Tham vọng logistics nghìn tỉ của ông Kỳ “Hateco”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau 2 bến container số 5, số 6 tại Khu bến cảng Lạch Huyện, dự án tiếp theo mà Tập đoàn Hateco của “đại gia” Trần Văn Kỳ nhắm tới là Trung tâm logistics Cái Mép Hạ tại Bà Rịa Vũng Tàu.
Dự án tiếp theo trong lĩnh vực đầu tư phát triển cảng biển mà Hateco đang nhắm tới là Trung tâm logistics Cái Mép Hạ tại Bà Rịa Vũng Tàu (Nguồn: Internet)
Dự án tiếp theo trong lĩnh vực đầu tư phát triển cảng biển mà Hateco đang nhắm tới là Trung tâm logistics Cái Mép Hạ tại Bà Rịa Vũng Tàu (Nguồn: Internet)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng.

Theo đó, mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng 2 bến container số 5, số 6 tại Khu bến cảng Lạch Huyện, TP Hải Phòng nhằm từng bước xây dựng khu bến cảng container hiện đại theo quy hoạch được phê duyệt; đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của khu vực miền Bắc trực tiếp đến thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Dự án có quy mô khoảng 47 ha, đầu tư xây dựng 2 bến với chiều dài 750 m (mỗi bến dài 375 m) tiếp nhận cỡ tàu container đến 100.000 DWT (tương đương sức chở 8.000 Teus); 1 bến sà lan tiếp nhận tàu, sà lan sức chở 48 Teus; công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 6.425,2 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (từ năm 2020 - 2025) là 6.072,976 tỉ đồng; giai đoạn 2 (từ năm 2030 và sau 2030) là 352,236 tỉ đồng. Chủ đầu tư là CTCP Tập đoàn Hateco (Hateco Group).

Tiềm lực tài chính của Hateco Group

Như VietTimes từng đề cập, Hateco Group là pháp nhân lõi trong hệ sinh thái Tập đoàn Hateco của “đại gia” Trần Văn Kỳ (SN 1964). Công ty này tiền thân là CTCP Đầu tư Hạ tầng và Công trình Kiến trúc Hà Nội, được thành lập vào tháng 11/2004, trụ sở chính hiện đặt tại số nhà 27, đường 9, tổ 23, phường Trần Lãm, TP. Thái Bình.

Tính đến cuối năm 2016, Hateco Group có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, trong đó ông Trần Văn Kỳ nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu lên tới 97,76% vốn điều lệ. Cổ đông cá nhân còn lại là bà Hoàng Thị Xuân, nắm giữ 1,518% vốn điều lệ.

Cập nhật đến cuối tháng 10/2020, quy mô vốn điều lệ của Hateco Group đạt 6.900 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu lúc này không được công bố.

Về kết quả kinh doanh, năm 2019, Hateco Group ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.927 tỉ đồng, báo lãi thuần ở mức 391 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 20%.

Trước đó, năm 2017 và 2018, Hateco Group phát sinh doanh thu không đáng kể, báo lỗ thuần lần lượt ở mức 17,4 tỉ đồng và 276,5 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Hateco Group đạt 2.981 tỉ đồng, giảm 9% so với cuối năm 2018; vốn chủ sở hữu tăng gấp hơn 2 lần, lên mức 1.660 tỉ đồng.

Tham vọng mới của ông Kỳ “Hateco”

Theo giới thiệu trên trang chủ, hệ sinh thái Hateco của “đại gia” Trần Văn Kỳ đang sở hữu 8 thành viên gồm: Hateco Hà Nội, Hateco Thăng Long, Hateco Long Biên, Hateco Kinh Bắc, Hateco ICIC, Hateco Logistics, Hateco Đông Anh và Hafintech, với hoạt động chính trong các lĩnh vực như bất động sản, logistics, tài chính công nghệ và mới nhất là đầu tư phát triển cảng biển.

Trong đó, bất động sản là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Hateco với hàng loạt dự án lớn có thể kể đến như: Khu đô thị Trần Lãm tại TP. Thái Bình (quy mô 12 ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng); Hateco La Roma tại lô số 4A phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội (quy mô 3,500 m2, tổng mức đầu tư 2.000 tỉ đồng); Hateco Apollo nằm ngay trên trục đường 70, TP. Hà Nội (quy mô 4,5 ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng); Hateco Green Park, Hateco Green City.

Bên cạnh dự án đầu tư xây dựng cảng bến số 5, số 6 tại Khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) đã được phê duyệt, dự án tiếp theo trong lĩnh vực đầu tư phát triển cảng biển mà Hateco đang nhắm tới là Trung tâm logistics Cái Mép Hạ tại Bà Rịa Vũng Tàu.

Về “đại gia” Trần Văn Kỳ, trước khi thành lập Hateco Group, ông từng công tác tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (1985 – 1990), rồi Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (1990 – 2009).

Trong giai đoạn 2008 – 2013, ông Trần Văn Kỳ còn là Ủy viên HĐQT CTCP Chứng khoán Hòa Bình (HBS)./.