Cuộc sống dần trở lại "bình thường mới" trong vùng dịch TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mặc dù chưa hẳn đã hoạt động trở lại, nhưng đời sống của TP.HCM bắt đầu có sinh khí sau chuỗi ngày giãn cách kéo dài.
Cuộc sống dần trở lại nhịp độ bình thường mới tại vùng dịch TP.HCM - Ảnh: Hoà Bình
Cuộc sống dần trở lại nhịp độ bình thường mới tại vùng dịch TP.HCM - Ảnh: Hoà Bình

Cuộc sống dần trở lại bình thường

Ngày thứ 2 kể từ thời điểm TP.HCM bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, trên các tuyến phố, người dân đi lại nhộn nhịp hơn.

Các trung tâm thể dục thẩm mỹ đã được phép mở cửa trở lại nhưng sẽ chính thức hoạt động từ ngày 4/10, sau khi đã làm đầy đủ thủ tục hướng dẫn cho khách hàng về cách thức đăng ký tham dự và đảm bảo giãn cách cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh phòng, chống dịch.

Nhiều dịch vụ như cắt tóc, gội đầu, sửa xe, rửa xe… đã được hoạt động lại và vô cùng đắt khách, vì nhiều người đã 4 tháng không được cắt tóc, hoặc xe hư cũng không có chỗ sửa. Tại các tiệm tóc, vì tuân thủ giãn cách nên lịch hẹn đã kín cho nhiều ngày tiếp theo. Tại các tiệm sửa xe, rửa xe, khách hàng ngồi giãn cách 2 mét, chờ đến lượt được phục vụ. Toàn bộ tuân thủ việc đeo khẩu trang, không trò chuyện, nhưng tinh thần của người dân, ai cũng tỏ ra vô cùng phấn khởi.

Cuộc sống bình thường mới ở vùng dịch TP.HCM những ngày đầu nới lỏng giãn cách xã hội. Thực hiện: Hoà Bình

Tại các nhà thuốc, siêu thị, siêu thị mini trong toàn thành phố đã hoàn toàn không còn cảnh xếp hàng dài, mua tích trữ lương thực, thực phẩm. Nhiều siêu thị, cửa hàng mở ra các dịch vụ tặng quà “Mua 3 tặng 1”, “Mua 2 tặng 1” để hỗ trợ bà con vùng dịch, kể cả với những món thực phẩm thiết yếu.

Khối trung tâm thương mại hầu hết chưa thể hoạt động trở lại do chi phí mặt bằng, lương nhân viên, test COVID-19… quá lớn. Quán cà phê, quán bán đồ ăn chỉ được bán mang đi, nên hầu hết các dịch vụ hạng sang cũng chưa khởi động trở lại, chỉ có các quán vỉa hè với giá cả bình dân thì bắt đầu mở ra bán hàng, nhưng người dân cũng chỉ mở bán khá dè dặt, bán một số lượng nhất định, hoặc một buổi chứ không duy trì bán cả ngày. Shipper chuyển hàng nhộn nhịp nhất là tại các quán đồ ăn nhanh có thương hiệu lớn, đã đầu tư đủ chi phí hàng hoá và nhân sự để hoạt động trở lại.

Dịch vụ du lịch, khách sạn cũng vẫn còn vắng ngắt, chỉ có nhân viên khách sạn đã quay trở lại làm việc, dọn dẹp, chuẩn bị cho những ngày đón khách với quy trình đảm bảo an toàn phòng, chống dịch chặt chẽ sắp tới.

Với người dân có nguyện vọng rời TP.HCM và đã đăng ký, được tỉnh tiếp nhận, bắt đầu từ ngày hôm nay 2/10 đã có nhiều đoàn xe được các cơ quan, tổ chức, hội, đoàn phối hợp đưa người dân nhiều tỉnh, thành phố trở về.

Quan điểm của TP.HCM là phải bảo vệ cả sức khoẻ người dân và sức khoẻ nền kinh tế - Ảnh: Hoà Bình
Quan điểm của TP.HCM là phải bảo vệ cả sức khoẻ người dân và sức khoẻ nền kinh tế - Ảnh: Hoà Bình

Phục hồi nền kinh tế trước thách thức đảm bảo an toàn

Như quan điểm của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết tại cuộc họp Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM sáng nay 2/10, có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự tại điểm cầu Hà Nội; TP.HCM đã bàn kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội để phục hồi và phát triển kinh tế. “Các ngành kinh tế đều có bộ tiêu chí an toàn và từng lĩnh vực đều có chuẩn bị các phương án để thực hiện. Sắp tới, TP.HCM sẽ làm việc riêng với Hiệp hội DN TP.HCM để triển khai các nội dung này” – Ông Võ Văn Hoan nói.

Đồng thời ông Võ Văn Hoan chia sẻ, quan điểm của TP.HCM trong Chỉ thị 18 là một mặt bảo vệ sức khỏe người dân, một mặt cũng quan tâm bảo vệ “sức khỏe” của kinh tế, trong đó có “sức khỏe” của doanh nghiệp. TP.HCM xem bảo vệ sức khỏe người dân và bảo vệ “sức khỏe” doanh nghiệp, kinh tế là hai mặt trận của cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.

Như ông Võ Văn Hoan đánh giá, sức khỏe của người dân, “sức khỏe” của doanh nghiệp, “sức khỏe” của kinh tế TP.HCM đã đứng trước một tình huống rất khó khăn và thách thức. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế của TP.HCM trong 9 tháng đầu năm đều giảm rất sâu. Đặc biệt, có các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp giảm rất sâu, thậm chí du lịch trong nhiều tháng có doanh số bằng 0. Thu ngân sách TP.HCM có khả năng không hoàn thành nhiệm vụ của năm 2021.

Du lịch, khách sạn chưa hoạt động trở lại, ngoài đường chủ yếu là shipper - Ảnh: Hoà Bình
Du lịch, khách sạn chưa hoạt động trở lại, ngoài đường chủ yếu là shipper - Ảnh: Hoà Bình

Bình quân 6 tháng đầu năm, mỗi ngày TP.HCM thu 1.400 tỷ đồng. Đến tháng 7/2021 còn 700 tỷ đồng, tháng 9/2021 chỉ còn hơn 600 tỷ đồng/ngày; tức giảm hơn 50% so với mức thu bình thường. Nguyên nhân do doanh nghiệp không sản xuất, không có nguồn thu.

Thời gian qua, TP.HCM được sự hỗ trợ của Trung ương, đã triển khai có hiệu quả và tích cực trong công tác phòng chống dịch. Cho đến hiện tại, cả số ca nhiễm và số tử vong vì COVID-19 đều giảm sâu. Chiến lược tiêm vaccine vẫn được chú trọng để nâng cao biện pháp bảo vệ sức khoẻ người dân, đồng thời TP.HCM khuyến khích người dân tiếp tục hạn chế ra đường, thực hiện 5K để bảo vệ bản thân và gia đình trước những làn sóng dịch bệnh tiếp theo có thể đến.