Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức), sau cuộc tổng tuyển cử ở Đức, các đảng phái tham gia nội các dần rõ ràng, dù là đảng phái nào nổi lên thì Trung Quốc chắc chắn là một trọng tâm chính trong chính sách đối ngoại của Đức trong tương lai. Trong thời kỳ hậu Merkel, chính sách đối với Trung Quốc của Đức nên thay đổi như thế nào trong tương lai? Làm thế nào để thúc đẩy quan hệ song phương Đức-Trung? Các chuyên gia chính sách đối ngoại của 4 đảng lớn trong Quốc hội Đức đã trình bày ý kiến của mình trong một cuộc hội thảo trực tuyến do Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Merics) tổ chức hôm 13/10.
Chính phủ Đức dưới thời bà Merkel được coi là theo đuổi chính sách thỏa hiệp với Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle). |
Đức cần chủ động đề ra chính sách Trung Quốc của EU
Ông Nils Schmid, người phát ngôn về chính sách đối ngoại tại Hạ viện của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), chỉ ra rằng, điều quan trọng nhất là chính phủ Đức cần phải chủ động xây dựng chiến lược Trung Quốc của EU nhằm phá vỡ cục diện chật hẹp trong quan hệ song phương Trung-Đức.
Ông cho rằng, trước đây nhiều ý kiến bảo thủ cho rằng quan hệ song phương có quan hệ mật thiết với quan hệ kinh tế thương mại, Đức không nên đặc biệt tích cực chủ động. Nhưng ông nói thẳng, "Chính phủ liên bang mới nên đảo ngược tình trạng này và thúc đẩy những vấn đề này ở cấp độ EU".
Ông Schmidt cho rằng, xét từ quan điểm của Liên minh châu Âu, mối quan hệ hiện tại với Trung Quốc đã rất khác so với trước đây, toàn bộ EU phải điều chỉnh việc tiếp cận thị trường chặt chẽ hơn và có đi có lại, có nghĩa là các loại thỏa thuận thương mại và đầu tư trong tương lai phải áp dụng các hình thức khác. Trung Quốc và các nước thứ ba khác tham gia vào thị trường nội bộ của EU phải tuân thủ các quy tắc tương tự như các nước khác.
Ông Nils Schmid, người phát ngôn về chính sách đối ngoại tại Hạ viện của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Ảnh: Getty. |
Ông Roderich Kiesewetter, một thành viên đối ngoại của Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc (CDU/CSU) cầm quyền hiện tại, nói thẳng rằng, "Đức trước đây chỉ chú trọng thương mại với Trung Quốc và hy vọng có thể trở thành đối tác thân thiết với Trung Quốc thông qua hợp tác, phần lớn đều đã thất bại".
Ông cho rằng nếu trong tương lai châu Âu thực sự muốn cạnh tranh, thì phải liên kết trong nội bộ châu Âu. Khả năng cạnh tranh của châu Âu trong tương lai sẽ được quyết định ở châu Phi và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương; không nên chỉ quan tâm đến Trung Quốc mà còn phải làm thế nào để hợp tác với các nước láng giềng của Trung Quốc, chẳng hạn như Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Australia và New Zealand , đồng thời tăng cường hơn nữa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, những vấn đề này rất quan trọng đối với chính phủ liên bang trong tương lai.
Giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc và tăng cường thương mại với các khu vực khác
Ông Johannes Vogel, thành viên Đảng Dân chủ Tự do (FDP) và thành viên Nhóm Quan hệ Đức-Trung của Quốc hội Liên bang, nhấn mạnh rằng chính phủ liên bang mới nên xem xét lại quan hệ với Trung Quốc và sự phụ thuộc kinh tế của Đức vào Trung Quốc.
Ông cho rằng Đức, với tư cách là một nền kinh tế, không nên phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, nhưng do các công ty và ngành công nghiệp có ảnh hưởng lớn đến cơ cấu kinh tế Đức đều quá phụ thuộc vào Trung Quốc, nên giải pháp duy nhất là giảm đầu tư vào thương mại với Trung Quốc.
Ông Johannes Vogel, thành viên Đảng Dân chủ Tự do (FDP) . Ảnh: DeSpigel. |
Ông Vogel chỉ ra rằng công việc hiện tại của châu Âu là tăng cường thương mại với phần còn lại của thế giới trong vài năm tới và đạt được các hiệp định thương mại và đầu tư tự do hơn nữa với các nền kinh tế không phải Trung Quốc. Ông nói tại hội nghị rằng tìm kiếm hợp tác thương mại với các nước khác không chỉ là tái cân bằng, mà là "vượt qua Trung Quốc".
