Trung Quốc yêu cầu Mỹ không “thách thức” ở Biển Đông
Các nguồn tin cho biết, Hải quân Mỹ chuẩn bị điều động cụm tấn công tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson đến Biển Đông, chuẩn bị thực hiện các hành động bảo vệ tự do đi lại, đồng thời hạm đội này có thể đi vào vùng biển lân cận các đảo, đá ngầm ở Biển Đông.
Đối với thông tin này, tối ngày 15 tháng 2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tiếp tục tái khẳng định yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đồng thời, Cảnh Sảng tuyên bố: “Trung Quốc tôn trọng và bảo vệ tự do hàng hải và hàng không mà các nước được hưởng ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, nhưng kiên quyết phản đối bất cứ nước nào lấy danh nghĩa tự do hàng hải và hàng không, gây thiệt hại cho ‘chủ quyền’ và an ninh của Trung Quốc”.
Theo Cảnh Sảng, hiện nay, dưới sự nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, tình hình Biển Đông đang có xu thế ổn định và phát triển theo hướng tích cực, tốt lên. Trung Quốc muốn các nước ngoài khu vực tôn trọng các nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN, cùng bảo vệ và củng cố xu thế tích cực này.
Đồng thời, Cảnh Sảng cảnh cáo Mỹ rằng, Mỹ không được áp dụng bất cứ hành vi nào thách thức cái gọi là “chủ quyền và an ninh” của Trung Quốc ở Biển Đông, tôn trọng các nỗ lực bảo vệ hòa bình, ổn định của các nước trong khu vực.
Yêu cầu Ấn Độ tôn trọng nguyên tắc “một Trung Quốc”
Ngoài vấn đề tàu sân bay Mỹ đến Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã phản ứng mạnh mẽ đối với việc 3 ủy viên Viện lập pháp Đài Loan hiện đang thăm Ấn Độ và mong muốn nâng cấp cơ quan Đài Loan tại Ấn Độ.
Người phát ngôn Cảnh Sảng cho biết Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối các nước có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc tiến hành bất cứ các cuộc tiếp xúc và trao đổi chính thức nào với phía Đài Loan, cùng xây dựng các cơ quan mang tính chất chính thức.
Trung Quốc muốn Ấn Độ thực hiện cam kết, tôn trọng và kiên trì nguyên tắc “một Trung Quốc”, xử lý thận trọng và thỏa đáng vấn đề liên quan đến Đài Loan, cùng Trung Quốc bảo vệ sự phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ Trung - Ấn. Trung Quốc đã tiến hành “giao thiệp” với Ấn Độ về vấn đề này.
Trong thời gian qua, Trung Quốc cũng đã phản ứng mạnh mẽ đối với việc Tân Tổng thống Mỹ có nhiều phát biểu và động thái thách thức nguyên tắc “một Trung Quốc” trong vấn đề Đài Loan, bao gồm điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn.
Tuy nhiên, qua các nỗ lực của Trung Quốc, cuối cùng, trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 10 tháng 2 năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay đổi thái độ, cho biết Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục kiên trì chính sách “một Trung Quốc”.
Dư luận Trung Quốc đánh giá rất tích cực với tín hiệu này và cho thấy mức độ “ổn định” của quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất nhì thế giới này.
Họ phải tính toán “được, mất”, “thiệt, hơn” trong quan hệ với nhau, thậm chí có thể “thỏa hiệp”, nhượng bộ với nhau trong nhiều vấn đề của quan hệ song phương cũng như trong các vấn đề quốc tế và liên quan đến nước khác.