Trao đổi với PV VietTimes, ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp cho hay: Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ đều tuân thủ các biện pháp phòng hộ khi điều trị cho bệnh nhân theo Hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (COVID-19) trong cơ sở khám, chữa bệnh. Từ trước tới nay Bệnh viện đều áp dụng đầy đủ các biện pháp cũng như nguyên tắc phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 của Bộ Y tế.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy
|
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các bệnh viện phải thực hiện nguyên tắc phòng ngừa chuẩn, kết hợp với phòng ngừa qua đường tiếp xúc và đường giọt bắn trong thăm khám, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trong quá trình chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, các bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật tạo khí dung, bổ sung các biện pháp phòng ngừa lây truyền qua đường không khí.
Cùng với đó, thực hiện vệ sinh hô hấp đối với tất cả người bệnh có triệu chứng về hô hấp, đồng thời, kiểm soát tốt thông khí, môi trường, vệ sinh tay, mang đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân là biện pháp quan trọng nhất trong phòng ngừa lây nhiễm cho nhân viên y tế.
Các phương tiện phòng hộ cá nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ảnh: Minh Thúy
|
Tuy nhiên, theo ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp, không phải cứ phòng ngừa, trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện phòng hộ là các bác sĩ sẽ tránh được 100% nguy cơ lây nhiễm bệnh.
"Bởi tất cả các trang thiết bị phòng hộ không có loại nào bảo vệ được 100% nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ví dụ như khẩu trang N95 có thể bảo vệ các bác sĩ khỏi sự tấn công của 95% vi khuẩn, mầm bệnh nhưng 5% còn lại chính là nguy cơ khiến các bác sĩ gặp nguy hiểm. Không chỉ vậy, đến thời điểm hiện tại trên thế giới chưa sản xuất được loại quần áo bảo hộ nào có thể bảo vệ được 100% nguy cơ bệnh dịch tấn công bác sĩ" - ThS. BS. Cấp nhấn mạnh.
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy
|
“Trong quá trình chống dịch COVID-19, các y, bác sĩ tại Bệnh viện đều xác định nguy cơ có thể bị nhiễm bệnh. Nguy cơ ấy là xác suất nên các bác sĩ không thể tránh khỏi” – BS. Cấp nói.
Sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên là bác sĩ cấp cứu mắc COVID-19, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã cảnh báo mức độ lây nhiễm ở mức cao nhất đối với các nhân viên y tế, cũng như các bệnh nhân đang điều trị tại đây, để chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Quyết định ban hành hướng dẫn về phòng, kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp do chủng virus Corona mới (COVID-19) trong các cơ sở khám, chữa bệnh do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký đã quy định rõ nguyên tắc sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân để phòng ngừa lây nhiễm cho nhân viên y tế. Theo đó, tất cả nhân viên y tế, người nhà người bệnh, khách thăm, những người có tiếp xúc với người hoặc mẫu bệnh phẩm từ người nhiễm hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 đều phải áp dụng các nguyên tắc sau: Luôn mang phương tiện phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc, thăm khám, chăm sóc cho người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19. Thực hành mặc vào và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân phải được thực hiện thuần thục trước khi chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19 và phải được giám sát bởi thành viên đã được đào tạo. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp với tình huống sắp thực hiện. Mặc và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân trong buồng đệm trước khi vào và sau khi ra khỏi buồng cách ly. Tránh tiếp xúc hoặc điều chỉnh phương tiện phòng hộ cá nhân trong buồng cách ly. Đảm bảo phương tiện phòng hộ cá nhân phủ kín toàn bộ cơ thể. Thay găng khi chuyển từ người bệnh này sang chăm sóc người bệnh khác, thay găng nếu bị rách, vệ sinh tay trước khi mang găng mới. Khi tháo phương tiện phòng hộ cá nhân cần chú ý: Mặt ngoài phương tiện phòng hộ cá nhân có mức độ nguy cơ nhiễm bẩn cao, khi tháo phải cuộn mặt ngoài vào trong, không được giũ phương tiện phương tiện phòng hộ cá nhân khi tháo. Mặt trước của phương tiện phòng hộ cá nhân có nguy cơ lây nhiễm cao hơn mặt sau. Tránh đụng chạm tay vào mặt trước của phương tiện phòng hộ cá nhân. Phương tiện phòng hộ cá nhân chỉ dùng một lần đối với chất thải lây nhiễm. Sau khi tháo phải bỏ ngay vào thùng chất thải lây nhiễm (thùng màu vàng). Thùng đựng chất thải phải đủ lớn và có nắp đậy tự động. |