn đề Đài Loan, đặc biệt là vấn đề “thống nhất” hay “độc lập” và “thống nhất như thế nào” là trọng tâm của tất cả các bên. Tại Hội thảo mang tên “Thế giới chi khốn, Trung Quốc chi trị" (Thế giới bế tắc, Trung Quốc yên ổn) do Thời báo Hoàn cầu tổ chức vào ngày 21/12, Trung tướng PLA về hưu Vương Hồng Quang (Wang Hongguang), cựu Phó tư lệnh Quân khu Nam Kinh, đã gây chú ý tuyên bố rằng đối với Trung Quốc lục địa, thế lực chủ trương Đài Loan độc lập phải được xác định rõ ràng là “Các thế lực thù địch” và cho rằng kênh thống nhất hòa bình hai bên bờ eo biển Đài Loan “đã bị đóng chặt”.
Theo trang tin Đa Chiều, tướng Vương Hồng Quang đã đưa ra ba phán đoán cơ bản về tình hình ở Đài Loan. Ông cho rằng thế lực đòi độc lập ở Đài Loan hiện đã chiếm từ 80% đến 90% hòn đảo; phe chủ trương thống nhất đã bị gạt ra bên lề và xu hướng này là không thể đảo ngược. Từ Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) đến Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), việc loại bỏ Trung Quốc hóa của Đài Loan đã đạt được những kết quả rất lớn. Đây cũng là cơ sở của ván bài “hai bên eo biển” của bà Thái Anh Văn trong chiến dịch bầu cử.
Đề cập đến điều này, ông Vương Hồng Quang bày tỏ với vẻ cảm xúc rằng người thuộc phái thống nhất Trung Quốc không có “thân bằng cố hữu” ở Đài Loan. Ông nhấn mạnh: “Mao Trạch Đông đã từng có một luận điểm quan trọng. Vấn đề đầu tiên của cuộc cách mạng là ai là bạn của chúng ta và ai là kẻ thù của chúng ta. Đây là điều phải được làm rõ trước”. Nếu phán đoán cơ bản của Đại lục về vấn đề “địch, ta” không chính xác sẽ dẫn đến một loạt chính sách sai lầm. “Đài Loan độc lập” chính là thế lực thù địch! Hiện nay chúng ta (Trung Quốc Đại lục) có một số vấn đề đã làm sai”.
Trung tướng PLA về hưu Vương Hồng Quang: “cánh cửa thống nhất hòa bình đã bị đóng lại” và “một quốc gia, hai chế độ” không thể thực hiện ở Đài Loan.
|
Trong phán đoán thứ hai của mình, ông Vương Hồng Quang thẳng thừng tuyên bố “cánh cửa thống nhất hòa bình đã bị đóng lại” và “một quốc gia, hai chế độ” không thể thực hiện ở Đài Loan. Ông cho rằng: “Hơn 90% người dân Đại lục yêu cầu thống nhất bằng vũ lực và hơn 80% người dân Đài Loan yêu cầu ly khai hòa bình”. Sự chia rẽ giữa hai luồng ý kiến công chúng này là không thể hòa giải được.
Phán đoán thứ ba của Vương Hồng Quang là, thời gian để giải quyết hòa bình vấn đề Đài Loan không phải nằm ở phía Đại lục. Nếu phải mất thêm 5 đến 10 năm nữa, việc thống nhất Đài Loan sẽ là gánh nặng không thể chịu đựng được ở cả hai bên eo biển. Ông tin rằng thế hệ thanh niên sinh sau năm 1997 tại Đài Loan hầu hết đều chủ trương Đài Loan độc lập và số lượng sẽ ngày càng tăng lên; những người thực sự chủ trương thống nhất ở Đài Loan có chưa tới 5%.
Ông Quang dẫn lời báo cáo điều tra của Đại học Duke University ở Durham, North Carolina, nói rằng nếu Đài Loan tuyên bố độc lập và Trung Quốc thực hiện thống nhất bằng vũ lực, phe muốn độc lập ở Đài Loan vẫn sẽ cao tới 23%. Ông nhấn mạnh, trên thực tế, cho dù chỉ 1% người Đài Loan chủ trương độc lập thì cũng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp này, một khi chiến tranh nổ ra ở cả hai bên eo biển, chắc chắn sẽ “máu chảy thành sông”.
Nói đến điều này, Vương Hồng Quang đặc biệt tiết lộ rằng, khi thế giới bên ngoài nói đến thống nhất bằng vũ lực, hầu hết đều thảo luận về hành động quân sự của Đại lục chống lại Đài Loan. Nhưng thực ra, ngay từ hơn 10 năm trước, Đài Loan cũng đã bắt đầu chuẩn bị đầy đủ cho cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra: “Ngay từ hơn 10 năm trước, Không quân Đài Loan đã lập kế hoạch tấn công rất chi tiết vào một thành phố hạng hai ở tỉnh Giang Tây. Mọi đường bay và nơi vòng lại của máy bay chiến đấu đều được trình bày rất chi tiết. Một số người nói, tại thao trường cuộc tập trận lớn Chu Nhật Hòa 2015 ở Tây Bắc Trung Quốc đã tạo ra một tòa nhà nghi ngờ là mô phỏng Dinh Tổng thống ở Đài Loan.
Tướng Hải quân về hưu La Viện: bất kể đảng nào lên nắm quyền sau cuộc bầu cử ở Đài Loan năm 2020, cũng đều không thể tuyên bố Đài Loan độc lập, nếu không sẽ có nghĩa là tìm đến cái chết.
|
Ông Quang nói, đó không còn là “nghi ngờ”, mà chính là Phủ Tổng thống Đài Loan. Đài Loan là mục tiêu của”thống nhất vũ lực” hoàn toàn không sai.
Điều đáng nói là, khi nói về giải pháp cho vấn đề Đài Loan, ông Quang đã đề xuất ra phương án thống nhất bằng vũ lực “theo kiểu Nam Kinh” độc đáo của riêng mình. Sở dĩ được gọi là “mô thức Nam Kinh” là do có liên quan đến các “mô thức Bắc Kinh” (giải phóng hòa bình) và “mô thức Thiên Tân” (giải phóng bằng tấn công vũ lực) của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc nội chiến Quốc – Cộng thời kỳ 1945-1949. Khi đó, quân đội của Đảng Cộng sản khi tấn công Nam Kinh đã sử dụng phương thức đe dọa vũ lực, cuối cùng hầu hết quân đội Quốc Dân Đảng đóng ở Nam Kinh đã chọn cách rút lui và bàn giao, đã không xảy ra giao chiến quy mô lớn giữa hai bên.
Vương Hồng Quang cho rằng dùng vũ lực thống nhất Đài Loan thích hợp nhất là học hỏi từ “Mô thức Nam Kinh”. Ông đã nói rõ các bước hành động quân sự cụ thể tại hội thảo: đoạt lấy ba hòn đảo bên ngoài Đài Loan rồi uy hiếp đảo Đài Loan chứ không sử dụng vũ lực. “Đầu tiên, chiếm lấy đảo Đông Doanh (Dongying). Trung Quốc Đại lục có tên lửa Dongfeng và các vũ khí khác; cộng với sự chi viện của các quân cảng quần đảo Chu Sơn (Zhoushan) xung quanh, PLA hoàn toàn có thể giành được với số thương vong bằng không. Tiếp theo, chiếm lấy Quần đảo Đông Sa (Dongsha), nằm trên tuyến đường Hạm đội Đài Loan phải đi qua dưới sự bảo vệ của quân đội Hoa Kỳ. Đài Loan chỉ cử một đơn vị nhỏ của Sở cảnh sát biển bố phòng. PLA có thể chiếm được chỉ với một đại đội. Cuối cùng, giành lấy cụm đảo Bành Hồ. Các đảo Bành Hồ dễ công khó thủ, 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ là giải quyết xong và PLA đã thực hiện các mô phỏng hoạt động này trên máy tính từ hơn một thập kỷ trước. Chiếm được ba hòn đảo này đồng thời không hành động trên đảo Đài Loan, trong cục diện đó Đài Loan độc lập không còn có thể thực hiện được”.
Giáo sư Khoa Chính trị Đại học Đài Loan Trương Á Trung : Bắc Kinh thiếu một hệ thống luận điểm về công tác Đài Loan.
|
Ngoài ra, Thiếu tướng Hải quân La Viện (Luo Yuan), Phó chủ tịch điều hành và Tổng thư ký Hiệp hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc, cũng phát biểu cho rằng, bất kể đảng nào lên nắm quyền sau cuộc bầu cử ở Đài Loan năm 2020, cũng đều không thể tuyên bố Đài Loan độc lập, nếu không thì sẽ có nghĩa là tìm đến cái chết. Bất cứ đảng nào cũng không thể chủ động lựa chọn thống nhất. La Viện cho rằng trọng tâm hiện tại của công việc của Bắc Kinh đối với Đài Loan phải được thay đổi từ “chống Đài Loan độc lập” sang “thúc đẩy thống nhất đất nước” và “cần phải thúc đẩy chính xác việc thống nhất ở Đài Loan”.
Giáo sư Khoa Chính trị Đại học Đài Loan Trương Á Trung (Zhang Yazhong), người cũng có mặt tại hội thảo, cho rằng Bắc Kinh thiếu một hệ thống luận điểm về công tác Đài Loan. “Vì sao phương án Đài Loan Một quốc gia, hai chế độ của Chủ tịch Tập Cận Bình được đề xuất vào đầu năm lại trở thành cớ để Thái Anh Văn cầm súng? Đó là, Bắc Kinh đã nhảy thẳng từ việc hai bên eo biển Đài Loan chưa kết thúc đối đầu sang “hậu thống nhất”; điều này không có lợi cho sự chấp nhận của Đài Loan”. Ông cho rằng, thay vì nói về nhà nước sau khi thống nhất, tốt nhất trước tiên nên giải quyết loại mối quan hệ nào nên có trong thời kỳ từ khi chấm dứt trạng thái thù địch đến thời điểm trước khi thống nhất. Điều này cũng cho phép phe chủ trương thống nhất ở Đài Loan có hiệu quả hơn trong việc tuyên truyền về luận điểm thống nhất trên hòn đảo.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu