Hãng AFP Pháp ngày 1/8 cho hay Trung Quốc đã chính thức bắt đầu sử dụng căn cứ hải quân ở nước ngoài đầu tiên, căn cứ này ở Djibouti. Việc này diễn ra đúng vào thời điểm tròn 90 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc.
Ngày 11/7, Trung Quốc điều tốp binh sĩ đầu tiên đến căn cứ này. Trung Quốc luôn gọi căn cứ có tính chất “phòng ngự”, cho rằng nó sẽ hỗ trợ cho hoạt động hộ tống trên biển, giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc, chống cướp biển và hành động bảo hộ người Hoa.
Từ lâu, hải quân Trung Quốc đã tích cực tham gia hoạt động chống cướp biển ở vịnh Aden và hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở khu vực châu Phi.
Trung Quốc xây dựng căn cứ này tại Sừng châu Phi bắt đầu từ tháng 2/2016. Căn cứ này cách căn cứ Lemonnier - căn cứ duy nhất của Mỹ ở châu Phi chỉ có vài dặm Anh.
Cùng với việc Trung Quốc tìm cách có được tài nguyên thiên nhiên và mở rộng thị trường mới, Bắc Kinh đã tiến hành đầu tư hạ tầng cơ sở rộng lớn ở toàn bộ châu Phi.
Các ngân hàng của Trung Quốc trở thành nhà cung cấp vốn chính của ít nhất 14 công trình loại này cho Djibouti, tổng trị giá những công trình này là 14,4 tỷ USD, bao gồm một tuyến đường sắt rút ngắn một nửa thời gian đi lại giữa Djibouti với thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.
Djibouti chỉ có khoảng 800.000 dân. Ở nước này còn có các căn cứ quân sự của Pháp và Nhật Bản.
Trung Quốc bắt đầu xây dựng căn cứ hậu cần ở Djibouti vào năm 2016. Căn cứ này sẽ chủ yếu dùng để bảo đảm tiếp tế cho các nhiệm vụ của quân đội Trung Quốc như hộ tống, gìn giữ hòa bình, cứu trợ nhân đạo ở vịnh Aden và vùng biển Somalia.
Đây là căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc chính thức gọi nó là căn cứ bảo đảm hậu cần.
Đài phát thanh Trung Quốc cho biết trong ngày 1/8, ngày thành lập quân đội Trung Quốc năm nay, Trung Quốc đã làm lễ kéo cờ và chính thức sử dụng căn cứ này. Tham dự buổi lễ có hơn 300 người, bao gồm Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Điền Trung và Bộ trưởng Quốc phòng Djibouti.
Diện tích của Djibouti tương đương với xứ Wales, nằm ở cảng biển phía nam của Biển Đỏ, trên đường đến kênh đào Suez. Quốc gia nhỏ bé này nằm kẹp giữa Ethiopia, Eritrea và Somalia.