Mỹ tăng cường chống khủng bố và cướp biển tại châu Phi

VietTimes -- Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuyên bố: "Mỹ coi trọng vị trí địa lý đặc biệt quan trọng của Djibouti, một "nút giao" quan trọng, hỗ trợ rất lớn cho các hành động và diễn tập của quân đội Mỹ ở châu Phi". Bộ Chỉ huy các lực lượng Mỹ tại châu Phi đã được trao nhiều quyền hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Djibouti Ali Hasan Bahdon ở sân bay Djibouti-Ambouli ngày 23/4/2017. Ảnh: VOA
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Djibouti Ali Hasan Bahdon ở sân bay Djibouti-Ambouli ngày 23/4/2017. Ảnh: VOA

Tân Hoa xã (Trung Quốc) ngày 24/4 cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 23/4 đã đến Djibouti, một quốc gia châu Phi, viếng thăm căn cứ quân sự vĩnh cửu - Trại Lemonnier do quân đội Mỹ thiết lập ở châu Phi.
Theo hãng AP Mỹ, Djibouti nằm ở vị trí chiến lược, nút giao giữa Biển Đỏ và vịnh Aden, thúc đẩy ông James Mattis đáp máy bay trong thời gian 4 giờ, tranh thủ thời gian đến thăm ngay sau khi đến Trung Đông.
Ông James Mattis tận dụng thời gian đầu trên cương vị mới để khôi phục hoặc tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác quốc phòng quan trọng của Mỹ, trong đó có Djibouti. Bởi vì, vị trí địa lý đặc biệt của quốc gia này làm cho nó trở thành điểm kết nối chiến lược của mạng lưới căn cứ quân sự quân đội Mỹ ở nước ngoài.
Hành động chống khủng bố
Theo VOA Mỹ, ngày 23/4 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã thăm hỏi quân nhân Mỹ và Pháp tại Trại Lemonnier, đồng thời tiến hành hội kiến và hội đàm với Tổng thống Ismail Omar Guelleh và Bộ trưởng Quốc phòng Ali Hassan Bahdon của Djibouti.
Quan chức Mỹ cho biết ông James Mattis coi Djibouti là "nút giao địa lý quan trọng". Căn cứ quân Mỹ ở Djibouti rất quan trọng đối với các cuộc diễn tập và hành động quân sự của quân đội Mỹ ở đại lục châu Phi.
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ cũng sử dụng căn này để triển khai các hành động chống khủng bố tấn công tổ chức cực đoan Al-Shabaab (còn gọi là Đảng Thanh niên) Somalia.
Trước khi ông James Mattis thăm Djibouti không lâu, kiến nghị giao nhiều quyền lực hơn cho người phụ trách Bộ chỉ huy các lực lượng Mỹ tại châu Phi đã nhận được phê chuẩn của Nhà Trắng.
Trước đó, quân đội Mỹ chỉ có thể thông qua các hành động "tự vệ" để tấn công tổ chức Al-Shabaab ở Somalia. Trong khi đó, sau khi nhận được quyền này, quân đội Mỹ có thể trực tiếp tiến hành không kích đối với tổ chức cực đoan này.
Tuy nhiên, ngày 23/4, khi tham gia cuộc họp báo chung với ông James Mattis, Tư lệnh Bộ chỉ huy các lực lượng Mỹ tại châu Phi, Tướng Thomas D. Waldhauser cho biết, đến nay ông vẫn chưa thực hiện quyền lực mới. Đối với việc tiến hành không kích, quân đội Mỹ duy trì "rào cản cao".
Theo Tướng Thomas D. Waldhauser, xét tới đặc điểm nhân viên Somalia có tính lưu động lớn, quân đội Mỹ cần tìm hiểu sâu hơn về chiến trường.
Ngoài ra, theo hãng tin AFP Pháp, ngày 23/4 là ngày bỏ phiếu bầu Tổng thống Pháp. Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết hy vọng sau khi bầu chọn ra được Tổng thống mới, Pháp sẽ tiếp tục triển khai hành động chống khủng bố ở châu Phi.
Hiện nay, Mỹ ủng hộ Pháp triển khai hành động quân sự tấn công chủ nghĩa khủng bố ở Tây Phi. Mỹ hỗ trợ tiếp dầu cho máy bay quân sự Pháp, hai bên còn trao đổi tin tức tình báo quân sự.

Ngày 23/4/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Trại Lemonnier, Djibouti. Ảnh: Tân Hoa xã
Ngày 23/4/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Trại Lemonnier, Djibouti. Ảnh: Tân Hoa xã

Đề phòng cướp biển
Ngoài tấn công chủ nghĩa khủng bố, một vấn đề chủ yếu khác của chuyến thăm lần này của ông James Mattis là vấn đề cướp biển. Tuy nhiên, Mỹ hầu như tạm thời chưa có ý định điều quân đến tấn công cướp biển.
Tại cuộc họp báo, tướng Thomas D. Waldhauser cho biết Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các vụ cướp biển liên tiếp xảy ra gần đây ở khu vực này.
Ông cho biết, trong vài tuần qua đã xảy ra 6 vụ cướp biển bất ngờ tấn công tàu thương mại qua lại, mặc dù chưa thể xác nhận đây đã là xu thế, nhưng Mỹ sẽ nỗ lực bảo đảm an toàn cho các tàu thương mại qua lại.
Tướng James Mattis cho biết,  mặc dù cướp biển ngóc đầu dậy, dự tính Mỹ cũng sẽ không tiến hành can thiệp quân sự mạnh mẽ.
Sĩ quan chỉ huy Richard Rodriguez của một Tiểu ban quân sự đặc biệt quân Mỹ tại căn cứ quân sự ở Djibouti cho biết, hoạt động cướp biển trong vài tuần qua "thực sự tăng mạnh", nhưng nhiệm vụ chính của Tiểu ban quân sự vẫn là chống khủng bố và hỗ trợ cho các nước trong khu vực như Somalia phát triển lực lượng quân sự của họ.
Trong giai đoạn 2010 - 2012, hoạt động cướp biển lan tràn ở vịnh Aden từng thúc đẩy hải quân các nước như Mỹ tiến hành hộ tống cho các tàu thương mại qua lại.