Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cùng Sở Dịch vụ Tài chính New York hôm 21-7 đã ra lệnh cho chi nhánh tại Mỹ của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), 1 trong 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Quốc, hành động nhiều hơn để chống nạn rửa tiền.
Theo yêu cầu của 2 cơ quan này, CCB có 60 ngày để trình những biện pháp đối phó tốt hơn nạn rửa tiền, như nhận biết khách hàng khả nghi, theo dõi dữ liệu giao dịch, ghi nhận và điều tra các hoạt động đáng ngờ…
Ngân hàng này phải thuê một bên thứ ba độc lập để đánh giá xem họ có tuân thủ quy định trong việc xác định và báo cáo những giao dịch đổi ngoại tệ đáng ngờ trong nửa cuối năm 2013 hay không.
Đây là lần đầu tiên FED đưa ra yêu cầu nói trên đối với CCB và thông tin này được ông Mildred Harper, một quan chức tại chi nhánh của CCB ở TP New York, xác nhận.Theo báo The Wall Street Journal, bước đi trên diễn ra sau khi FED và nhà chức trách TP New York phát hiện không ít vấn đề tại CCB nhưng chưa rõ những vấn đề này là gì.
FED hiện không đưa ra tiền phạt hoặc những biện pháp trừng phạt CCB nhưng có thể thực hiện trong tương lai nếu ngân hàng này không làm theo yêu cầu kể trên hoặc bị phát hiện vi phạm luật chống rửa tiền của Mỹ. CCB đặt trụ sở ở Bắc Kinh và có chi nhánh tại 24 nước, trong đó chi nhánh tại New York đi vào hoạt động năm 2009, tập trung phục vụ cho công ty Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương (CCDI) hôm 22-7 cho biết các cuộc kiểm toán tại 4 chi nhánh của CCB đã được tiến hành nhưng không đề cập đến hành động của FED. Thay vào đó, tuyên bố của CCDI chỉ nói hoạt động kiểm toán lần này chú trọng đến “sự lạm dụng quyền lực của các lãnh đạo để làm giàu cá nhân hoặc vì tư lợi, hành vi tham nhũng và những vi phạm kỷ luật khác”.
Đây không phải lần đầu một ngân hàng nhà nước Trung Quốcdính líu đến những rắc rối liên quan đến rửa tiền ở nước ngoài. Vào tháng rồi, có thông tin các công tố viên Ý có ý định truy tố Ngân hàng Trung Quốc (BOC) và 4 nhân viên của chi nhánh BOC ở TP Milan bị cáo buộc dính líu đến hoạt động rửa tiền.
Theo nhà chức trách Ý, hơn 4,5 tỉ euro tiền phi pháp của các băng nhóm người Hoa được gửi về Trung Quốc trái phép trong giai đoạn 2007-2010, trong đó gần phân nửa thông qua chi nhánh của BOC ở Milan.
Đáng chú ý là những đề nghị nhà chức trách Trung Quốc hợp tác của giới chức Ý đều không mang lại kết quả. Chính Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc hồi tháng 7-2014 cũng cáo buộc CCB rửa tiền và giúp khách hàng giàu có chuyển tiền lậu qua biên giới.
Theo một báo cáo gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ, Trung Quốc đứng đầu thế giới vềdòng vốn phi pháp và sự liên quan của nước này đến hoạt động rửa tiền đang tăng. Báo cáo cũng nhận định Bắc Kinh thường xuyên không hợp tác với các nước khác trong việc đối phó nạn rửa tiền xuyên biên giới.
Ông Stanley Lubman, một giảng viên tại Trường Luật thuộc Trường ĐH bang California (Mỹ), nhận định vấn đề trên cần được quan tâm nhiều hơn trong bối cảnh thị trường chứng khoán Trung Quốc rơi vào hỗn loạn thời gian gần đây khiến các nhà đầu tư muốn chuyển tài sản đến những “nơi trú ẩn an toàn hơn” ở nước ngoài.
Theo NLĐ