Thứ nhất, Djibouti nằm ở cực tây Ấn Độ Dương, nhưng có lợi thế chiến lược quân sự làm cầu nối giữa vùng Trung Đông với châu Phi. Với việc cho phép Trung Quốc mở căn cứ quân sự tại đây, Djibouti có khả năng trở thành một viên ngọc khác của “chuỗi trân châu” trong số các liên minh quân sự của Bắc Kinh.
Giới quân sự Ấn Độ lấy làm lo ngại vì chuỗi ngọc này có khả năng bao vây Ấn Độ. Ở một mức độ nào đó, có thể thấy “Chính sách Hướng Đông” của New Dehli được xem như là hành động đáp trả “chuỗi trân châu” Trung Quốc.
Thứ hai, Trung Quốc những năm gần đây đã gia tăng các hoạt động quân sự tại Ấn Độ Dương, khu vực mà New Dehli xem là vùng ảnh hưởng của mình. Trong vòng hai tháng gần đây, Ấn Độ ghi nhận khoảng hơn một chục tầu chiến Trung Quốc, kể cả tầu ngầm, khu trục hạm và các tầu dọ thám đến hoạt động trên vùng Ấn Độ Dương, buộc New Dehli phải tăng cường việc giám sát vùng biển chiến lược này.
Thứ ba, vì Ấn Độ Dương là nơi trung chuyển đến 80% lượng dầu thế giới và 1/3 lượng hàng hóa toàn cầu, Trung Quốc lý giải cần phải bảo đảm an ninh cho nguồn cung ứng năng lượng và vận chuyển hàng hóa dọc theo trục giao thông hàng hải quan trọng này.
Nhưng Ấn Độ Dương những năm gần đây còn là một sân chơi lớn giữa các cường quốc hòng tìm kiếm một vai trò lớn hơn trên chính trường quốc tế. Trong chiều hướng đó, để cạnh tranh với Ấn Độ, Trung Quốc cũng tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng ở các quốc gia trong vùng Ấn Độ Dương, qua việc đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, xây dựng cầu cảng, đường bộ và đường sắt.
Thứ tư, Trung Quốc tuyên bố căn cứ tại Djibouti chỉ là một “cơ sở hậu cần” và Bắc Kinh không có tham vọng bành trướng hay tham gia vào bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang nào. Tuy nhiên, tờ báo dân tộc chủ nghĩa Global Times của Trung Quốc không ngần ngại khẳng định rằng chẳng có gì là sai trái nếu như đấy quả thực là một căn cứ quân sự. “Đương nhiên, đây là căn cứ quân sự đầu tiên của quân giải phóng nhân dân ở hải ngoại và chúng ta sẽ đóng quân ở đó”, tờ báo viết.
Cuối cùng, việc bố trí một căn cứ quân sự ở Djibouti một lần nữa khẳng định các nỗ lực của Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương. Khu vực này nằm trong sáng kiến “Vành đai, con đường - OBOR” đầy tham vọng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm xây dựng một con đường tơ lụa mới.
Đây là dự án mà Ấn Độ không phải là một tác nhân chính, trong khi đối thủ của Ấn Độ là Pakistan, vốn dĩ có tranh chấp lãnh thổ với nước này tại vùng Kashmir, lại nằm trong dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan, một phần của OBOR. Một dự án đầy tham vọng mà New Dehli cho rằng thách thức vấn đề chủ quyền của Ấn Độ.