Bà Franziska Brantner, một thành viên của Đảng Xanh và là chuyên gia về các vấn đề châu Âu, đã lấy việc chuyển đổi công nghệ năng lượng làm ví dụ. “Nhiều công nghệ và ứng dụng chúng ta cần dựa vào năng lượng lưu trữ, pin và đất hiếm” trong khi Trung Quốc đã có chiến lược nắm giữ nhiều nguồn tài nguyên; trong tương lai việc châu Âu làm thế nào chuyển đổi mà không liên quan đến phụ thuộc các dự án thương mại là một thách thức lớn.
Bà cho rằng “tất cả những điều này sẽ chỉ có hiệu quả khi nền kinh tế xuất khẩu của Đức không quá tập trung vào Trung Quốc”. Nói cách khác, Đức hoặc cả châu Âu nên tự đưa ra công nghệ mới trên thị trường của mình và thiết lập quan hệ đối tác với các nước khác mới dần dần thoát ra khỏi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Châu Âu nên cùng nhau xác định lĩnh vực an ninh kỹ thuật số
Quốc hội Đức vào tháng 4 năm nay đã thông qua Luật An toàn Thông tin, đặt ra các tiêu chuẩn bảo mật nghiêm ngặt cho thiết bị truyền thông. Tuy không trực tiếp điểm tên công ty Huawei của Trung Quốc, nhưng đã nhất trí loại bỏ Huawei khi xây dựng mạng 5G.
Bà Franziska Brantner, thành viên của Đảng Xanh và là chuyên gia về các vấn đề châu Âu (Ảnh: DPA). |
Ngoài ra, Trung Quốc và EU đã ký "Hiệp định đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc" vào cuối năm ngoái, tuy nhiên vào tháng 3 năm nay, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc về vấn đề Tân Cương, và Trung Quốc đã ngay lập tức thực hiện các biện pháp trừng phạt đáp trả. Hiệp định đầu tư này đã tạm thời bị gác lại cho đến nay.
Vogel cho rằng châu Âu không nên gắn các giá trị của riêng mình, các mối quan hệ song phương và các biện pháp trừng phạt các nghị sĩ do vấn đề nhân quyền với lợi ích kinh tế.
Tuy nhiên, ông cho rằng đằng sau cuộc thảo luận tổng thể về Huawei, điều nổi bật hơn là các quốc gia châu Âu nên cùng xác định lĩnh vực nào liên quan đến an ninh kỹ thuật số và lĩnh vực nào không; lĩnh vực nào Châu Âu không muốn dựa vào Trung Quốc, hoặc hy vọng dựa vào công nghệ của Châu Âu. Về nguyên tắc, cần đạt được hai bên cùng có lợi, nhưng cũng không nên chỉ thúc đẩy một thỏa thuận đầu tư nào đó mà bỏ qua các thỏa thuận khác. Theo quan điểm của ông, việc chỉ coi trọng quan hệ đơn phương là sai lầm.
Vogel thậm chí cho rằng những vấn đề này nên được thảo luận và cần đạt được sự đồng thuận trong Liên minh xuyên Đại Tây Dương để đề ra một chiến lược chung.
Chia sẻ trách nhiệm chứ không cạnh tranh với Mỹ
Về các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong tương lai, ông Schmid cho rằng sự phân công giữa châu Âu và Mỹ cần rõ ràng hơn. Hiện nay, Mỹ có xu hướng rút khỏi khu vực hậu Liên Xô và Trung Đông, quan tâm nhiều hơn đến Trung Quốc và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đức thì cần gia tăng quan hệ chính trị với khu vực châu Á, đặc biệt là với Nhật Bản, đồng minh chính trị và kinh tế quan trọng nhất ở Đông Á. Trước đây đã không phát huy đầy đủ được. Hai bên có nhiều lợi ích giống nhau và mối quan hệ cần được tăng cường trong tương lai.
