Tôi còn nhớ, năm 1997, gặp Tố Nga cùng đám bạn “chíp hôi” đi lang thang trong sân trường Nhạc viện Hà Nội. Từ xa tôi đã nghe giọng nói oang oang đặc tiếng Nghệ của Tố Nga: “Tối ni mi (mày) không đi với tau (tao) sang nhà thầy Lê Phổ (giáo viên dạy sáo trúc, khoa Âm nhạc truyền thống) đồng hương chơi là tau hít le mi luôn”.
Tôi như “bắt được sóng” của mấy cô đồng hương nên tiến lại gần và hỏi: “Các em ở khoa nào đấy, mới nhập học à?”
Nghe giọng Nghệ của tôi, Tố Nga ngước mắt thẹn thùng, khác hẳn với lúc ban đầu: “Dạ, thưa thầy, bọn em mới từ Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh ra Nhạc viện để học luyện thanh ạ”.
Tố Nga nhìn tôi nói tiếp: “Mà thầy cũng quê Hà Tĩnh à?"
Tôi mỉm cười: “Cũng rứa đấy em! Thầy dạy môn chính trị ở trường”.
Sau buổi gặp tình cờ ấy, thỉnh thoảng nhóm các em luyện thanh nhạc người Hà Tĩnh thường vào phòng tôi chơi với tình cảm thầy trò đồng hương.
Dịp Nô-en năm 1997, tôi có anh bạn làm bí thư đoàn trường của Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy nhờ mời một vài em sinh viên Nhạc viện Hà Nội vào hát tặng trường nhân dịp biểu diễn văn nghệ. Tôi nghĩ ngay đến Tố Nga nên gọi cô lên phòng làm việc và nói: “Tối nay em có bận gì không? Nếu rỗi đi với thầy vào Trường Phòng cháy Chữa cháy chơi và hát tặng họ mấy bài…
Tố Nga vui vẻ nhận lời. Cơm tối xong tôi đến trường đón Tố Nga đi. Mấy cậu học viên của trường Phòng cháy Chữa cháy thấy tôi và Tố Nga đi vào cứ dấm dúi nhìn… Nhưng sau khi nghe Tố Nga biểu diễn xong ca khúc “Mùa hoa cải” của nhạc sĩ Lê Vinh, lời thơ của Nghiêm Thị Hằng, họ hết sức thán phục tài năng của một cô bé có dáng người mảnh khảnh, cặp mắt to và sáng. Họ ùa lên tặng hoa chúc mừng.
Đêm đó anh bạn tôi cảm ơn Tố Nga một phong bì 20 ngàn đồng. Sau đêm diễn, hai thầy trò lại lóc cóc đạp xe đạp về trường trong cái rét như cắt da, cắt thịt…
Đến Ô Chợ Dừa, Tố Nga mời tôi vào quán phở bò để “hậu tạ”. Tố Nga nói một bát phở 5 ngàn, hai thầy trò mình chỉ ăn hết mười ngàn, còn mười ngàn nữa xin phép thầy em mang về mua ô mai khao các bạn sau buổi biểu diễn đầu tiên ở Hà Nội được trả cat sê”.
Tôi không chịu và nói: “Em cất đi mai mua quà đãi các bạn, để thầy trả cho vì thầy có lương”. Tôi nói mãi Tố Nga mới chịu cất chiếc phong bì 20 ngàn đồng vào túi…
NSƯT Tố Nga |
Đầu năm 1998, sau khi học xong khóa luyện thanh ở Nhạc viện Hà Nội, Tố Nga lại trở về Hà Tĩnh. Trước khi về, em đến chào tôi và nói: “Khi nào thầy về Hà Tĩnh, mời thầy đến nhà em chơi ạ!" Và cô cho tôi địa chỉ…
Tôi nhận lời và mùa nghỉ hè năm ấy, trong dịp về Hà Tĩnh nghỉ phép, tôi tìm đến nhà em chơi. Sau một hồi hỏi thăm, tôi đã tìm được đến nhà em. Thấy một bác trai trạc tuổi 50 đang cặm cụi sửa chiếc xe đạp, tôi cất tiếng hỏi: “Thưa bác đây có phải là nhà của em Tố Nga không ạ?”.
