Trung Quốc cùng Nga tập trận ở Biển Đông vẫn lộ “đồng sàng dị mộng“

Theo giáo sư Úc Carl Thayer, hợp tác quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa Mátxcơva và Hà Nội, vai trò không thể coi nhẹ của Việt Nam trong khối Đông Nam Á là những nhân tố khiến cho Nga phải cân nhắc khi bị Trung Quốc lôi kéo vào trong vấn đề Biển Đông....
Nga và Trung Quốc cùng đối phó với Mỹ nhưng lợi ích rất khác biệt
Nga và Trung Quốc cùng đối phó với Mỹ nhưng lợi ích rất khác biệt

RFI ghi nhận, chỉ hai tuần sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye ngày 12/7, bác bỏ đòi hỏi chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh hôm 26/7 đã loan báo một cuộc tập chung của hải quân Nga và Trung Quốc tại Biển Đông vào tháng 9 tới.

Trong bối cảnh Bắc Kinh lớn tiếng bác bỏ phán quyết quốc tế và tái khẳng định chủ quyền Trung Quốc trên vùng biển đang tranh chấp, việc Nga đồng ý tham gia tập trận đã đặt ra câu hỏi về ý định thực sự của Mátxcơva.

Theo RFI, Mục tiêu răn đe quân sự của Trung Quốc khi tung ra cuộc tập trận đã rất hiển nhiên, vì ngay sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về Biển Đông, Bắc Kinh đã cho tập trận trong khu vực, thậm chí còn cho máy bay ném bom chiến lược bay ngang bãi Scarborough đang tranh chấp, chụp ảnh để thị uy.

Với việc thông báo một cuộc tập trận chung với cường quốc nặng ký duy nhất mà Bắc Kinh đưa vào danh sách các nước ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc, ý đồ hù dọa các đối phương còn rõ nét hơn nữa, nhất là khi đối tác tập trận lại là Nga, chỗ dựa chủ yếu của Việt Nam về vũ khí.

Tập trận Nga-Trung chỉ nhằm phô diễn hình thức

Giới quan sát gần đây đặt câu hỏi phải chăng nước Nga đã thôi không còn trung lập trên vấn đề Biển Đông, mà đã về hùa với Trung Quốc, làm cho so sánh lực lượng quân sự trong vùng thay đổi theo chiều hướng có lợi cho Bắc Kinh?

Về vấn đề này, bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington cho rằng cuộc tập trận hải quân chung Nga-Trung có lẽ nhằm mục tiêu phô trương quan hệ gắn bó giữa hai nước có liên can vào một thời điểm căng thẳng, hơn là một sự thay đổi quân sự đáng kể trong khu vực.

«Còn quá sớm để rút ra một kết luận dứt khoát… Tôi thiên về quan điểm cho rằng cuộc tập trận nằm trong một loạt các phản ứng chống lại phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực để chứng tỏ quyết tâm của lãnh đạo Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước, và giải tỏa áp lực đến từ công chúng và quân đội».

Theo bà Glaser, cuộc tập trận Nga-Trung không nhất thiết là một sự leo thang so với toàn cảnh là một thái độ tự kiềm chế tương đối của Trung Quốc trong phản ứng chống lại phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.

Nga không "theo đuôi" Trung Quốc

Chuyên gia về quân đội Trung Quốc Taylor Fravel, thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts MIT của Mỹ, cũng cho rằng cần phải chờ xem hai nước Nga-Trung tập trận ở khu vực nào trên Biển Đông, thì mới rõ được ý nghĩa thực của sự can dự của Mátxcơva vào hồ sơ Biển Đông.

Theo ông Fravel, hai bên có thể tập trận tại vùng biển miền Nam Trung Quốc, như ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, thâm chí ngoài khơi đảo Hải Nam. Đó là những địa điểm «vô hại». Tuy nhiên, nếu hai bên quyết định tập trận gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, thì đó sẽ là một vấn đề đáng để cho các láng giềng báo động.

Khi thông báo cuộc tập trận vào hôm 26/07 vừa qua, bộ quốc phòng Trung Quốc không cho biết ngày giờ hay địa điểm diễn ra cuộc tập trận, trong lúc Nga hoàn toàn im hơi lặng tiếng, chỉ có truyền thông Nga là trích lại thông báo từ phía Trung Quốc để đưa tin.

Tuy nhiên, có một thực tế mà tất cả các nhà quan sát đều ghi nhận. Đó là nước Nga của ông Vladimir Putin, và Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đang trên đà xích lại gần nhau hơn, kể cả trên bình diện hợp tác an ninh và quốc phòng. Khởi xướng từ năm 2015, các cuộc tập trận hải quân hỗn hợp Nga-Trung ngày càng thường xuyên hơn, mà gần đây nhất là cuộc thao diễn tại vùng biển Nhật Bản vào tháng 8/2015.

