Trung Quốc sẽ có 10 tàu sân bay khi tròn 100 năm thành lập nước?

VietTimes -- Kế hoạch phát triển tàu sân bay thực sự của Trung Quốc chính là kế hoạch "4 bước đi", mục tiêu là sở hữu 10 tàu sân bay khi kỷ niệm tròn 100 năm thành lập nước (năm 2049), tương đương với Mỹ.
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina

Trang tin Sina Trung Quốc ngày 13/3 cho biết từ khi bước vào năm 2017 đến nay, nhiều tướng lĩnh quân đội Trung Quốc tiết lộ, việc biên đội tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh Trung Quốc tiến hành thuận lợi hoạt động ngoài chuỗi đảo thứ nhất, hoàn thành huấn luyện và thử nghiệm trên các vùng biển xung quanh đánh dấu biên đội này đã cơ bản có sức chiến đấu.
Trong khi đó, tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A của Trung Quốc đã đến thời điểm hoàn thành, sẽ hạ thủy trong năm nay. Chiếc thứ hai Type 002 cũng đã bắt đầu chế tạo từ năm 2015. Như vậy, Trung Quốc đang dốc toàn lực để xây dựng lực lượng chiến đấu tàu sân bay nội thực sự.
Trước đây, chuyên gia quân sự Hồng Kông Lương Quốc Lương cho rằng Trung Quốc có kế hoạch hoàn thành chế tạo 10 tàu sân bay khi tròn 100 năm thành lập nước, tức là vào năm 2049. Mục tiêu đợt đầu là 6 chiếc.
Trung Quốc xây dựng phương án phát triển tàu sân bay từ tháng 8/2004, gọi là "Công trình 048", xác định rõ chiến lược 3 bước đi: Bước thứ nhất, bỏ ra thời gian 10 năm chế tạo 2 tàu sân bay hạng trung. Bước thứ hai, tiếp tục bỏ ra 10 năm nữa để chế tạo 2 tàu sân bay cỡ lớn. Bước thứ ba, xem xét tình hình, phát triển tàu sân bay động cơ hạt nhân cỡ lớn.
Nhìn vào tình hình phát triển tàu sân bay vừa qua của Trung Quốc sẽ phát hiện kế hoạch tàu sân bay của Trung Quốc có thể không giống như kế hoạch "3 bước đi" như chuyên gia Hồng Kông dự đoán, bởi vì đã có thêm một chiếc tàu sân bay Type 001A.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina

Vì vậy, kế hoạch phát triển tàu sân bay thực sự của Trung Quốc chính là kế hoạch "4 bước đi", mục tiêu là sở hữu 10 tàu sân bay khi kỷ niệm tròn 100 năm thành lập nước, tương đương với Mỹ.
Công trình 048 về tàu sân bay của Trung Quốc bao gồm chế tạo tàu sân bay, nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu trang bị cho tàu sân bay, hệ thống huấn luyện trên đất liền, xây dựng căn cứ tàu sân bay.
Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là Type 001, được cải tạo từ tàu Varyag; chiếc tự chế hoàn toàn đầu tiên phiên bản cất cánh kiểu nhảy cầu là Type 001A. Trung Quốc sẽ tự thiết kế, chế tạo 2 tàu sân bay Type 002 phiên bản phóng hơi nước; 2 tàu sân bay phiên bản động cơ hạt nhân và phóng điện từ Type 003.
Toàn bộ công trình này sẽ có quy mô ban đầu vào năm 2030, khi đó Hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu 5 tàu sân bay. Đến năm 2049, sở hữu thêm 5 tàu sân bay động cơ hạt nhân.
Bước thứ nhất là tận dụng tàu sân bay Varyag mua của Ukraine, tiến hành cải tạo quy mô lớn, khôi phục hệ thống động cơ, lắp thêm vũ khí trang bị nội và thiết bị bay, trang bị máy bay chiến đấu tự chế, tiến hành tìm hiểu, đo vẽ, sao chép toàn bộ tàu sân bay.
Tàu này là Type 001, đặt tên là Liêu Ninh, năm 2005 bắt đầu cải tạo, tháng 9/2012 đi vào hoạt động, năm 2017 chính thức hình thành sức chiến đấu.
Bước thứ hai, trên cơ sở "sao chép" tàu Liêu Ninh, tự thiết kế, chế tạo tàu sân bay nội đầu tiên Type 001A. Đây là phiên bản cải tiến của Liêu Ninh, lượng giãn nước không thay đổi, kết cấu trên tàu, vũ khí trang bị và các loại phương tiện được bố trí hợp lý hơn.
Tàu Type 001A vẫn sử dụng 4 hệ thống động cơ hơi nước Type 453 nội địa, sử dụng đường băng kiểu nhảy cầu, vẫn dùng máy bay chiến đấu J-15, sức chiến đấu tương tương tàu Liêu Ninh.
Tàu sân bay Type 001A bắt đầu chế tạo từ cuối năm 2013, dự tính hạ thủy vào đầu năm 2017, trải qua 3 năm lắp ráp và thử nghiệm, năm 2020 sẽ bàn giao cho hải quân và đi vào hoạt động.

Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay Type 001A. Ảnh: Sina
Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay Type 001A. Ảnh: Sina

Tàu sân bay Type 001A thuộc dạng "sinh đẻ ngoài kế hoạch". Năm 2008, cấp cao Hải quân Trung Quốc đề xuất chế tạo thêm phiên bản cải tiến của tàu Varyag trước khi chế tạo được tàu sân bay nội sử dụng động cơ thông thường và máy phóng. Chính vì vậy mà tàu Type 001A ra đời.
Trước năm 2020, hải quân Trung Quốc cơ bản có thể xác định sẽ sở hữu 2 cụm tàu sân bay có sức chiến đấu toàn diện, có thể bảo đảm ít nhất 1 cụm chiến đấu tàu sân bay duy trì trạng thái trực ban chiến đấu khi có tình hình nguy cấp.
Thực hiện công trình tàu sân bay Type 001A có nghĩa là đã tiết kiệm thời gian 5 năm cho hải quân Trung Quốc, giúp cho kế hoạch 2 tàu sân bay của hải quân Trung Quốc được thực hiện trước 5 năm.
Bước thứ ba là tự nghiên cứu chế tạo tàu sân bay động cơ thông thường sử dụng máy phóng Type 002, số lượng là 2 chiếc. Chiếc đầu tiên bắt đầu chế tạo ở nhà máy đóng tàu Giang Nam vào tháng 3/2015.
Tàu sân bay Type 002 là tàu sân bay nội thứ hai do Trung Quốc thiết kế, chế tạo. Tính năng tổng thể của loại tàu này tương đương với tàu sân bay lớp Kitty Hawk Mỹ.
Tàu sân bay Type 002 sẽ sử dụng máy phóng hơi nước, chưa trang bị máy phóng điện từ. Do giai đoạn thiết kế của tàu sân bay Type 002 và thời gian nghiên cứu chế tạo chương trình máy phóng điện từ cơ bản thống nhất, mức độ hoàn thiện các hệ thống con của các vũ khí trang bị quan trọng như tàu sân bay chắc chắn sớm hơn nhiều so với thời gian bắt đầu thiết kế tổng thể.
Vì vậy, lúc đầu thiết kế, tàu sân bay Type 002 tất yếu lựa chọn máy phóng hơi nước. Khi khởi công chế tạo vào năm 2015, máy phóng điện từ vừa đạt được thành công. Nếu Type 002 áp dụng máy phóng điện từ thì có nghĩa là thiết kế tổng thể của chiếc tàu này phải bắt đầu từ đầu. Điều này rõ ràng không thực tế.

Tàu sân bay Liêu Ninh phóng tên lửa phòng thủ tầm gần. Ảnh: Cankao
Tàu sân bay Liêu Ninh phóng tên lửa phòng thủ tầm gần. Ảnh: Cankao/81.cn

