Trung Quốc tiếp tục chế tạo thêm các tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng lớp Zubr

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trung Quốc bắt đầu chế tạo thêm tàu đổ bộ đệm khí tấn công (LCAC) hạng nặng lớp Zubr theo thiết kế của Liên Xô cho Hải quân (PLAN) nhằm tăng cường khả năng đổ bộ đường biển.

Tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng Zubr của Trung Quốc, được phát hiện cách đây vài ngày. Ảnh East Pendulum /@HenriKenhmann.
Tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng Zubr của Trung Quốc, được phát hiện cách đây vài ngày. Ảnh East Pendulum /@HenriKenhmann.

Ngày 9/7/2023, Naval News dẫn nguồn tin quân sự cho biết, đã có thêm 2 thân tàu lớp Zubr xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc, nâng tổng số tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng trong biên chế của Hải quân Trung Quốc lên tới 6 chiếc. Thân tàu mới đầu tiên mang số hiệu 3260 được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 5/2023. Thân tàu thứ hai, mang số hiệu 3261, được ghi nhận lần đầu tiên cách đây vài ngày.

Trước đây, Trung Quốc đã mua 2 chiến hạm Zubr (LCAC) trực tiếp từ Ukraine. Cả hai tàu đổ bộ, mang số hiệu 3325 và 3326 được bàn giao vào năm 2014. Sau đó, Trung Quốc đã nỗ lực đóng thêm 2 chiếc nữa (được đặt tên Type 728), mang số hiệu 3327 và 3328, đã được chuyển giao cho PLAN năm 2018. Sau đó hoạt động đóng tàu đã dừng lại, có thể do thiếu động cơ và những khó khăn trong sản xuất, những yếu tố chính trị phát sinh từ xung đột ở Ukraine, cũng như hiệu quả sử dụng trong chiến thuật của Hải quân Trung Quốc.

tàu đổ bộ đệm khí Trung Quốc 01.jpg
tàu đổ bộ đệm khí Trung Quốc 02.jpg
tàu đổ bộ đệm khí Trung Quốc 03.jpg
Tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr của Trung Quốc, được chế tạo vào năm 2017. Ảnh East Pendulum /@HenriKenhmann.

Zubr LCAC mới có những khác biệt nhỏ so với 4 tàu đổ bộ được đưa vào sử dụng. Những khác biệt chủ yếu liên quan đến bố trí trang thiết bị như radar điều khiển hỏa lực ở vị trí trước đây là hệ thống kính ngắm quang điện tử (tháp E/O). Cột tháp radar điều hướng và thiết bị liên lạc cũng được thiết kế lại, hiện có cấu trúc chữ thập thay cho phương thức bố trí đơn giản trước đây trên 4 tàu đổ bộ đầu tiên. Ngoài ra, một khác biệt khác là các xuồng cứu sinh được lắp đặt dọc theo cấu trúc thượng tầng. Tất cả những khác biệt này cho thấy, đây là những thân tàu mới được đóng và không phải là các tàu đổ bộ hiện có được đánh số lại.

Tổng số lượng Zubr LCAC được biên chế trong lực lượng Hải quân PLAN không được xác định, do đó chưa đủ độ tin cậy để khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục sản xuất tàu đổ bộ có thiết kế vượt thời gian này với quy mô lớn.

Zubr hiện đang là tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới, có thể thực hiện những tính năng kỹ chiến thuật độc đáo trong chiến đấu đổ bộ đường biển. Tàu đổ bộ đệm khí có trọng lượng choán nước 555 tấn khi đầy tải, có thể vận chuyển 3 xe tăng chủ lực (mỗi xe nặng đến 50 tấn) hoặc 8 đến 10 xe thiết giáp trên khoảng cách hơn 500 km, cơ động với tốc độ hơn 50 hải lý/giờ.

Kết hợp với chương trình đóng thêm một tàu đổ bộ trực thăng tấn công Type 075, sự xuất hiện của các tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng lớp Zubr cho thấy, Trung Quốc đang tăng cường khả năng đổ bộ tấn công đường biển của hải quân, đáp ứng những mục tiêu chiến lược trên biển, trong đó có chiến lược răn đe và kiềm chế Đài Loan.

Theo Naval News