Ai được mua? Ai được phát thuốc đặc trị COVID-19 Molnupiravir?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trước tình hình ca nhiễm tăng chóng mặt, đặc biệt là ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành, rất đông người dân đến xếp hàng ở nhà thuốc không mua được Molnupiravir.
Thuốc kháng virus Molnupiravir được bán tại nhiều hiệu thuốc khu vực TP.HCM và Hà Nội
Thuốc kháng virus Molnupiravir được bán tại nhiều hiệu thuốc khu vực TP.HCM và Hà Nội

Molnupiravir được bán ra như thế nào?

Mới đây, tại một số nhà thuốc FPT Long Châu ở TP.HCM và Hà Nội đã bắt đầu được phép bán ra loại thuốc đặc trị Molnupiravir do Việt Nam sản xuất. Đây là thuốc Molnupiravir Stella 400 mg của Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm (Bình Dương, Việt Nam) sản xuất. Thuốc được bán ra thị trường với giá 12.500 đồng/viên. Một hộp thuốc Molnupiravir đóng gói 20 viên 400 mg hoặc 40 viên 200 mg đủ cho một liệu trình điều trị. Như vậy, giá thuốc dao động từ 230.000 đến dưới 350.000 một hộp cho liệu trình 5 ngày.

Trước thực tế là F0 ở Hà Nội đang tăng lên rất cao, đều đặn trên 12.000 F0 mắc mới mỗi ngày, nên khi biết thông tin này, nhiều người dân Hà Nội đã đổ xô đến các tiệm FPT Long Châu để xếp hàng mua thuốc đặc trị Molnupiravir. Tuy nhiên, rất nhiều người dân đã phải thất vọng ra về tay không, không mua được, do thuốc này thuộc hạng mục phải bán theo toa của bác sĩ.

Người dân rất nên bình tĩnh, tham khảo đầy đủ các hướng dẫn trước khi tụ tập đông người ở tiệm thuốc, làm tăng nguy cơ lây nhiễm diện rộng thêm nữa dịch bệnh COVID-19.

Như quy định mới đây, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 437 về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng không được dùng Molnupiravir, chỉ trường hợp mắc COVID-19 mức độ nhẹ và trung bình mới cần sử dụng.

Thuốc điều trị COVID-19 Monulpiravir Stella 400g do Việt Nam sản xuất- Ảnh: Tiền Phong

Thuốc điều trị COVID-19 Monulpiravir Stella 400g do Việt Nam sản xuất- Ảnh: Tiền Phong

Cụ thể, các triệu chứng nhẹ như SpO2 lớn hơn 96%, nhịp thở thấp hơn 20 lần/phút; Triệu chứng nặng là SpO2 từ 94-96%, nhịp thở 20-25 lần/phút, tổn thương trên X-quang nhỏ hơn 50% hoặc người bệnh COVID-19 mức độ nhẹ có bệnh lý nền, coi như mức độ trung bình.

Ai được mua thuốc điều trị Molnupiravir?

Với địa bàn mà tình hình dịch đã tương đối ổn định như TP.HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết: "Molnupiravir là thuốc phải kê toa và người kê toa là những bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, hoặc những người được quy định theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp đặc biệt giống như bệnh nhóm A (gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. COVID-19 thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A), trong văn bản cao nhất cũng đã cho phép các bác sĩ ở trạm y tế mặc dù chưa có chứng chỉ hành nghề vẫn có thể kê toa được".

Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai. Ảnh: Linh Nhi
Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai. Ảnh: Linh Nhi

Như vậy, Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn, người dân khi test nhanh dương tính nên khai báo với Trạm y tế phường nơi cư trú để được nhân viên y tế theo dõi, quản lý, chăm sóc. Khi đánh giá F0 nằm trong nhóm cần sử dụng thuốc kháng virus, bác sĩ tại các Trạm Y tế phường sẽ kê đơn, nếu địa bàn phường còn Molnupiravir thì bệnh nhân được phát thuốc miễn phí, người dân không nên tự động uống hoặc mua.

Bà Huỳnh Mai cho hay, TP.HCM hiện còn 36.000 liều Molnupiravir phát miễn phí tại các cơ sở y tế, dành cho các đối tượng đủ điều kiện sử dụng, ưu tiên cho những người có nguy cơ.

Nói thêm về loại thuốc đặc trị này, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cung cấp thêm thông tin, trước đó, Bộ Y tế chỉ có hướng dẫn kê đơn thuốc để phát miễn phí cho người dân trong chương trình thử nghiệm lâm sàng, vẫn chưa có hướng dẫn kê đơn thuốc này để người dân có thể tự mua về sử dụng. “Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản đề xuất lên Bộ Y tế hướng dẫn sử dụng, kê toa và kinh doanh mặt hàng thuốc Molnupiravir trên địa bàn, đây là bước cuối cùng, là cơ sở pháp lý để thành phố mạnh dạn cho các nhà thuốc tham gia” – Bà Mai nói.