Lau những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên trán, bác nói: “Tôi là bố của Tố Nga đây. Nhưng hôm nay cháu cùng đám bạn rủ nhau đi bãi biển Thiên Cầm rồi anh ạ!" Theo lời mời cùa bác, tôi vào nhà. Căn nhà tuy nhỏ nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Sau một lúc chuyện trò với bác, tôi xin phép ra về…
Mùa hè năm đó, Tố Nga được tuyển thẳng vào Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Khi biết Tố Nga mới nhập trường tôi đến chúc mừng em. Mãi 3 năm sau, lúc này tôi đã chuyển về làm việc ở Văn phòng Bộ Văn hóa –Thông tin, trong một lần xuống làm việc với Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, lúc đấy NGƯT Tiến Định đang làm giám đốc, tôi mới gặp lại Tố Nga.
Cô vừa mới được tuyển về làm diễn viên nhà hát và sự nghiệp cũng bắt đầu nổi. Tố Nga đã trở thành ca sĩ nổi tiếng với hàng loạt giải thưởng: Huy chương vàng Hội diễn học sinh, sinh viên toàn quốc, Huy chương vàng Liên hoan hoan Tiếng hát miền Trung tại Nha Trang, giải ba cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 1999.
Phải thừa nhận Tố Nga có một giọng hát mang âm hưởng dòng nhạc dân gian tuyệt vời, nhất là những làn điệu của dân ca xứ Nghệ, hoặc ca trù…
Mặc dù tính cách của Tố Nga rất mạnh mẽ, nhưng khi hát, cô lại luôn hóa thân vào bài hát thật dịu dàng, ấm áp. Có lẽ vì vậy, có khán giả đã viết tặng Tố Nga hai câu thơ: “Khi em hát, em không là em nữa/ Em hóa thân trong điệu ví quê nhà”.
Nhiều người nói ca sĩ Tố Nga rất đa tình, tôi cũng đồng tình với ý kiến đó, song “tình” ở đây không phải chỉ là tình yêu lứa đôi mà là tình yêu quê hương, đất nước, sống có nghĩa có tình với bạn bè và đồng nghiệp.
Cách đây hai năm tôi có nhờ Tố Nga hát và phối khí cho ca khúc “Hát về Can Lộc quê ta” lời thơ của tôi và nhạc của nhạc sĩ Huy Loan, Tố Nga rất vui vẻ nhận lời. Bài hát này ra đời cách đây hơn 20 năm và đã được NSND Thanh Hoa thể hiện. Nhưng tôi muốn làm mới ca khúc mang đậm âm hưởng chất dân ca Nghệ Tĩnh. Sau một tuần phối khí hát và thu âm, Tố Nga thể hiện thành công ca khúc này và gửi cho tôi mà không lấy một đồng thù lao nào.
NSƯT Tố Nga cũng có cuộc sống riêng không bình lặng. Cô chia tay với chồng sau 8 năm sống li thân, nhưng cũng không đi bước nữa. Tố Nga tâm sự: “Có những người bày tỏ họ ngưỡng mộ Nga từ rất lâu rồi, giờ mới dám tỏ tình. Sau 8 năm khép chặt trái tim, Nga cảm thấy cuộc sống dần thay đổi, tinh thần tốt hơn. Tuy nhiên, Nga vẫn sợ hôn nhân và không có ý định đi bước nữa”. Tố Nga cũng cho biết thêm: “Thời gian còn lại, Tố Nga muốn dành cho con trai và dồn tâm huyết vào các dự án âm nhạc.”
Trong cuộc đời ca hát của mình, NSƯT Tố Nga rất thành công với những ca khúc mang âm hưởng quê hương xứ Nghệ. Trong mỗi ca khúc, cô luôn thể hiện bằng cả tình yêu của người con của quê hương Hà Tĩnh, đằm thắm, trữ tình và thiết tha da diết. Bởi vậy, nữ ca sĩ không chỉ được người dân xứ Nghệ yêu mến, mà những ai thích dòng nhạc dân gian cũng đều yêu quý cô.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu