Hiện nay, cụm tấn công tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson thuộc Hạm đội 3, Hải quân Mỹ đang chạy đến Biển Đông để thực hiện các hành động tự do đi lại, đồng thời tiến hành các hoạt động diễn tập, thăm cảng biển các nước trong khu vực, từ đó phô diễn sức mạnh quân sự của Mỹ và gây ảnh hưởng tới các nước trong khu vực.
Trang tin Sina Trung Quốc ngày 16 tháng 2 thậm chí cho biết tàu sân bay USS Carl Vinson đã đi vào biển Philippines, có sự hộ tống của máy bay ném bom B-1B thuộc Bộ Tư lệnh máy bay ném bom Không quân Mỹ.
Tàu sân bay USS Carl Vinson chở theo lực lượng máy bay chiến đấu mạnh, được hộ tống chặt chẽ, lại có sự phối hợp của 12 máy bay chiến đấu tàng hình F-22 triển khai ở Australia, đủ để răn đe tất cả các lực lượng quân sự.
Quyền kiểm soát trên không là trọng điểm đối đầu và giành giật giữa quân đội hai nước Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông. Không được bảo đảm về quyền kiểm soát trên không thì tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ không thể đi vào vùng biển 12 hải lý của các đảo, đá ngầm trên Biển Đông. Vì vậy, tranh đoạt quyền kiểm soát trên không quyết định kết quả cuộc đối đầu này.
Động thái triển khai trên Biển Đông lần này của Hải quân Mỹ, nhất là khả năng tàu chiến, máy bay Mỹ tiếp cận khu vực đảo, đá ngầm ở Biển Đông trong thời gian tới đang gây lo ngại đặc biệt cho Trung Quốc. Trước đó, nhiều quan chức trong chính quyền Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Trong thời gian thăm Nhật Bản, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh, Quân đội Mỹ có kế hoạch áp dụng các biện pháp quyết đoán hơn đối với các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngày 13 tháng 2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã lên tiếng nói lại yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cho rằng: “Có nước liên quan điều tàu chiến, máy bay đến Biển Đông phô trương sức mạnh hoặc tiến hành chia rẽ. Đây mới là nhân tố lớn nhất thúc đẩy quân sự hóa Biển Đông”.
Cảnh Sảng còn nói: “Chúng tôi thúc giục Mỹ và Nhật Bản nhìn nhận vấn đề Biển Đông một cách khách quan, sáng suốt, làm nhiều việc có lợi cho hòa bình, ổn định Biển Đông”.
Ngoài phản đối về ngoại giao, Trung Quốc đã đẩy mạnh tuyên truyền về sức mạnh quân sự của họ, nhất là trong chuyên mục quân sự của trang tin Sina. Ngoài ra, Trung Quốc đặc biệt đã triển khai hành động thực tế trên Biển Đông, bao gồm tiến hành diễn tập quy mô lớn.
Tân Hoa xã, tờ báo chủ yếu của Chính phủ Trung Quốc ngày 10 tháng 2 tiết lộ, biên đội huấn luyện biển xa của Hạm đội Nam Hải, bao gồm tàu khu trục tên lửa Trường Sa Type 052D, tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu Type 052C, tàu tiếp tế tổng hợp Lạc Mã Hồ đã rời một quân cảng ở Tam Á, tỉnh Hải Nam.
Biên đội này sẽ triển khai diễn tập liên hợp với các lực lượng như lực lượng đường không trên Biển Đông, mở màn cho huấn luyện biển xa lần này. 3 tàu chiến tham gia huấn luyện biển xa lần này đều là tàu chiến chủ lực mới của Hải quân Trung Quốc. Trên các tàu chiến này còn chở theo 3 máy bay trực thăng và vài chục binh sĩ đánh bộ.
Ngoài ra, hoạt động diễn tập trên Biển Đông lần này còn có sự tham gia của lực lượng phòng không bờ biển (như tên lửa HQ-9), lực lượng đường không (máy bay chiến đấu J-11BH/BSH), lực lượng đồn trú bất hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa ( chủ quyền của Việt Nam), cùng một bộ phận lực lượng của Hạm đội Đông Hải, Hạm đội Bắc Hải. Quy mô lực lượng tham gia diễn tập như vậy là rất lớn.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có thông tin cho thấy các lực lượng thuộc Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Bắc Hải di chuyển xuống phía nam để tham gia diễn tập cùng với Hạm đội Nam Hải và các lực lượng khác.
Hoạt động diễn tập lần này sẽ diễn ra ở Biển Đông, Đông Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương với các khoa mục như phòng không liên hợp trong điều kiện chiến đấu thực tế, chống khủng bố - chống cướp biển và tác chiến phòng vệ trên biển.
Mặc dù Tân Hoa xã tuyên truyền hoạt động huấn luyện, diễn tập này mang tính thường lệ, theo kế hoạch thường niên, nhưng nó lại được tiến hành trong thời điểm nhạy cảm này. Trang tin Sina thậm chí nói thẳng rằng các hoạt động này là để đáp trả tàu sân bay Mỹ.
Theo trang tin Sina, một cuộc diễn tập luyện khoa mục tác chiến phòng không liên hợp đã diễn ra từ ngày 12 đến ngày 13 tháng 2 tại Biển Đông, có sự tham gia của biên đội huấn luyện biển xa Hạm đội Nam Hải với lực lượng đường không và lực lượng phòng không bờ biển.
Trong khoa mục này, Trung Quốc đã sử dụng cả biên đội tàu chiến cộng với lực lượng đường không hải quân (2 máy bay chiến đấu) để đối phó với 4 máy bay chiến đấu (chia làm 2 tốp) của đối phương (quân xanh).
Sina cho rằng, lực lượng phòng không bờ biển tham gia hoạt động diễn tập này có thể bao gồm trận địa phòng không HQ-9 do Trung Quốc triển khai bất hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) và pháo bắn nhanh 76 mm, pháo phòng thủ gần 30 mm do Trung Quốc bố trí bất hợp pháp ở một số đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa (Việt Nam).
Ngoài ra, nhiều lực lượng đường không trực thuộc Hạm đội Nam Hải hiện nay có nhiều loại máy bay chiến đấu như Phi Báo và J-11BH/BSH, chủ yếu đóng ở đảo Hải Nam. Tham gia diễn tập lần này là những máy bay chiến đấu đến từ các lực lượng này.
Bài viết cho rằng, trong cuộc diễn tập, các sân bay do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (Việt Nam) cũng có thể đã trở thành một bộ phận của cuộc diễn tập. Điều này cho thấy hệ thống “phòng thủ” Trung Quốc bố trí phi pháp ở quần đảo Trường Sa đã có khả năng tác chiến ban đầu.