Nhạc sĩ Hồng Đăng đã hoà vào muôn con sóng, vỗ mãi đến những chân trời gọi nắng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hồng Đăng vẫn hiện diện trong tâm trí của bạn bè. Mỗi khi hoa sữa ngào ngạt khắp phố, điệp khúc ve râm ran giữa mùa hè và mỗi khi tình ca của biển vang lên, thì Hồng Đăng vẫn như đang đồng hành với chúng ta.
Bà Lê Anh Thúy - vợ cố nhạc sĩ Hồng Đăng và nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại buổi ra mắt cuốn "Chân trời gọi nắng"
Bà Lê Anh Thúy - vợ cố nhạc sĩ Hồng Đăng và nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại buổi ra mắt cuốn "Chân trời gọi nắng"

Tròn một năm ngày người nhạc sĩ tài hoa ra đi, chiều qua, 21/3, dưới những tán cây hoa sữa xanh ngát trên phố Nguyễn Du vàng nắng thủy tinh, những người yêu quý ông, những người yêu các bản tình ca đằm thắm của ông, đã cùng hội ngộ, để nhắc nhớ về ông với muôn ký ức đẹp đẽ, ngọt ngào.

Căn phòng rộng đầy kín những gương mặt thân thiết của nhạc sĩ Hồng Đăng, đã cùng lắng nghe những ca khúc còn mãi với thời gian của ông và xúc động chào đón "Chân trời gọi nắng" ăm ắp những kỷ niệm về ông - “đứa con tinh thần” do chính người vợ yêu dấu của ông - bà Lê Anh Thúy - trực tiếp tuyển chọn.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - dường như thay nói thay tâm trạng bao người dự buổi lễ: “Chính con phố này, Hồng Đăng đã đi dạo, đã viết ra ca khúc "Hoa sữa". Ngày hôm nay chúng ta ngồi đây, nơi dường như có hoa sữa đầu tiên của Hà Nội, nơi chỉ nghe thôi trong đầu chúng ta đều vang lên tiếng nhạc của ông, hơi thở, bước chân của ông cùng hòa vào những giá trị mà chúng ta đã, đang và sẽ hưởng thụ".

Bà Lê Anh Thúy - vợ cố nhạc sĩ Hồng Đăng - xúc động nhắc về những ký ức của nhạc sĩ

Bà Lê Anh Thúy - vợ cố nhạc sĩ Hồng Đăng - xúc động nhắc về những ký ức của nhạc sĩ

Chứng kiến tình cảm của gia đình, bạn bè, và những người yêu âm nhạc dành cho nhạc sĩ Hồng Đăng, bà Lê Anh Thúy xúc động: Hôm nay là ngày giỗ đầu của nhạc sĩ Hồng Đăng, tôi rất xúc động chứng kiến mọi người có mặt đông đủ. Tôi cứ nghĩ ngày giỗ của ông sẽ làm thế nào? Một nghệ sĩ bỗng dưng biến mất, không còn tồn tại trên cõi đời thì rất đáng tiếc. Khi tôi tìm thấy những di cảo, những ký ức của ông - chính tôi cũng không hiểu ông đã đau đớn, khó khăn như thế nào để làm nghề và làm nghề một cách chân chính. Vì thế, tôi muốn làm một cuốn sách để mọi người thấy rằng, ông ấy đã sống như thế, đã làm được những điều như thế và con người ông ấy là như thế. Cuốn sách dành cho bạn đọc để mọi người hiểu ông ấy hơn.

Bà Lê Anh Thúy ký tặng sách cho người hâm mộ nhạc sĩ Hồng Đăng

Bà Lê Anh Thúy ký tặng sách cho người hâm mộ nhạc sĩ Hồng Đăng

“Tuy nhiên, công việc này quá sức với tôi, một mình tôi không thể làm được, giữa một đống di cảo ngổn ngang như vậy. Và cũng rất nhiều thứ mà có lẽ bản thân ông đã quên đi trong cuộc đời. Nhưng với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, tôi đã làm được. Việc hoàn thành và giới thiệu cuốn sách là khoảnh khắc vô cùng xúc động trong cuộc đời tôi và gia đình.”

“Ông ấy làm nghề rất nghiêm túc. Những nội dung trong "Chân trời gọi nắng" chỉ là một phần trong quãng đời làm nghề của ông” - bà Lê Anh Thúy nghẹn ngào.

Nhắc về nhạc sĩ Hồng Đăng, ký ức của họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - đầy ắp những kỷ niệm ân tình: “Nhạc sĩ Hồng Đăng là người ấm áp, nhân hậu. Mỗi lần đến sân 51 Trần Hưng Đạo (trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam), nhìn thấy ông là tôi thấy sự bình an, hoan hỷ. Nhạc sĩ Hồng Đăng là người nặng lòng, bao dung với đồng nghiệp mà không phải ai cũng làm được”.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Thay lời bao người yêu quý âm nhạc Hồng Đăng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - bày tỏ: Đã một năm nhạc sĩ Hồng Đăng đi xa, nhưng lời ca tiếng nhạc ở những bài hát quen thuộc của ông, vẫn mãi ngân nga trên các phương tiện thông tin và trong lòng người hâm mộ. Nhạc sĩ Hồng Đăng đã hoà vào muôn con sóng của biển xanh, của biển đời, tiếp tục vỗ mãi đến những chân trời gọi nắng. Những đóng góp cho nền âm nhạc của nhạc sĩ Hồng Đăng là điều không còn phải bàn cãi và được ghi nhận bằng những sản phẩm để lại.

“Không mạnh mẽ, hùng hồn, nhạc Hồng Đăng man mác, lắng đọng. Nhạc sĩ Hồng Đăng như lênh đênh trong cuộc đời mình, trong âm nhạc của mình. Mùi hương hoa sữa, con sóng biển khơi, tiếng ve ngày hè… đã cho ông ký âm những suy tư và cảm xúc của một con người, của một nhạc sĩ" - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ.

Nhạc sĩ Doãn Nho khẳng định: Nhạc sĩ Hồng Đăng vẫn còn sống mãi cùng thời gian với khối lượng tác phẩm đồ sộ

Nhạc sĩ Doãn Nho khẳng định: Nhạc sĩ Hồng Đăng vẫn còn sống mãi cùng thời gian với khối lượng tác phẩm đồ sộ

Một trong những tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Doãn Nho, cũng khẳng định: Nhạc sĩ Hồng Đăng vẫn còn sống mãi với thời gian khi sở hữu gia tài sáng tác đồ sộ hơn 600 tác phẩm, sáng tác nhạc cho gần 70 bộ phim và ông được liệt kê vào hàng nhạc sĩ quý hiếm của chúng ta.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ

Chủ tịch Hội đồng Lý luận văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ

Chủ tịch Hội đồng Lý luận văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ bày tỏ: Năng khiếu âm nhạc, văn hóa và xem tử vi của nhạc sĩ Hồng Đăng có lẽ được thừa hưởng từ ông nội và từ người bác ruột - nhà cách mạng Phan Đăng Lưu.

Ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống văn hóa cách mạng tại vùng quê Yên Thành của xứ Nghệ, không chỉ thấm nhuần tư tưởng, truyền thống của gia đình, nhạc sĩ Hồng Đăng là người rất nặng lòng với quê hương. Dù ít về quê nhưng tình cảm quê hương vẫn ăm ắp trong sáng tác của ông.

Cuốn sách “Chân trời gọi nắng” do NXB Hội Nhà văn ấn hành, được chia làm 3 phần: Phần 1 mang tựa đề “Hồng Đăng sống và viết”, là những trang viết của chính nhạc sĩ; phần 2 “Câu chuyện tử vi” do bà Lê Anh Thúy ghi lại; phần 3 “Hồng Đăng trong lòng người” gồm những bài viết do bạn bè, đồng nghiệp, báo chí viết về ông.

Tại buổi gặp gỡ ấn tượng này, nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - tâm sự: "Hôm nay là một ngày đặc biệt, trên chính con đường Nguyễn Du huyền thoại gắn liền với hoa sữa cũng như nhạc sĩ Hồng Đăng. Tôi đã đọc, nghe và đã thuộc những ca từ của nhạc sĩ Hồng Đăng, ông là một nhà thơ trong âm nhạc. Mọi thứ đều đồng điệu với dòng chảy cuộc sống. Âm nhạc, giai điệu và ca từ của Hồng Đăng đã trú ngụ, thuyết phục những người yêu nghệ thuật.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Hồng Đăng không chỉ viết cho thời đại của mình mà viết cho nhiều thời đại.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Hồng Đăng không chỉ viết cho thời đại của mình mà viết cho nhiều thời đại.

“Hồng Đăng là nhạc sĩ nổi tiếng như nhiều nhạc sĩ khác. Nhưng họ chỉ nổi tiếng trong thời đại đó, còn những ca khúc của Hồng Đăng, giai điệu của Hồng Đăng, ca từ của Hồng Đăng, cảm xúc của Hồng Đăng chảy bên dưới ca từ ấy đã đi qua các thời đại.”

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định giá trị trường tồn của âm nhạc Hồng Đăng: 50 năm trước chúng ta hát "Hoa sữa" và chúng ta run rẩy, 50 năm sau chúng ta hát "Hoa sữa" và chúng ta vẫn run rẩy. Bởi vậy, Hồng Đăng không chỉ viết cho thời đại của mình mà viết cho nhiều thời đại. Tôi thấy phúc khi được hưởng thụ ca khúc ấy, được mở rộng tâm hồn mình, hạnh phúc được bay lên trong tinh thần những ca khúc của Hồng Đăng.

Các ca sĩ Thùy Dung, Thanh Tâm từng thành công với nhiều ca khúc của nhạc sĩ Hồng Đăng

Các ca sĩ Thùy Dung, Thanh Tâm từng thành công với nhiều ca khúc của nhạc sĩ Hồng Đăng

Cũng trong buổi hội ngộ rất đặc biệt ngay trên con phố vốn nồng nàn mùi hoa sữa để tưởng nhớ Hồng Đăng, các ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ lại được vang lên: "Biển hát chiều nay" với giọng hát của ca sĩ Đào Tố Loan và “Hoa sữa” với giọng hát ấm áp của ca sĩ Thanh Tâm…

Ca sĩ Thanh Tâm với bài "Hoa sữa" của Hồng Đăng

Ca sĩ Thanh Tâm với bài "Hoa sữa" của Hồng Đăng

Tình cảm của gia đình, bạn bè và người hâm mộ dành cho người nhạc sĩ tài hoa đọng lại thật lắng sâu, thật xúc động trong buổi chiều kỷ niệm một năm ngày Hồng Đăng ra đi.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhắc lại những kỷ niệm về cố nhạc sĩ Hồng Đăng

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhắc lại những kỷ niệm về cố nhạc sĩ Hồng Đăng

Xin được kết thúc bài viết bằng lời tâm tình của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Hồng Đăng vẫn hiện diện trong tâm trí của bạn bè. Mỗi khi hoa sữa ngào ngạt khắp phố, điệp khúc ve râm ran giữa mùa hè và mỗi khi tình ca của biển vang lên thì Hồng Đăng vẫn như đang hiện diện, đồng hành với chúng ta…”

Cuốn sách “Chân trời gọi nắng” do NXB Hội Nhà văn ấn hành
Cuốn sách “Chân trời gọi nắng” do NXB Hội Nhà văn ấn hành

Nhạc sĩ Hồng Đăng tên thật là Phan Đăng Hồng, sinh năm 1936 tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông qua đời ngày 21/3/2022.

Nhạc sĩ Hồng Đăng từng nhiều năm làm Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Năm 2001, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cho các tác phẩm “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Quà tháng năm”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” và hợp xướng “Lửa rực cháy”.

Nhạc sĩ Hồng Đăng

Nhạc sĩ Hồng Đăng

Năm 2022, nhạc sĩ Hồng Đăng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, cho các tác phẩm “Lênh đênh”, “Đêm hành hương về huyền thoại”, “Buổi tối, chuyện một căn nhà nhỏ”, “Khao khát”, “Gửi một câu hát cho Tokyo”.

Trong số hơn 600 ca khúc của ông, có nhiều bài được sáng tác cho các bộ phim, nhưng lại có đời sống độc lập lâu bền, thậm chí còn nổi tiếng hơn cả chính bộ phim.