Ông Roderich Kiesewetter, một thành viên đối ngoại của Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc (CDU/CSU). Ảnh: DeSpigel. |
Roderich Kiesewetter nói rằng ông nhận thấy cơ hội chia sẻ trách nhiệm địa chính trị xuyên Đại Tây Dương từ quan hệ đối tác toàn cầu trong tương lai của châu Âu. Châu Âu nên chia sẻ gánh nặng với Mỹ thay vì cạnh tranh với nhau, và hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ các giá trị, quan hệ đối tác và các thỏa thuận địa chính trị.
Ông chỉ ra: “Rõ ràng trọng điểm của mười năm tới sẽ là khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng đây chỉ là trọng điểm bề ngoài”. Vì châu Phi mới là trọng điểm các nguồn lực của Trung Quốc và cũng được Trung Quốc coi là một thị trường bán hàng giá rẻ. Trung Quốc có thể thực sự chuyển đổi và thu hút sức mạnh ở đây.
Còn châu Âu phải cho Mỹ thấy rằng họ có thể quan tâm đúng mức các nước ở Tây Balkan, Trung Đông và Châu Phi với quan hệ đối tác bình đẳng, giảm bớt gánh nặng cho Mỹ, để Mỹ tham gia mạnh mẽ hơn vào các vấn đề ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cá nhân ông hy vọng rằng các nước châu Âu có thể chứng minh một cách nhất quán rằng châu Âu quan tâm cao đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Ủng hộ Đài Loan tham gia WHO
Trong hội thảo trực tuyến này, có khán giả đã hỏi: phải làm gì để bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan? Vogel chỉ ra rằng vấn đề Đài Loan sẽ là một trong những vấn đề quan trọng, khó khăn và nhạy cảm nhất trong vài năm tới. Để bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan, cần phải làm hai điều, một trong số đó là hiệu ứng tín hiệu, tức là đưa Đài Loan vào một tổ chức quốc tế dưới mức công nhận quốc gia. Ông thẳng thắn, đặc biệt là Đài Loan, nơi đã rất thành công trong việc chống lại dịch COVID-19 trong vài tháng qua, đã bị loại khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), điều mà ông cho là một cách làm rất kỳ quái và rất sai lầm.
Thứ hai, ông cho rằng nên thành lập một cộng đồng giá trị toàn cầu gồm các quốc gia dân chủ thị trường tự do. Cộng đồng này phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế và cùng nhau thảo luận nếu Trung Quốc uy hiếp tiến hành xâm lược quân sự , thậm chí ra tay thì dẽ phản kích như thế nào “Vì tất nhiên không thể xảy ra điều này”.
Quan hệ giữa EU với Đài Loan đang ngày càng gắn bó (Ảnh: Asianews). |
Schmidt nói: “Người dân Đài Loan cần được tự quyết định con đường tiến lên của mình mà không bị ép buộc”. Ông đề nghị rằng, nếu không công nhận sự độc lập của Đài Loan, hãy cố gắng tăng cường sự tham gia của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế, trong đó có việc tham gia vào Đại hội đồng Y tế Thế giới. Đồng thời, duy trì quan hệ chặt chẽ với Đài Loan trong các lĩnh vực khoa học, chính trị và kinh tế ở mức dưới ngưỡng công nhận Đài Loan độc lập. "Có một điều không nên đánh giá thấp là Đài Loan có quan hệ kinh tế với EU và rất liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn và các sản phẩm công nghệ cao khác của Đức".
Trung Quốc là trọng điểm trong thỏa thuận liên minh cầm quyền mới
Trong thỏa thuận thành lập liên minh cầm quyền khóa trước, từ "Trung Quốc" xuất hiện tới 5 lần. Trong thỏa thuận lập chính phủ liên hiệp hiện tại đang được tiến hành, người chủ trì cuộc hội thảo lần lượt hỏi 4 thành viên tham gia, Trung Quốc xuất hiện với tần suất như thế nào?
Schmidt nói rằng bất kể thỏa thuận nắm quyền chung được xây dựng như thế nào, Trung Quốc nhất định phải là chủ đề thỏa thuận quan trọng hơn.
Roderich Kiesewetter chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ có nhiều trọng lượng hơn trong tương lai, và cũng sẽ có nhiều sự phối hợp hơn của châu Âu, ông hy vọng thấy sự đối thoại chặt chẽ hơn giữa chính phủ liên bang và nghị viện liên bang để có thể thảo luận nhiều hơn vấn đề chiến lược tại nghị viện.