Mùa hè năm 1996, khi đó tôi đang là giảng viên môn chính trị của Nhạc viện Hà Nội, được phân công làm công tác tuyển sinh.
Ngồi ở bàn tiếp nhận sinh viên mới, tôi nhìn thấy có hai mẹ con “tay xách nách mang” đang đi lại phía hành lang tòa nhà 4 tầng của Nhạc viện Hà Nội với dáng vẻ sốt ruột, chờ đợi.
Người mẹ tầm tuổi trên dưới năm mươi có dáng người dong dỏng, dáng đi nhẹ nhàng, cùng cô con gái nhỏ nhắn chỉ khoảng mười bẩy, mười tám, có khuôn mặt ưa nhìn và làn da trắng, mặc chiếc áo phông trắng có in dòng chữ “ Sầm Sơn hè 1996”.
Ngay phút ban đầu, không hiểu sao hình ảnh của hai mẹ con cô gái đã để lại ấn tượng trong tôi. Một lúc sau, khi họ vào làm thủ tục tiếp nhận, lại đúng bàn của tôi. Mẹ cô gái mỉm cười chào chúng tôi và nói: “ Em gửi cháu cho các thầy, mong các thầy giúp đỡ cháu. Cháu nó có lớn nhưng chưa có khôn".
Nghe mẹ nói, cô con gái bẽn lẽn, đỏ bừng mặt, xấu hổ…
Thấy vậy, tôi đỡ lời: “Chị và cháu cứ yên tâm, vào ký túc xá của Nhạc viện có Ban quản lý ký túc chăm lo, nhiều cháu chỉ bảy, tám tuổi đã xa bố mẹ để vào đây học sau rồi cũng quen dần mà”.
Người mẹ đáp: “Vâng nghe thầy nói vậy, tôi cũng đỡ lo. Trước đây cháu học trung cấp nghệ thuật ở Thanh, tôi còn chạy đi chạy lại thăm cháu được, giờ lên Hà Nội, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn”.
Làm thủ tục nhập học xong, hai mẹ con cháu Lê Anh Thơ chào chúng tôi và đi về ký túc xá. Vì cháu học lớp Trung cấp nghệ thuật ở Thanh Hóa hệ 3 năm, nên khi lên Nhạc viện Hà Nội, cháu phải học thêm một năm hệ cao đẳng trước khi thi vào đại học. Do cháu chưa học môn tôi dạy nên cũng ít gặp, nhưng hình ảnh của Lê Anh Thơ trong buổi nhập học ấy vẫn làm tôi nhớ mãi, bởi có cái gì đó đặc biệt mà tôi linh cảm sau này cháu sẽ thành tài.
Quả đúng như vậy, chỉ sau khi học chưa hết chương trình cao đẳng, nhờ sự chăm chỉ học tập, Lê Anh Thơ đã được các thầy giáo chuyên môn chú ý và khen ngợi có giọng hát thính phòng rất triển vọng. Tuy vậy, quá trình tu luyện thành tài của em tại trường nhạc cũng khá gian nan.
Anh Thơ kể: “Lúc mới nhập học, em là cô gái nhỏ bé nhà quê ra Nhạc viện học âm nhạc của giới quý tộc châu Âu, nên em quá sợ và thiếu tự tin. Nhưng rất may, em là người cực kì chăm chỉ, chịu khó, đã học ngày đêm để gạt bỏ những mặc cảm và dần cảm nhận được vẻ đẹp của âm nhạc phương tây.
"Đặc biệt em hết sức may mắn khi được cô giáo Diệu Thuý và cô giáo Hồ Mộ La tận tình chỉ bảo. Có tuần, cô Mộ La kèm dạy cho em cả 4 buổi. Phương tiện đi lại ngày đó của em chỉ là chiếc xe đạp Mini Trung Quốc cũ, cà tàng, thế mà mỗi lần đi học em phải đạp xe gần 20 cây số cả đi lẫn về. Ở trường những lúc rỗi là em lại tranh thủ lên phòng tập đàn, chờ lúc các bạn nghỉ ăn cơm trưa để mượn phòng tập.
"Học tập vất vả là vậy, nhưng bù lại cuộc sống ở ký túc xá thật là vui, vì đa số các bạn đều ở tỉnh xa về học, nên coi nhau như anh em một nhà, sẵn sàng chia sẻ mọi chuyện, nhất là những khi đói ăn và thiếu thốn. Đôi lúc bạn bè còn rủ nhau xào ốc bán để có tiền ăn khi bố mẹ chưa gửi ra kịp.
Ca sĩ Anh Thơ (ảnh: Internet) |
"Đến bây giờ đã gần 30 năm trôi qua, nhưng em vẫn nhớ như in buổi đầu tiên được mời đi diễn ở Hà Nội với cát-xê 70 ngàn đồng, nhưng do vô ý khi đi xe đạp bị rách bộ áo dài trị giá 120 ngàn đồng. Tiếc của em ngồi khóc suốt cả tuần”.
Tôi không trực tiếp dạy lớp của Anh Thơ nhưng thỉnh thoảng tôi cũng gặp em, động viên, khích lệ và hỏi han. Biết tôi quan tâm đến Anh Thơ, cô Diệu Thúy chủ nhiệm khoa Thanh nhạc có lần nói với tôi cháu có giọng Opera tuyệt vời, rất có triển vọng.
