TS Mai Xuân Thiệu: Phát triển nhân lực logistics không chỉ đào tạo kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mới đây, Bộ Nội vụ đã có quyết định cho phép thành lập Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam. Nhân dịp này, VietTimes có cuộc phỏng vấn TS.Mai Xuân Thiệu –Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội.
TS Mai Xuân Thiệu tại một hội thảo do Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức
TS Mai Xuân Thiệu tại một hội thảo do Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức

PV: Chúng ta đang có Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, vậy vì sao lại cần phải có Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, thưa ông?

TS Mai Xuân Thiệu: Chính bản thân tôi năm 1994, với tư cách là Tổng Giám đốc Liên doanh Vận tải biển Bông sen (Lotus) đã tham gia thành lập Hiệp hội Giao nhận và Kho vận Việt Nam (VIFFAS). Đến năm 2013, VIFFAS được Bộ Nội vụ cho phép đổi tên thành Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt nam (VLA)

Trong sản xuất kinh doanh, logistics là nghệ thuật và khoa học của quản lý và điều chỉnh luồng di chuyển của hàng hóa, năng lượng, thông tin và những nguồn lực khác như sản phẩm, dịch vụ và con người, từ nguồn lực của sản xuất cho đến thị trường. (Theo Wikipedia)

VLA là tổ chức có nhiệm vụ chủ yếu là liên kết hợp tác các doanh nghiệp dịch vụ logistics, giao nhận kho vận để thực hiện chức năng kinh doanh dịch vụ logistics đạt hiệu quả cao, còn Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt nam (VALOMA) là tổ chức liên kết hợp tác các trường đại học, cao đẳng cùng các viện, cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp logistics, các công ty vận tải, hãng tàu, cảng biển, cảng hàng không, kể cả các chủ hàng… và cá nhân có kinh nghiệp trong lĩnh vực logistics để thực hiện chức năng phát triển nhân lực cho ngành Logistics Việt nam. Phát triển nhân lực logistics có nội hàm không chỉ bao gồm đào tạo kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp về logistics mà còn hướng tới thay đổi hành vi nghề nghiệp của người lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, từ đó góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dịch vụ Logistics, các doanh nghiệp vận tải, hảng tầu,cảng biển, cảng hàng không… và nền kinh tế.

Phát triển nhân lực logistics là vấn đề cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Logistics Việt nam hiện nay. Như vậy, phạm vi chức năng nhiệm vụ hoạt động của hai Hiệp hội này tuy khác, nhưng cùng một mục đích nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp logistics và phát triển ngành Logistics Việt Nam vững mạnh, ngang tầm quốc tế.

PV: Sau khi chính thức ra đời VALOMA sẽ thực hiện những nhiệm vụ gì để thúc đẩy phát triển ngành Logistics Việt Nam?

TS Mai Xuân Thiệu: Logistics đang trở thành một ngành kinh tế phát triển mạnh mẽ, gắn chặt quá trình đổi mới, mở cửa, lưu thông hàng hóa trong nước và hội nhập quốc tế. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, hiệu quả, năng lực hoạt động Logistics của các nước ASEAN, thì Việt Nam đứng thứ 3 chỉ sau Singapore và Thái Lan.

Logistics ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao, trung bình 14 - 16%/năm, đóng góp 2 - 4% GDP. Chi phí cho hoạt động logistics hiện nay vẫn còn cao, tương đương 15-19% GDP, điều đó cho thấy nâng cao năng lực logistics và cắt giảm chi phí logistics là các yếu tố sống còn để cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và từng doanh nghiệp.

Nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững logistiscs ở Việt nam nhưng lại thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nhân lực logistics Việt Nam. Tại quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 ban hành kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2025 và quyết định 2021/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 Thủ tướng Chính phủ đã dành 1 mục riêng về đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực logistics với 5 nhiệm vụ cụ thể:

- Đẩy mạnh đào tạo logistics ở cấp đại học.

- Đẩy mạnh đào tạo nghề logistics.

- Nâng cao chất lượng và số lượng giảng viên về logistics.

- Đào tạo cơ bản về logistics cho cán bộ quản lý doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước.

- Kết nối các tổ chức đào tạo, doanh nghiệp logistics Việt nam với các tổ chức đào tạo nước ngoài.

Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam có nhiệm vụ tham gia thực hiện quyết định của Chính phủ, nhằm phát triển nhân lực logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics và phát triển ngành logistics đạt được những mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra.

PV: Cuối cùng, xin ông cho biết về vai trò công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động logistics.

TS Mai Xuân Thiệu: Vai trò CNTT trong logistics đã có nhiều bài báo cũng như công trình nghiên cứu đề cập tới.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 hay còn gọi là cuộc cách mạng kỹ thuật số với sự áp dụng phổ biến máy tính kỹ thuật số, điện thoại di động và Internet đã làm thay đổi các kỹ thuật, làm tăng năng xuất, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

VNPT ký kết cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho một doanh nghiệp logistics. Ảnh: báo Công Thương

VNPT ký kết cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho một doanh nghiệp logistics. Ảnh: báo Công Thương

Đồng thời cuộc cách mạng 3.0 – kỷ nguyên của CNTT đã thúc đẩy cuộc cách mạng container hóa trong ngành vận tải vào những năm 60 của thế kỷ 20. Vận tải container cùng với CNTT đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn, trực tiếp làm thay đổi sâu sắc quá trình vận tải hàng hóa và logistics đã ra đời trên cơ sở đó. đã trở thành ngành kinh tế đặc biệt quan trọng.

Ngày nay, nhất là trong thời đại 4.0 logistics đã trở ngành kinh tế đặc biệt quan trọng góp phần phát triển kinh tế và thương mại nói chung và ngành thương mại điện tử nói riêng trở thành một ngành kinh doanh hiệu quả to lớn.

PV: Xin cám ơn ông!