Ngỡ rằng một khi bị mắc ung thư, bệnh nhân sẽ không còn cơ hội trao sự sống cho người khác. Nhưng trên thực tế, nhiều bệnh nhân ung thư đã hiến tạng, mang lại ánh sáng cho nhiều người.
“Em phải sống đến giây phút cuối cùng để được hiến tạng”
Một ngày cuối năm 2019, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Trần Bá Trình (45 tuổi, ở Huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Vợ anh Trình là chị N.T.T - một bệnh nhân ung thư đã hiến tạng cứu người.
Căn bệnh ung thư trực tràng dày vò chị đến tận cùng, những giây phút cuối, bụng chị trương to như muốn nổ tung. Trong đau đớn, chị trăn trối với một người bạn thân tình: “Em quá đau đớn, em muốn uống thuốc tìm đến cái chết. Nhưng nếu làm vậy, em không thể hiến tạng được nên em sẽ chiến đấu đến cuối cùng. Em chỉ mong khi mình chết đi mình vẫn có thể cứu người”. Những lời cuối trên cõi đời của chị T. ai nghe cũng phải thương xót và trân trọng nghĩa cử cao đẹp của một bệnh nhân ung thư.
Anh Trần Bá Trình trân trọng đặt bằng khen của Bộ Y tế lên bàn thờ người vợ quá cố. Ảnh: Nguyễn Trăm
|
Bên bàn thờ vợ, anh Trình thắp nén nhang, khấn cầu người nằm xuống được bình an. Anh ngậm ngùi kể, khi sinh đứa con thứ 3, vợ anh bị táo bón nặng, đi khám thì biết bị khối u polyp đại tràng.
Năm 2016, anh đưa vợ phẫu thuật khối u và điều trị ở Bệnh viện (BV) Bình Dân. Sau quá trình dài nỗ lực điều trị, bệnh tình của chị T. không giảm. mà mỗi ngày một nặng hơn, nên gia đình đưa về an dưỡng cùng các con và người thân.
Những ngày đầu phát bệnh, chị đã tìm hiểu và quyết định đăng ký hiến tạng. Anh Trình khi nghe vợ nói tâm nguyện liền đồng ý ngay. Trong khi đó, gia đình chị T. đã phản đối kịch liệt vì con gái đã mắc bệnh ung thư trực tràng chịu quá nhiều đau đớn, đến khi mất còn bị lấy đi một phần trên cơ thể thì lại thêm xót xa.
Chị T. và chồng thuyết phục gia đình mãi 1 năm sau mới nhận được sự chấp thuận.
Chị Cao Thị Hồng Ánh ngậm ngùi nhớ lại những khoảnh khắc vào cuối đời của người bạn hàng xóm. Ảnh: Nguyễn Trăm
|
Ước mong lớn nhất của chị T. là được hiến tất cả cơ quan của cơ thể, nhưng đến cuối đời, căn bệnh ung thư dày vò thể xác rệu rã, chỉ còn lại đôi mắt sáng. Sợ rằng ở Đồng Nai quá xa TP.HCM, hơn nữa lúc mình mất đi, gia đình sẽ đau thương rối bời nên những ngày còn có thể thều thào từng hơi thở, chị T. đã căn dặn người bạn thân tình về chuyện hiến tạng.
Chị Cao Thị Hồng Ánh (một người bạn thân của chị T. ) tâm sự: “T. nằm trên giường bệnh, gắng gượng tìm thẻ hiến tạng đưa cho tôi. T. dặn ngay khi T. mất hãy gọi ngay đến BV Chợ Rẫy để họ đến lấy tạng, dù chỉ còn đôi mắt. Tôi khóc rưng rức khi nghe T. dặn, cô ấy quá dũng cảm và mạnh mẽ, cố gắng chịu đau đớn đến phút cuối cùng để trao lại đôi mắt sáng cho người còn sống”.
Anh Trình còn giữ nguyên thẻ hiến tạng của vợ và giới thiệu đến những người xung quanh để lan tỏa thông điệp nhiều ý nghĩa. Ảnh: Nguyễn Trăm
|
Khi nhận được thông tin giác mạc của vợ đã giúp một người mù khó khăn được có đôi mắt sáng, anh Trình và các con cảm thấy nỗi mất mát phần nào nguôi ngoai. Di nguyện trước lúc lâm chung của người mẹ, người vợ là được cứu người, nay cũng đã hoàn thành.
Gia đình chị T. mừng hơn và thêm phần tin tưởng khi biết con gái mất đi vẫn trao được đôi mắt, giúp một người nghèo được nhìn thấy ánh sáng tươi đẹp của cuộc đời.
Chia sẻ với chúng tôi, đôi mắt anh Trình luôn ánh lên niềm tự hào. Nhất là khi những người trong vùng, bạn bè của anh hỏi han nhiều hơn về hiến tạng và xin thông tin của BV Chợ Rẫy để thực hiện nghĩa cử cao đẹp.
Người cha cho hay nghĩa cử của vợ ẩn chứa nhiều lời dạy đến các con hơn bất kỳ câu nói nào. Ảnh: Nguyễn Trăm
|
“Ở bên kia thế giới, biết được mình để lại đôi mắt sáng cho đời và truyền đi thông điệp tốt đẹp, vợ tôi sẽ an lòng lắm. Hai đứa con gái đầu lòng của tôi, đứa đã học lớp 11, đứa học lớp 9. Các cháu hiểu nghĩa cử cao đẹp của mẹ và rất tự hào, đi học, cháu khoe với bạn bè về mẹ suốt. Còn đứa út mới 3 tuổi, cháu nghĩ mẹ đang đi công tác xa. Tôi nghĩ rằng vợ tôi không may mắn được sống nhiều để cùng tôi nuôi dạy con, nhưng nghĩa cử cao đẹp của vợ còn ẩn chứa nhiều lời dạy con hơn bất kỳ lời nói nào” – Anh Trình nhìn di ảnh vợ ngấn nước mắt.