Hải quân Nga và Trung Quốc tập trận chung
Hải quân Nga và Trung Quốc gần đây hay tập trận chung

Theo RFI, đối thủ chung là Mỹ được cho là nhân tố thúc đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn. Thế nhưng trong vấn đề Biển Đông, dù bị Bắc Kinh lôi kéo, nhưng Nga vẫn có dấu hiệu chống lại.

Tháng 6/2016, tại Bắc Kinh, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Putin đã ra tuyên bố chung về việc «Tăng cường ổn định chiến lược toàn cầu», nhấn mạnh đến các điểm tương đồng giữa hai nước trên nhiều vấn đề quốc tế. Ông Tập Cận Bình khi ấy không ngần ngại nói rằng «Trung Quốc và Nga sẽ hỗ trợ lẫn nhau về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của hai bên». Biển Đông đã được Trung Quốc đưa vào diện lợi ích cốt lõi.

Nga-Trung "đồng sàng" dị mộng

Thời điểm của cuộc gặp Tập Cận Bình-Putin rất đáng chú ý vì đó là lúc Bắc Kinh đang cố sức vận động các nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc phủ nhận phán quyết về Biển Đông sắp được Tòa Trọng tài La Haye đưa ra, mà tất cả các chuyên gia đều dự đoán là sẽ rất bất lợi cho Trung Quốc.

Theo New York Times, trước công chúng, các quan chức Nga cho biết họ ủng hộ một giải pháp thương lượng cho các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng không công khai lên tiếng ủng hộ việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết quốc tế.

Trả lời RFI, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về các vấn đề châu Á và Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Úc, đã giải thích về tình trạng đồng sàng dị mộng giữa Bắc Kinh và Mátxcơva hiện nay:

«Nước Nga thời Putin đang tìm cách khôi phục vai trò của mình trong khu vực Đông Á. Đây là cuộc tập trận hải quân chung Nga-Trung lần thứ hai trong năm nay trong vùng châu Á, lần đầu tiên là gần Nhật Bản.

Cả Trung Quốc lẫn Nga đều chia sẻ cùng một lợi ích là chống lại việc Mỹ thống trị về hải quân ở vùng Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Nga vẫn quan ngại trước việc Trung Quốc thâm nhập vào khu vực Á-Âu (Eurasia) thông qua sáng kiến ‘Một vành đai, một con đường’, đặc biệt là vào vùng Trung Á (vốn nằm trong khu vực ảnh hưởng của Nga). Nga và Trung Quốc có cùng lợi ích trên một số vấn đề, nhưng lại có quan điểm khác nhau về những vấn đề khác».

Theo giáo sư Thayer, Biển Đông chính là một trong những vấn đề mà quan điểm của Nga khác với Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Nga phải chú ý đến quan hệ thân thiết với Việt Nam.

Giáo sư Thayer đã dẫn chứng bằng phản ứng mới đây của Mátxcơva đối với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye, hoàn toàn không giống như Bắc Kinh mong đợi:

«Nga không trực tiếp giúp Trung Quốc, hoặc hậu thuẫn các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều đó được phản ánh rất rõ trong tuyên bố do Bộ Ngoại giao Nga ban hành sau khi Tòa Trọng tài La Haye ra phán quyết về Biển Đông: Nga ủng hộ luật pháp quốc tế và nhấn mạnh rằng Mátxcơva sẽ không can dự vào việc giải quyết các tranh chấp trên biển.

Tàu ngầm kilo và chiến hạm Gepard của hải quân Việt Nam có xuất xứ từ Nga
Tàu ngầm kilo và chiến hạm Gepard của hải quân Việt Nam có xuất xứ từ Nga

Việt Nam đã lên tiếng về phát biểu của Ngoại trưởng Nga Lavrov chỉ trích sự can thiệp từ bên ngoài vào tranh chấp Biển Đông. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thẳng thắn lưu ý rằng một số vấn đề ở Biển Đông có liên quan đến các bên khác, và lợi ích của họ cần phải được quan tâm.

Theo giáo sư Thayer, hợp tác quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa Mátxcơva và Hà Nội, vai trò không thể coi nhẹ của Việt Nam trong khối Đông Nam Á là những nhân tố khiến cho Nga phải cân nhắc khi bị Trung Quốc lôi kéo vào trong vấn đề Biển Đông:

«Trong bốn năm qua, Việt Nam là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 8 trên thế giới. Nga cung cấp hơn 90% lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam. Hà Nội là một cầu nối cho Mátxcơva vào vùng Đông Nam Á, nhưng Nga lại cần bán năng lượng cho Trung Quốc. Mátxcơva rõ ràng là đang phải đối mặt với những căng thẳng nảy sinh từ những cố gắng để duy trì quan hệ tốt với cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội».

Tóm lại, cần phải chờ xem là cuộc tập trận hải quân chung với Nga mà Trung Quốc đang quảng cáo sẽ được tiến hành như thế nào thì mới hiểu rõ thêm về sự can dự của Nga vào Biển Đông.