Trung Quốc thiếu hụt nhân tài công nghệ, nghiên cứu cơ bản chất lượng cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo một nhà kinh tế Trung Quốc, quốc gia này đang phải đối mặt với một thách thức khó khăn trong việc củng cố đội ngũ nhân tài vì Trung Quốc vẫn tụt hậu so với Mỹ về công nghệ cốt lõi và nghiên cứu cơ bản.
Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đào tạo được hơn 77.000 tiến sĩ STEM mỗi năm vào năm 2025, so với khoảng 40.000 ở Mỹ. Ảnh: Tân Hoa Xã
Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đào tạo được hơn 77.000 tiến sĩ STEM mỗi năm vào năm 2025, so với khoảng 40.000 ở Mỹ. Ảnh: Tân Hoa Xã

Vương Hồng (Wang Hong), chủ tịch và là GS quản lý tại Trường Kinh doanh Quốc tế Châu Âu Trung Quốc tại Thượng Hải cho biết: “Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) vì dân số đông. Đến năm 2025, nguồn nhân tài Trung Quốc dự kiến ​​sẽ gấp đôi Mỹ. Nhưng chúng ta nên nhìn nhận vấn đề “nhân tài thì nhiều mà lực không đủ” vẫn đang tồn tại trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và công nghệ then chốt.”

Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đào tạo được hơn 77.000 tiến sĩ STEM mỗi năm vào năm 2025, so với khoảng 40.000 ở Mỹ, theo báo cáo của Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Đại học Georgetown.

GS Vương lưu ý, mặc dù có nguồn tài năng lớn, vẫn còn khoảng cách đáng kể giữa Trung Quốc và Mỹ về Trí tuệ Nhân tạo (AI) và tài năng ngành vật liệu mới, cũng như khả năng chuyển đổi từ nghiên cứu cơ bản thành năng suất trực tiếp và sản xuất cao cấp.

GS Vương, đang thực hiện chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ về kinh tế ứng dụng tại Đại học Phúc Đán cho rằng, Trung Quốc thiếu nhân tài từ trung cấp đến cao cấp về AI, chỉ tương đương với 20% của Mỹ.

Theo một báo cáo thống kê, được công bố vào đầu năm 2022 của Viện Khoa học, Công nghệ và Chính sách Giáo dục của Trung Quốc tại Đại học Chiết Giang, Trung Quốc đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nhân tài về Trí tuệ Nhân tạo với hơn 5 triệu người, con số này ước tính sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025. Ngoài ra, có thể thấy được, nhân tài trong hàng loạt ngành cụ thể, tài năng sáng tạo, nhân tài trình độ cao, tích hợp và công nghiệp rất hạn chế ở Trung Quốc, GS Vương nhận xét.

Từ năm 2012 đến năm 2022, thứ hạng của Trung Quốc trên Chỉ số Đổi mới Toàn cầu tăng mạnh từ 34 lên 11. Trung Quốc cũng đứng đầu nhóm các quốc gia thu nhập trung bình cao, nhưng Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với nhiều “vấn đề tắc nghẽn” trong tiến trình đạt được sự đổi mới chất lượng cao. Ông Vương nói thêm.

GS Vương Hồng nhấn mạnh, Trung Quốc đã trở thành nước tiêu thụ robot công nghiệp lớn nhất thế giới trong 8 năm liên tiếp, nhưng công nghệ cốt lõi được ngành công nghiệp robot Trung Quốc sử dụng vẫn do các cường quốc công nghệ như Nhật Bản và Đức sản xuất.

Trung Quốc cũng phải đối mặt với thách thức thu hút và giữ chân nhân tài, theo một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, có trụ sở tại Washington cho thấy, khoảng 10% các nhà khoa học quốc tế được khảo sát sẵn sàng chuyển đến Trung Quốc so với gần 60% ở Mỹ. Ông Vương nói.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chỉ rõ tầm quan trọng của công nghệ, tài năng và đổi mới cho sự phát triển của quốc gia. Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục nâng cao tự lực và sức mạnh của đất nước trong khoa học và công nghệ, trên cơ sở phát triển tài năng để trở thành quốc gia hàng đầu công nghệ và thúc đẩy sự phát triển khoa học.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, tổng đầu tư của quốc gia này vào nghiên cứu và phát triển đạt 2,8 nghìn tỉ nhân dân tệ (401 tỉ USD) năm 2021, tăng 14,6% so với năm 2020, đứng thứ hai trên thế giới.

Trong một diễn đàn do cổng thông tin điện tử Sina tổ chức ngày 15/12. GS Vương Hồng phát biểu: “Để tạo ra những bước đột phá, cần phải tăng tốc xây dựng sức mạnh nhân tài chiến lược của đất nước. Chúng ta phải tăng cường trao đổi quốc tế về tài năng toàn cầu và làm mọi thứ có thể để thu hút các nhà khoa học hàng đầu và nhân tài với nhiều kỹ năng khác nhau.”

Theo South China Morning Post