Bên lề hội thảo về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vừa được tổ chức tại Hà Nội, VietTimes đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Hoàng Hữu Hạnh – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số - xung quanh việc làm thế nào để có hiệu quả cao trong việc chuyển đổi số ở nông nghiệp và nông thôn.
PV: Theo ông, để chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, người nông dân và các đối tác cần phải làm gì để đạt được hiệu quả thiết thực?
PGS. TS. Hoàng Hữu Hạnh: Chuyển đổi số với bất kỳ một tổ chức nào cũng phải lấy con người làm trung tâm và phục vụ con người. Chuyển đổi số trong nông nghiệp đương nhiên phải phục vụ người làm nông nghiệp, để làm ra sản phẩm tốt và được sử dụng công nghệ hiện đại, tạo ra giá trị tốt hơn, đặc biệt là chuỗi giá trị của sản phẩm được nâng cao.
Trong đó, công nghệ số và đổi mới sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng. Đó có thể gọi là độ phân giải của sản phẩm nông nghiệp. Như vậy, chuyển đổi số ở đây không thuần tuý là công nghệ thông tin, mà còn phải tích hợp các công nghệ khác như công nghệ sinh học, công nghệ môi trường …
Còn về nhân lực thì phải lấy con người sống ở các vùng nông thôn làm trung tâm. Như thế, các công nghệ phải thích ứng với từng vùng nông thôn, vì mỗi vùng đều có đặc điểm và đặc thù khác nhau, như nhiều chỗ rất thiệt thòi về năng lượng, về nguồn nước, về thổ nhưỡng, về văn hoá…
Chúng ta đang có những chương trình, đề án quốc gia về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các địa phương muốn phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân đều nên bám sát các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia này. Đó là nguồn lực chính nhưng tuỳ vào tình hình cụ thể thì phải có sáng tạo trong chuyển đổi số cho phù hợp thực tiễn. Tức là chuyển đổi số trong nông nghiệp và nông thôn phải tích hợp được nội lực của địa phương với chương trình, đề án quốc gia về nông nghiệp và phát triển nông thôn.
PV: Như vậy, chuyển đổi số không hoàn toàn thuần tuý là kỹ thuật và công nghệ mà con người mới là yếu tố quyết định. Xin ông cho biết quan điểm của mình về thực tế này.
PGS. TS. Hoàng Hữu Hạnh: Chuyển đổi số là một quá trình tổng hợp để thay đổi cách một tổ chức vận hành và cung cấp các sản phẩm mới trên nền tảng công nghệ số. Ba vấn đề rất quan trọng của chuyển đổi số là Con người, Quy trình (bao gồm cả yếu tố tổ chức) và Công nghệ. Công nghệ ở đây bao gồm cả về dữ liệu.
Quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi số là thay đổi về giá trị sản phẩm, thay đổi về cách thức ra đời sản phẩm. Để làm được việc đó thì việc tổ chức, điều hành nhằm thúc đẩy các sáng kiến số cũng hết sức quan trọng, tức là phải có được dẫn dắt bởi các nhà lãnh đạo và quản trị số.
Những nhà lãnh đạo số ở đây phải chủ động với cái mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo ra một quy trình quản lý thực tiễn dựa trên các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo ra sản phẩm giá trị cao với quy trình quản trị tối ưu dựa trên công nghệ số.
Đây phải là một quá trình xuyên suốt, kiên định và gắn chặt với mục tiêu, tầm nhìn của doanh nghiệp, tổ chức. Như vậy, để chuyển đổi số thành công thì yếu tố con người phải là thực chất cùng với mô hình quản trị tốt, chứ không chỉ là hô hào, phong trào.
PV: Như vậy, đào tạo nguồn nhân lực ở đây không chỉ là công việc riêng của các ngành công nghệ thông tin và tự động hoá, mà các ngành học khác cũng không thể đứng ngoài cuộc trong chuyển đổi số. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
PGS. TS. Hoàng Hữu Hạnh: Phải xác định rõ ràng là nguồn nhân lực cho chuyển đổi số là rất quan trọng và có sự phân tầng rất rõ. Nhân lực ở đây bao gồm lãnh đạo, quản lý cấp trung và cả cán bộ và công nhân kỹ thuật. Tuy nhiên vẫn thấy rõ nhân lực về công nghệ thông tin, tự động hoá là lực lượng lao động chủ yếu hiện nay.
Như vậy, các trường đại học kỹ thuật, công nghệ phải đào tạo ra lãnh đạo kỹ thuật, công nghệ và chuyên gia kỹ thuật đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, các trường kinh tế và cũng như các ngành nghề xã hội nhân văn khác thì không thể đứng ngoài cuộc. Vì để có thể chuyển đổi số được thì vấn đề quản trị tổ chức, văn hoá số, và phát triển mô hình kinh doanh sáng tạo là hết sức quan trọng.
Thành công của chuyển đổi số nằm ở chỗ quản trị tốt, kiến trúc tốt và ứng dụng công nghệ phù hợp trên một nền văn hoá số.
Chuyển đổi số thực chất là quá trình tích hợp của nhiều ngành. Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng xoá nhoà biên giới giữa các lĩnh vực, để để tạo ra các giá trị mới cho cuộc sống.
Đó là giải pháp tổng thể mà trong đó mà công nghệ thông tin chỉ là một trụ cột. Kinh tế số chỉ có thể phát triển nhờ vào hạ tầng số và nhân lực số. Nhân lực cho hạ tầng số là cốt lõi, là nền tảng cho kinh tế số. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này không phải là tất cả. Kinh tế số phải có quy trình số tốt, quản trị số tốt và lãnh đạo số tốt trên nhiều phương diện.
PV: Xin cám ơn ông!
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu