Từ vụ hàng trăm nhân viên y tế nghỉ việc ở BV Bạch Mai: Chất xám ở BV công có “chảy” sang BV tư?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc hàng trăm nhân viên y tế từ bỏ một bệnh viện công lớn nhất cả nước đã khiến dư luận dậy sóng. Liệu đây có phải dấu hiệu báo động ngành Y đang “chảy máu chất xám”?
Bác sĩ khám bệnh cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)
Bác sĩ khám bệnh cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)

Có hay không chuyện “chảy máu chất xám”?

Thông tin về 221 bác sĩ, nhân viên y tế ở Bệnh viện Bạch Mai bất ngờ xin nghỉ việc, chuyển công tác mới đây đã khiến dư luận cả nước chấn động. Đây là sự việc hy hữu lần đầu tiên xảy ra ở một bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt lớn nhất cả nước.

Xoay quanh sự việc này, rất nhiều ý kiến khác nhau đã được đưa ra. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất rút ra từ sự việc hàng trăm bác sĩ, nhân viên y tế xin nghỉ việc chính là: “Có hay không chuyện ngành Y đang chảy máu chất xám từ bác sĩ ở bệnh viện công sang bệnh viện tư?” và chất lượng dịch vụ cũng như công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân giữa bệnh viện công và bệnh viện tư có sự chênh lệch như thế nào?

Để giải đáp những thắc mắc liên quan đến vấn đề “nóng” này, PV VietTimes đã liên hệ với ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII).

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) (Ảnh - Việt Dũng)

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) (Ảnh - Việt Dũng)

Trao đổi với PV VietTimes, ông Tiến cho biết: “Tôi đã biết được thông tin về một số bác sĩ ở bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư để làm việc, không chỉ riêng ở Bệnh viện Bạch Mai mà còn ở một số bệnh viện khác trên cả nước. Từ sự việc này, tôi cho rằng nếu chúng ta không có chính sách tốt để thu giữ được người tài ở lại trong bệnh viện công, do đó, chất lượng khám, chữa bệnh ở bệnh viện công sẽ bị ảnh hưởng. Bởi khi những người có trình độ ra đi thì bệnh viện không thể khám, chữa bệnh tốt cho người dân được”.

Theo ông Tiến, hiện nay có rất nhiều bệnh viện tư ra đời theo chủ trương xã hội hoá công tác giáo dục, y tế, văn hoá,… của nhà nước. Khi bệnh viện tư ra đời, họ sẽ có chủ trương thu hút người tài đến để làm việc với mức lương cao, chế độ tốt, chính sách hợp lý. Do đó, rất khó để các bác sĩ làm việc tại bệnh viện công có thể “kiên trì ở lại”. “Vì thế, tôi đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế phải có chính sách thu hút, đãi ngộ người tài để giữ họ ở lại bệnh viện công làm việc và cống hiến, gắn bó với bệnh viện. Đất lành thì chim đậu. Đất không lành thì chim sẽ bay đi. Nếu không có chính sách đãi ngộ tốt, chúng ta sẽ không thể giữ các bác sĩ giỏi ở lại bệnh viện công” – ông Tiến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, ông Tiến cho hay: “Chúng ta cũng không thể trách các bác sĩ vì nơi nào có thu nhập cao, môi trường làm việc tốt thì họ sẽ đến để làm việc”.

Trước những thắc mắc về tình trạng “chảy máu chất xám” trong ngành Y, ông Tiến chia sẻ: Nếu các bệnh viện công không giữ được bác sĩ giỏi ở bệnh viện công thì chất xám sẽ “chảy” sang các bệnh viện tư. Bệnh viện công có một sứ mệnh đó là bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho người dân, còn bệnh viện tư hầu hết chỉ chủ trọng vào vấn đề tài chính. Vì thế, các bệnh viện công cần giữ được những người bác sĩ, y tá, nhân viên y tế giỏi để phục vụ cho sự nghiệp y tế của nước nhà.

GS. TS. Nguyễn Viết Tiến – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế (Ảnh - Minh Thuý)

GS. TS. Nguyễn Viết Tiến – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế (Ảnh - Minh Thuý)

Nhằm tìm hiểu rõ hơn nữa về vấn đề bác sĩ ở bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư làm việc, PV VietTimes đã trao đổi với GS. TS. Nguyễn Viết Tiến – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - người có hàng chục năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Y tế.

Khi nhận được câu hỏi của PV, GS. TS. Nguyễn Viết Tiến khá bất ngờ, ông cho biết: “Theo tôi thực ra việc các bác sĩ ở bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư làm việc không có vấn đề gì, quan trọng nhất là các bác sĩ dù ở đâu cũng phải phục vụ và chăm sóc tốt cho sức khoẻ của người dân, đúng theo quy định của ngành Y tế”.

Ra đi vì … cơ chế không phù hợp

Sau khi thông tin hàng trăm nhân viên y tế xin nghỉ việc được đưa ra, đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: Việc hơn 200 nhân viên y tế nghỉ việc không phải sự bất ổn ở bệnh viện mà do bệnh viện tinh gọn hiệu quả để vận hành dịch vụ tốt hơn, phù hợp hơn với cơ chế tự chủ. Một số nhỏ các bộ dịch chuyển vì lý do cá nhân nên điều này là hoàn toàn bình thường. Để lấp đầy chỗ trống, bệnh viện đã tuyển dụng thêm 506 người, trong đó có nhiều bác sĩ ở trình độ cao.

Mặc dù phía Bệnh viện Bạch Mai khẳng định việc này là hoàn toàn bình thường nhưng một số bác sĩ, nhân viên y tế là nhân lực chất lượng cao lại cho rằng họ ra đi là vì cơ chế ở bệnh viện không thoả đáng.

Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh - Hoàng Anh)

Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh - Hoàng Anh)

Một bác sĩ là nhân lực chất lượng cao, công tác lâu năm tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ông là 1 trong số hơn 200 bác sĩ, nhân viên xin nghỉ việc ở bệnh viện. Còn đủ tuổi công tác và theo quy định mới còn được kéo dài thời gian làm việc so với trước kia nhưng ông vẫn xin nghỉ việc.

Chia sẻ về lý do xin nghỉ việc, vị bác sĩ này cho rằng ông nghỉ việv không phải do áp lực hay vấn đề về kinh tế mà do cảm thấy không phù hợp với cơ chế quản lý mới nên quyết định xin nghỉ. “Với tuổi của tôi làm để cống hiến cho nghề, cho khoa học, các học trò nhưng tôi thấy ở bệnh viện bị hạn chế và cách quản lý mới không phù hợp như muốn đi đâu, làm gì phải lên kế hoạch, xin phép, đồng ý mới được đi,… và còn nhiều vấn đề khác nên tôi không làm được, xin nghỉ” – ông nói.

Vị bác sĩ này cũng cho rằng: “Tên tuổi của Bệnh viện Bạch Mai được xây dựng trong hơn 100 năm qua và có được như bây giờ là nhờ vào việc cứu chữa, phục vụ cho đông đảo người dân, nhất là người nghèo. Còn giờ đây lại chuyển đi theo hướng chăm sóc chất lượng cao, tăng giá để phục vụ một số người chắc chắn sẽ có những ý kiến trái chiều, chưa thể đồng tình”.

Ngoài ra, một bác sĩ đã chuyển công tác khỏi bệnh viện Bạch Mai từ trước Tết Nguyên đán cho hay, nguyên nhân chính khiến họ nghỉ việc cũng là do cơ chế của bệnh viện thay đổi sau khi có lãnh đạo mới.

Trước đó, không chỉ ở Bệnh viện Bạch Mai, làn sóng bác sĩ bỏ bệnh viện công tìm đến các bệnh viện tư để làm việc không chỉ khiến ngành Y tế phải “đau đầu” mà còn gây ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân.

Mới đây, hàng loạt bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã âm thầm viết đơn xin thôi việc vì thu nhập thấp, chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi.

Ở Cà Mau, trung bình mỗi năm có hơn 20 bác sĩ ở các bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư công tác. Bệnh viện Đa khoa Cà Mau là nơi số lượng y, bác sĩ bỏ công tác nhiều nhất. Chỉ tính riêng riêng hai năm 2017, 2018, bệnh viện này có 16 trường hợp bác sĩ làm đơn xin nghỉ việc, trong đó có 13 trường hợp được chấp nhận, còn 3 trường hợp tự ý bỏ việc.

Tại các bệnh viện tuyến huyện và thành phố Cà Mau, tình trạng bác sĩ bỏ việc cũng diễn ra khá phổ biến. Phần lớn những trường hợp bác sĩ làm đơn xin nghỉ việc đều là những bác sĩ có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm, được đào tạo sau đại học. Nguyên nhân chính dẫn đến sự dịch chuyển bác sĩ từ bệnh viện công sang bệnh viện tư được cho là do thu nhập, môi trường làm việc, chế độ ưu đãi… của các bệnh viện tư được đánh giá là cao và tốt hơn so với các bệnh viện công.

Còn tại Đồng Nai, chỉ riêng trong năm 2018 đã có có 97 bác sĩ nghỉ việc. Hai tháng đầu năm 2019, con số này là 19 người. Nhiều bác sĩ trẻ nghỉ việc và có từ 2 đến 5 năm kinh nghiệm.