Sau đó, Anh Thơ bắt đầu tham gia các cuộc thi và đoạt giải, công chúng biết đến một cô ca sĩ quê Thanh Hóa với dòng nhạc cách mạng có giọng hát rất đẹp và truyền cảm. Anh Thơ đã cùng với Trọng Tấn - người bạn cùng quê, làm nên một hiện tượng về thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội trong những thập niên chín mươi.
Khi Anh Thơ đã trở lên nổi tiếng, tôi tưởng Anh Thơ đã quên tôi. Nhưng không, mỗi lần gặp, em lại chào thầy rất lễ phép và thân thiện.
Bẵng đi một thời gian không gặp Anh Thơ, vì tôi chuyển về công tác ở Bộ Văn hóa-Thông tin. Bỗng một hôm, em lên Bộ làm thủ tục đi biểu diễn nước ngoài, thì gặp tôi, em mừng lắm: “ Em chào thầy, lâu lắm không gặp thầy, em cứ tưởng không bao giờ được gặp thầy nữa, hóa ra thầy về Bộ à, em chúc mừng thầy nhé”.
Cô bé bẽn lẽn năm xưa giờ đây đã khác hẳn. Em lớn phổng phao và tự tin, chững chạc hơn nhiều. Tôi cũng vui mừng khi thấy em ngày càng trưởng thành về mọi mặt: “Cảm ơn em, thầy vẫn luôn dõi theo bước đi của em đấy. Thầy chúc mừng em tiến bộ rất nhanh, thành người nổi tiếng đừng quên thầy nhé”. Anh Thơ lại đỏ mặt thẹn thùng như ngày nào: “ Em đâu dám ạ!".
Sau lần đấy, mỗi khi cơ quan Bộ có các buổi biểu diễn văn nghệ, tôi lại gọi điện mời em lên giúp. Mặc dù đã rất nổi tiếng, nhưng Anh Thơ không bao giờ đòi hỏi thù lao. Có hôm diễn xong, Công đoàn Văn phòng Bộ mời ở lại ăn cơm nhà bếp, hay có khi thù lao chỉ vài trăm ngàn, em cũng vui. Anh Thơ làm tôi hết sức nể trọng.
Mỗi lần lên Bộ biểu diễn, Anh Thơ thường hỏi tôi "thầy hỏi xem mọi người muốn nghe em hát bài gì ạ"? Tôi nói mọi người thích em hát bài Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và bài Người con gái sông La của nhạc sĩ Doãn Nho. Anh Thơ liền mở quyển sổ nhỏ chép tay, màu giấy đã úa vàng, trong đó ghi lời của rất nhiều bài hát, cô lẩm nhẩm một lúc rồi lên biểu diễn. Ấy vậy mà các cô, các bác ngồi nghe cứ mê tít bởi giọng hát trong trẻo, truyền cảm của cô.
Lại nói về chuyện cát xê, Anh Thơ là người rất thoải mái, hầu như không bao giờ đòi hỏi, kể cả sau này cơ chế thị trường âm nhạc đầy nhốn nháo. Trong những năm cuối của thập niên 90, phong trào biểu diễn văn nghệ ở các trường đại học nổi lên rầm rộ. Một số bạn của tôi làm công tác chính trị nhờ tôi mời giúp mấy em ở Nhạc viện như Anh Thơ, Trọng Tấn, Khánh Linh, Đăng Dương đến biểu diễn. Anh Thơ là người rất nhiệt tình, các bạn tôi ai cũng khen học sinh Nhạc viện rất lễ phép và hát hay, chuyện cát xê cũng rất dễ chịu.
Sau vài năm do bận việc, tôi không giúp các bạn tôi mời các sinh viên Nhạc viện đến biểu diễn được. Một lần, có anh bạn ở Trường sư phạm cố nài tôi giúp. Tôi bấm máy gọi Anh Thơ, em cứ ấp a ấp úng. Một lát sau em mới nói: “Có chuyện này rất tế nhị, em cần nói với thầy nhé. Bây giờ cát xê các bạn được trả đến gần chục triệu một suất diễn thầy ạ. Em thì không sao, em sẵn sàng giúp bạn thầy thôi, còn các bạn khác, em sợ trả như trước đây họ không đi đâu."
Nghe Anh Thơ nói vậy, tôi thông báo ngay cho bạn. Ông bạn cười khà nói: “Đúng rồi ông à, thời buổi kinh tế thị trường, một số ca sĩ phía Nam họ còn đòi cả trăm triệu đồng ý chứ. Ông cứ mời giúp tôi”. Sau hôm đó bạn tôi nói với tôi: "Anh Thơ vẫn chỉ nhận có năm trăm ngàn và nói giúp các thầy là chính”…
Tôi thầm nghĩ một ca sĩ thành danh như Anh Thơ mà không coi việc kiếm tiền là hàng đầu kể cũng hơi hiếm. Có lẽ cũng xuất phát từ đó mà sau khi tốt nghiệp đại học thanh nhạc xong, khi được giữ lại trường làm giáo viên, Anh Thơ đã đồng ý. Vừa dạy, vừa biểu diễn, giờ đây Anh Thơ còn bảo vệ xong luận án tiến sĩ. Điều đặc biệt khiến tôi luôn trân trọng ca sĩ Anh Thơ bởi cô hội tụ đầy đủ phẩm chất đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam: Khiêm tốn, hiền lành, giản dị, là người vừa có tâm lại có tầm.
Nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, tôi kể lại vài mẩu chuyện nhỏ về nữ ca sĩ nổi tiếng được khán giả rất hâm mộ, trong đó có tôi.