Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho hay tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc rời cảng từ ngày 25/6. Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tàu Liêu Ninh và các tàu hộ tống cùng ngày đã rời cảng chính Thanh Đảo, ra khơi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên các vùng biển.
Trước đó có nguồn tin từ Hong Kong cho biết tàu sân bay Liêu Ninh sẽ đến thăm Hong Kong để chào mừng tròn 20 năm Hong Kong về với Trung Quốc. Trong khi đó, tàu sân bay trực thăng Izumo Nhật Bản hiện cũng đang hiện diện ở Biển Đông. Việc "không hẹn mà gặp" của hai tàu sân bay này đã đụng chạm đến dây thần kinh nhạy cảm của Nhật Bản.
Động thái mới của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh
Trong đợt triển khai lần này, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh Hải quân Trung Quốc gồm có tàu sân bay Liêu Ninh, các tàu khu trục tên lửa Tế Nam và Ngân Xuyên, tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài cùng nhiều máy bay chiến đấu J-15 và máy bay trực thăng.
Biên đội này sẽ áp dụng phương thức liên tục thay đổi vùng biển, đến các vùng biển liên quan để triển khai đội hình biên đội, huấn luyện máy bay chiến đấu và các chiến thuật, tăng cường hiệp đồng giữa các tàu trong biên đội, huấn luyện phi công máy bay chiến đấu và thủy thủ.
Nhìn vào đội hình hạm đội, tàu khu trục Ngân Xuyên đến từ Hạm đội Nam Hải là tàu khu trục phòng không Type 052D tiên tiến nhất của hải quân Trung Quốc hiện nay, tàu Tế Nam của Hạm đội Đông Hải là tàu khu trục tên lửa Type 052C, tàu Yên Đài là tàu hộ vệ Type 054A của Hạm đội Bắc Hải.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng thông qua điều động các tàu chiến từ các hạm đội khác nhau để hình thành biên đội hộ tống tàu sân bay có thể sẽ kiểm nghiệm tốt hơn tình hình sẵn sàng chiến đấu của các tàu và khả năng thích ứng với các vùng biển và nhiệm vụ khác nhau.
Huấn luyện cơ động liên tục trên các vùng biển khác nhau là một con đường quan trọng để nâng cao trình độ sức chiến đấu của biên đội tàu sân bay. Trước đó, biên đội tàu sân bay hải quân Trung Quốc đã nhiều lần tổ chức huấn luyện tương tự, kiểm nghiệm được phương pháp huấn luyện và phương pháp tác chiến.
Đối với hoạt động huấn luyện lần này của tàu sân bay Liêu Ninh, phía Đài Loan đặc biệt chú ý, cảnh giác. Theo hãng tin CNA Đài Loan ngày 25/6, có tờ báo Đài Loan phỏng đoán biên đội tàu sân bay Liêu Ninhh sẽ đi qua eo biển Đài Loan hoặc vùng biển phía đông Đài Loan để xuống phía nam.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đài Loan Trần Trung Cát cho biết Bộ Quốc phòng Đài Loan tiếp tục nắm chắc mọi động thái của quân đội Trung Quốc ở khu vực xung quanh, đồng thời làm tốt các hành động ứng phó theo quy định.
Tờ Chinatimes Đài Loan cho hay các hình ảnh công bố cách đây không lâu cho thấy có 13 máy bay chiến đấu J-15 đồng thời xuất hiện trên đường băng tàu sân bay Liêu Ninh. Điều này cho thấy quân đội Trung Quốc đã biết được quy trình làm việc đồng bộ về kiểm tra và tiếp tế trên đường băng tàu sân bay.
Chuyên gia cho rằng đây là chỉ tiêu quan trọng cho thấy máy bay trên tàu sân bay Liêu Ninh có khả năng tác chiến tổng hợp.
Sẽ bị tàu Izumo Nhật Bản tiêu diệt nhanh gọn?
Trước đó, báo chí Hong Kong từng phỏng đoán, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ thăm Hong Kong vào ngày 1/7/2017 để chúc mừng tròn 20 năm Hồng Kông về với Trung Quốc. Trong khi đó, hiện nay, tàu chiến lớn nhất Nhật Bản là tàu sân bay trực thăng Izumo cũng đang tuần tra Biển Đông.