Hoàn thành di nguyện mới nhắm mắt xuôi tay
Cũng như hoàn cảnh của chị T., vợ anh Nguyễn Đình Tuấn (39 tuổi, ở phường 12, quận 8) cũng là bệnh nhân ung thư có ước nguyện hiến tạng cứu người. Đoàn BV Chợ Rẫy đến thăm gia đình đúng vào ngày giỗ 100 ngày của chị N.T. M.T., không khí gia đình ảm đạm, vương nhiều tiếc thương.
Không khí gia đình anh Tuấn vào ngày giỗ 100 ngày của mang nhiều niềm tiếc nhớ. Ảnh: Nguyễn Trăm
|
Chị T. phát hiện bị ung thư buồng trứng vào cuối năm 2016, lúc này bệnh đã ở giai cuối. Gia đình nỗ lực điều trị nhưng bệnh đã quá nặng, chị trở về trong đau đớn, cảm nhận cái chết đến từng giây phút.
Những ngày biết mình mắc bệnh ung thư cũng là khoảng thời gian chị T. vô tình biết được các thông tin về nghĩa cử hiến tạng. Sống trong nỗi tuyệt vọng của cái chết, càng tìm hiểu về hoạt động hiến tạng, chị T. lại càng khát khao được gieo mầm sống cho cuộc đời.
“Vài ngày sau khi biết mình mắc bệnh ung thư, bà xã đã bàn với tôi tâm nguyện hiến tạng. Tôi chưa biết nhiều đến hoạt động này, nhưng khi nghe vợ nói, tôi trân trọng nghĩa cử cứu người của vợ nên đồng ý ngay” – Anh Tuấn tâm sự.
Trước khi ra đi, chị M.T. đã kịp chụp lại bức ảnh cưới cùng gia đình. Anh Tuấn trân trọng treo ảnh vợ ngay trước phòng khách như để nhắc mình và các con luôn nhớ về hành động cao đẹp của người mẹ. Ảnh: Nguyễn Trăm
|
Người chồng nhìn lên hình vợ, nhớ lại ngày nhắm mắm xuôi tay, cả gia đình đau buồn nên không nhớ đến nguyện vọng của chị. Có lẽ giữa lằn ranh sự sống và cái chết, người phụ nữ sức cùng lực kiệt sợ mình bị ung thư, đến giây phút cuối cơ quan nội tạng bị phá hủy không thể giúp được ai nên cứ ngước nhìn lên trần nhà, cố trăn trối nhưng không thành lời.
Mãi đến khi một người em gái đến thì thầm bên tai “Giờ mình hiến giác mạc nha chị” thì chị mới cố hết sức ngồi dậy như một hành động vui mừng cuối cùng và ra đi mãi mãi.
“Sau khi biết mình được hiến tạng, vợ tôi mới cảm thấy được hoàn thành tâm nguyện và ra đi thanh thản. Gia đình nhanh chóng gọi đến BV Chợ Rẫy để bác sĩ đến nhà lấy giác mạc” – Anh Tuấn nhớ lại khoảnh khắc cuối đời của người vợ quá cố.
Anh Tuấn ngậm ngùi nhớ lại lời trăn trối của vợ. Ảnh: Nguyễn Trăm
|
Con của vợ chồng anh Tuấn, đứa đầu mới học lớp 1, còn 2 đứa sinh đôi vừa tròn 4 tuổi, vẫn còn quá nhỏ để biết được chúng đã mất đi bầu sữa ngọt lành, hơi ấm của người mẹ. Sau khi vợ mất, anh ngày ngày chăm sóc con và dạy chúng những bài học đầu đời. “Khi các con lớn lên, tôi sẽ kể cho chúng nghe về nghĩa cử cao đẹp của mẹ, chắc rằng chúng sẽ rất tự hào và sống "người" hơn như mẹ các cháu đã làm” – Anh Tuấn ngậm ngùi.
Hiện giác mạc của chị T. và chị M. T. đã được trao cho 2 bệnh nhân nghèo, giúp họ có đôi mắt sáng để nhìn người yêu thương và cuộc sống tươi đẹp.
Tại buổi thăm các gia đình hiến tạng cứu người, ôngTrần Hữu Tâm - Phó Chủ tịch Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM và ông Phan Đệ - Chánh Văn phòng Ngân hàng Mắt TP.HCM - trân trọng cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của người nằm xuống. Dù mắc bệnh ung thư, các bệnh nhân vẫn có nghĩa cử cứu người, trao lại sự sống trên cõi đời. Thạc sĩ Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội, BV Chợ Rẫy - Phó đơn vị Điều phối ghép tạng BV Chợ Rẫy cho biết Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của BV Chợ Rẫy ra đời ngày 17/6/2014, phát hành thẻ hiến tạng đầu tiên ngày 28/10/2014. Ghép mô tạng không thể thành công nếu không có sự cho tặng của người hiến tạng. Đặc biệt hơn, đối với những trường hợp hiến tim và hiến giác mạc thì chỉ có người hiến tặng nhân đạo khi qua đời mới có thể thực hiện được Đến nay BV Chợ Rẫy đã nhận được sự hiến tạng của 34 người, 13 người cho tim ngừng đập và trên 13 nghìn đơn xin hiến tạng. Nhiều năm qua, BV Chợ Rẫy luôn tổ chức các chương trình thăm hỏi gia đình người hiến tạng, trao Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân do Bộ trường Bộ Y tế truy tặng và gởi đến họ lời tri ân chân thành. |