Cấu tạo của tàu sân bay cực kỳ phức tạp, chỉ tiến hành hạ thủy thì còn lâu mới đủ, phần lớn lượng công việc chế tạo tàu sân bay mới là lắp ráp thiết bị sau khi hạ thủy.
Tàu sân bay mới cần tiến hành lắp ráp thiết bị khoảng 2 năm, qua đó điều chỉnh công năng, đồng thời phải tiến hành chạy thử trên biển khoảng 1 năm, sau đó mới có thể bàn giao cho hải quân chính thức sử dụng.
Nếu tàu sân bay Type 002 hạ thủy vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019 thì đến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 mới có thể nhìn thấy tàu sân bay tự chế thứ hai của Trung Quốc chính thức bàn giao cho hải quân nước này.
Vài tháng trước, chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác cho rằng tàu sân bay tự chế thứ hai Trung Quốc chưa chắc chế tạo ở nhà máy đóng tàu Đại Liên. Nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải cũng có khả năng chế tạo tàu sân bay. Trung Quốc hoàn toàn có khả năng đồng thời chế tạo tàu sân bay ở hai nhà máy đóng tàu.
Hiện nay, khả năng đóng tàu của Trung Quốc đã tăng mạnh, có tới 4 cơ sở đóng tàu lớn, trong đó có 3 cơ sở ở duyên hải: Thượng Hải, Đại Liên, Quảng Châu; 1 cơ sở ở trong đất liền: Vũ Xương.
Trung Quốc có hơn 100 nhà máy đóng tàu như Đại Liên, Giang Nam (Thượng Hải), Hỗ Đông và Trung Hoa, Hoàng Phố (Quảng Châu), Vũ Xương (Vũ Hán), Hồ Lô Đảo (Liêu Ninh), trong đó có hơn 40 nhà máy có thể chế tạo tàu 50.000 tấn trở lên.
Trung Quốc có khả năng đồng thời khởi công chế tạo 2 tàu sân bay, 2 tàu tấn công đổ bộ, 8 tàu khu trục lớn ở Đại Liên và Thượng Hải. Vì vậy, lấy khả năng đóng tàu để tính toán, Trung Quốc có đầy đủ điều kiện cơ bản để chế tạo tàu sân bay.
Bước thứ tư là chế tạo tàu sân bay Type 003. Hiện nay đúng vào giai đoạn thiết kế, nghiên cứu chế tạo. Tàu sân bay này sẽ lấy tàu sân bay động cơ hạt nhân hiện có của Mỹ làm mục tiêu, lắp động cơ hạt nhân và hệ thống đẩy điện hoàn toàn, lắp máy phóng điện từ và trang bị máy bay chiến đấu tiên tiến thế hệ thứ tư, sức chiến đấu tổng thể đạt trình độ tiên tiến nhất thế giới.
Ngày 25/1/2017, kênh truyền hình CCTV10 Trung Quốc đã phát sóng chương trình về khoa học công nghệ năm 2016, chuyên gia công trình điện hải quân, viện sĩ Mã Vĩ Minh tiết lộ, tình hình tiến triển mới nhất của công nghệ phóng điện từ, cho hay công nghệ này sẽ thay thế công nghệ hóa năng trong 10 năm. Thông tin này càng khẳng định tàu sân bay Type 003 Trung Quốc sẽ lắp máy phóng điện từ.
Nếu tàu sân bay động cơ hạt nhân Type 003 khởi công chế tạo vào năm 2020, dự tính sẽ bàn giao cho hải quân Trung Quốc trước sau năm 2027, trùng hợp với tiết lộ của ông Mã Vĩ Minh.

Máy bay chiến đấu J-15 cất cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Cankao
Máy bay chiến đấu J-15 cất cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Cankao

Sau khi biên chế tàu sân bay động cơ hạt nhân Type 003, trải qua 3 năm huấn luyện sẽ hình thành sức chiến đấu vào năm 2030. Khi đó, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ hai sử dụng tàu sân bay lắp động cơ hạt nhân và máy phóng điện từ, khả năng tác chiến toàn cầu của hải quân Trung Quốc sẽ có bước nhảy mang tính lịch sử.
Sina cho rằng Trung Quốc có đủ khả năng kinh tế để chế tạo nhiều tàu sân bay như đã nói ở trên. Nhìn vào xu thế phát triển hiện nay của Trung Quốc, đến khi tròn 100 năm thành lập nước, Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ cớ lợi ích chính trị, kinh tế rộng lớn. Điều này đòi hỏi Trung Quốc phải có lực lượng lục, hải, không quân có khả năng tác chiến toàn cầu để bảo vệ.
Ở Trung Quốc có câu "10 năm lục quân, 100 năm hải quân", nghĩa là việc xây dựng hải quân đòi hỏi cần có thời gian và rất tốn kém. Muốn làm siêu cường thế giới và có hải quân đủ khả năng để bảo vệ vị thế đó thì Trung Quốc phải chi tiền - Sina kết luận.