Tờ Chinatimes Đài Loan dẫn lời chuyên gia Nhật Bản cho rằng tàu sân bay trực thăng Izumo có thể bắn chìm tàu sân bay Liêu Ninh chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ.
Chuyên gia Nhật Bản cho rằng 2 tàu sân bay trực thăng Izumo và Kaga sau khi cải tạo có thể chở được khoảng 16 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, loại máy bay có thể cất hạ cánh thẳng đứng, do Mỹ chế tạo.
Loại máy bay này có thể sử dụng công nghệ tàng hình ưu việt, có thể tránh được hoạt động dò tìm của radar Hải quân Trung Quốc, cộng với khả năng tấn công đối hải, đối hạm mạnh của nó, chỉ trong vòng nửa giờ là có thể bắn chìm tàu sân bay Liêu Ninh.
Theo cách nói của phía Nhật Bản, bán kính tác chiến lý thuyết của F-35B là trên 800 km, hoàn toàn không thua kém máy bay chiến đấu thông thường. Ngoài ra, F-35B có tính năng tiên tiến hơn máy bay chiến đấu J-15 trang bị trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Như vậy tàu sân bay lớp Izumo Nhật Bản sẽ trở thành tàu sân bay hạng nhẹ có trọng tải nhỏ, nhưng có thể cất hạ cánh máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ tư, khả năng tác chiến có thể vượt tàu sân bay hạng trung trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba.
Nhật Bản chỉ tuyên truyền?
Đối với vấn đề nêu trên, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng chuyên gia Nhật Bản hay thổi phồng khả năng tác chiến và ưu thế về sức mạnh quân sự của Nhật Bản, tìm cách răn đe Trung Quốc.
Trước hết, Nhật Bản hiện căn bản không có kế hoạch nhập khẩu máy bay chiến đấu F-35B, chỉ bỏ ra 22 tỷ USD mua sắm 42 máy bay chiến đấu kiểu hạ cánh thông thường F-35A. Chỉ hợp đồng này đã làm cho Nhật Bản gặp khó khăn về tài chính.
Nếu muốn trang bị đầy đủ máy bay chiến đấu F-35B cho 2 tàu sân bay lớp Izumo thì số tiền phải chi ra của Nhật Bản sẽ phải tăng lên gấp đôi.
Khi hạ cánh thẳng đứng, máy bay chiến đấu F-35B sẽ phun ra luồng khí nóng cao, 2 tàu sân bay lớp Izumo phải lắp lại đường băng chịu nhiệt cao, cộng với đường trượt ở mũi tàu, lượng công việc cải tạo hoàn toàn không nhỏ.
Thứ hai, mặc dù F-35 là máy bay chiến đấu tàng hình, nhưng điều này chỉ xảy ra khi toàn bộ tên lửa mang theo của nó được đặt ở trong khoang đạn. Trong khi đó, thể tích của tên lửa chống hạm tương đối lớn, khoang đạn bên trong không thể lắp đặt, chỉ có thể áp dụng phương thức treo bên ngoài - như vậy sẽ phá hoại hiệu quả tàng hình tổng thể của máy bay chiến đấu.
Quân đội Mỹ cân nhắc trang bị tên lửa chống hạm NSM do Na Uy nghiên cứu chế tạo cho máy bay chiến đấu F-35A, nhưng bi kịch là khoang đạn bên trong của F-35B tương đối ngắn, không thể nhét vào loại tên lửa này.
Điều này có nghĩa là trong tương lai khi máy bay chiến đấu F-35B Nhật Bản thực hiện nhiệm vụ chống hạm, chỉ có thể treo tên lửa ở bên ngoài máy bay, như vậy nó lại trở thành mục tiêu rõ ràng của radar.
Vấn đề quan trọng hơn là tác chiến trên biển hiện đại là tác chiến hệ thống, chứ không phải trên phương diện nói trên. Khoảng cách giữa Nhật Bản và Trung Quốc rất rõ ràng.
Tuy nhiên, Lý Kiệt cho rằng hiện nay so với J-15, F-35B thực sự có ưu thế nhất định. Lý Kiệt nhấn mạnh Trung Quốc phải cảnh giác với kế hoạch cải tạo tàu sân bay tiềm tàng của Nhật Bản, đồng thời đẩy nhanh các bước triển khai máy bay thế hệ thứ tư Trung Quốc cho tàu sân bay.