Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới BV Chợ Rẫy: Ba lý do khiến nhiều F0 nhất thiết không dùng Molnupiravir

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – "Có ít nhất ba lý do khiến cho nhiều F0 nhất thiết không được dùng Molnupiravir” – Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy - đã có cuộc trao đổi với VietTimes.
Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy - có cuộc trao đổi với VietTimes về các F0 không được dùng thuốc đặc trị Molnupiravir
Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy - có cuộc trao đổi với VietTimes về các F0 không được dùng thuốc đặc trị Molnupiravir

Nên cải thiện cơ chế bán thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir

Phóng viên: - Thưa bác sĩ, hiện nay, trước tình trạng F0 ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành đang tăng lên rất cao, cả nước chạm mốc 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, nhiều người dân mong muốn mua được thuốc đặc trị Molnupiravir khi người thân của họ trở thành F0. Nhưng nhiều người tới tiệm thuốc đã phải trở về tay không. Nhu cầu và mong muốn này có chính đáng không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: - Molnupiravir là một loại thuốc viên có tác dụng giảm tải lượng virus khi sử dụng ở giai đoạn đầu mắc bệnh, từ đó giảm nguy cơ trở nặng và tử vong.

Nhu cầu của người dân về thuốc chữa bệnh là hoàn toàn chính đáng, luật pháp cũng đã quy định người dân có bệnh thì được chữa bệnh nhưng nếu tự ý chữa bệnh thì không thoả đáng.

Bởi vì bất cứ thuốc nào cũng đều như con dao hai lưỡi, có tác dụng có lợi và những tác dụng ngoài ý muốn. Có những loại thuốc có khả năng gây độc ít, ví dụ như Paracetamol hay Aspirin, các thuốc chữa đau nhức thông thường không cần bác sĩ kê toa. Nhưng những loại thuốc có khả năng gây độc mạnh thì cần bác sĩ kê toa, bởi thuốc có khả năng gây hại cho bệnh nhân nhiều hơn có lợi, nếu không có chỉ định tốt.

Molnupiravir là loại thuốc chữa COVID-19 với mục tiêu điều trị là hạn chế sự phát triển của virus nhưng cũng có tác động có hại trên nhiều bệnh nhân suy thận, bệnh nhân có thai…

Hơn nữa, về thời điểm dùng thuốc, không phải ai cũng cần dùng Molnupiravir. Cần nhân viên y tế có chuyên môn để xác định được người nào nên dùng, người nào không.

Thuốc kháng virus Molnupiravir được bán tại nhiều hiệu thuốc khu vực TP.HCM và Hà Nội
Thuốc kháng virus Molnupiravir được bán tại nhiều hiệu thuốc khu vực TP.HCM và Hà Nội

*Qua kiểm tra, trên địa bàn Hà Nội, do số ca F0 tăng cao nên bà con đổ xô tới các nhà thuốc để tìm mua Molnupiravir. Tuy nhiên, hầu hết đều thất vọng ra về tay không, bởi Molnupiravir là thuốc bán theo toa của bác sĩ. Một số người dân phản ánh bức xúc, cho biết, khi người thân trở thành F0, nếu mời trạm y tế phường vào test, cũng phải 2 ngày sau mới có chứng nhận F0, nếu phải đợi đánh giá của y tế phường nữa thì liệu có… quá trễ để đi mua thuốc?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: - Tôi hoàn toàn đồng ý rằng nên thay đổi, bổ sung cách thức chứng nhận F0, cách khám bệnh kê toa đối với Molnupiravir. Bởi vì sau khi Bộ Y tế đã cho phép bán và đưa vào điều trị với thuốc Molnupiravir, không có nhân viên y tế phường nào có thể đáp ứng nổi nhu cầu khám bệnh và kê toa, chỉ định trực tiếp của người dân, vì phường nào cũng có mấy chục ngàn dân cư trú.

Cần mở rộng đối tượng bác sĩ kê toa điều trị đối với thuốc Molnupiravir, tôi nghĩ rằng bác sĩ ở các bệnh viện, các cơ sở y tế tư nhân… đều có thể kê toa sử dụng Molnupiravir.

Như thực tế chống dịch của TP.HCM thì các tổ COVID-19 cộng đồng có thể quản lý F0 trên các nhóm Zalo, để nhân viên y tế địa phương có thể hỗ trợ tốt nhất tới bệnh nhân.

Ba lý do khiến một số F0 nhất thiết không được dùng Molnupiravir

*Được biết, có khá nhiều lý do để bệnh nhân cần cân nhắc thận trọng và nhất thiết phải sử dụng Molnupiravir theo đơn do bác sĩ kê toa. Chẳng hạn như, thuốc không chỉ định cho bệnh nhân nặng và nguy kịch, suy hô hấp, sốc hoặc suy đa tạng… Điều này có đúng không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy nói về thuốc đặc trị COVID-19 Molnupiravir
Bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy nói về thuốc đặc trị COVID-19 Molnupiravir

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: - Những người đã suy đa tạng, suy hô hấp thì họ đã nằm trong bệnh viện rồi. Đơn giản nhất, người dân có thể hiểu rằng, người F0 có biểu hiện, triệu chứng, có yếu tố có nguy cơ diễn biến nặng thì được dùng thuốc đặc trị Molnupiravir. Nhưng ít nhất có tới 3 lý do khiến nhiều F0 nhất thiết không được dùng thuốc đặc trị Molnupiravir. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, nếu bệnh nhân có yếu tố nguy cơ diễn biến nặng nhưng lại là bệnh nhân có bệnh nền như suy thận chẳng hạn thì không được dùng Molnupiravir.

Thứ hai, Molnupiravir là thuốc khuyến cáo không sử dụng với người cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Thứ ba, trong đợt nghiên cứu thử nghiệm Molnupiravir vừa rồi đã không tiến hành nghiên cứu trên đối tượng bệnh nhân dưới 18 tuổi, vì thế, thuốc khuyến cáo không sử dụng cho đối tượng này.

*Có dư luận cho rằng riêng đối với nam giới, Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Điều này có đúng không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: - Tôi còn chưa nghe thông tin về vấn đề này. Theo tôi, thực ra, chưa có đủ thời gian để nghiên cứu khoa học về việc thuốc Molnupiravir có ảnh hưởng đến khả năng sinh tinh trùng ở nam giới, hoặc ức chế rụng trứng ở nữ giới hay không.

Nhưng, cũng như nhiều loại thuốc dã được nghiên cứu, thường thì chúng tôi khuyến cáo bệnh nhân nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Hoà Bình (thực hiện)