Để phản ứng trước tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức về việc khu trục hạm Bayern đã bị từ chối cập cảng Thượng Hải, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng “các nước bên ngoài khu vực nên tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực trong việc duy trì hòa bình và ổn định, đóng một vai trò xây dựng”.
“Trung Quốc xem việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Đức là hết sức quan trọng, trong đó có hợp tác giữa quân đội hai nước, và sẵn sàng trao đổi dựa trên cơ sở tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau” – ông Triệu nói, thêm rằng việc “tạo nên bầu không khí tốt cho điều này” là tùy thuộc ở Đức.
Phát ngôn viên này một lần nữa cáo buộc “một vài thế lực” thường xuyên thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông để phô diễn cơ bắp và gây rối. Ông nói Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hàng hải.
Tàu khu trục Bayern, trọng tải 4.000 tấn, tháng trước đã rời cảng ở Wilhelmshaven để thực hiện nhiệm vụ kéo dài 6 tháng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó bao gồm khu vực Biển Đông, để tăng cường sự hiện diện của Đức trong khu vực.
Mỹ thường xuyên triển khai các chiến hạm và máy bay của họ tới khu vực này để thực hiện các chiến dịch “tự do hàng hải” và tham gia các cuộc tập trận để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, và đề nghị các đồng minh của họ làm tương tự.
Trước khi tàu Bayern rời cảng hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer nói rằng mục đích của nhiệm vụ này là chứng minh cho các đồng minh trong khu vực rằng “chúng tôi đứng lên vì các giá trị và lợi ích chung”. Bà cũng nói rằng, bà muốn EU thiết lập “sự hiện diện vĩnh cửu” trong khu vực.
Sau khi đưa ra đề nghị cập cảng, hải trình của con tàu này đã được cập nhật để thêm một chặng dừng chân nữa ở thành phố Darwin, miền Bắc Australia.
Shi Yinhong, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Renmin, nói rằng trong suốt gần 1 năm, chính phủ Đức đã liên tục đưa ra phát ngôn về việc phối hợp với các đồng minh để thiết lập sự hiện diện chiến lược và bảo vệ tự do hàng hải, và đây có lẽ là nguyên nhân khiến cho Bắc Kinh tức giận.
“Theo như các tuyên bố này, động cơ của Đức có thể dễ dàng bị phía Trung Quốc coi là gây hại cho các lợi ích an ninh và tuyên bố chủ quyền của họ” – ông Shi nói – “Theo những tình hình đó, chúng ta có thể tưởng tượng rằng Trung Quốc sẽ từ chối cho tàu chiến Đức cập cảng của Trung Quốc”.
Shi nói rằng, bất chấp tầm ảnh hưởng tiêu cực tức thì, việc từ chối cho cập cảng khó có thể ảnh hưởng tới các khía cạnh khác trong mối quan hệ Trung-Đức nếu như Đức không có các bước đi sâu hơn mà Trung Quốc cho là gây hại với họ.
Nils Schmid, phát ngôn viên về các vấn đề đối ngoại của đảng Dân chủ Xã hội (SDP) Đức, nói rằng hành trình của tàu Bayern mang “tầm quan trọng về mặt tượng trưng” nhưng không nêu rõ liệu có phải Đức đang nhắm tới việc tăng cường hoạt động quân sự trong khu vực hay không.