TP.HCM: Không để xảy ra dịch rồi mới chống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TP.HCM quyết tâm không để lây nhiễm Covid-19 trong bệnh viện, quản lý chặt khu cách ly, kiểm soát nhập cảnh trái phép, xử lý các vi phạm trong cộng đồng.
TP.HCM nỗ lực kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng - Ảnh: Zing
TP.HCM nỗ lực kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng - Ảnh: Zing

Bảo vệ các BV trung ương và BV tuyến cuối

Trước cả khi phát hiện ca dương tính trong cộng đồng đầu tiên trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, TP.HCM đã tạm dừng bắn pháo hoa, kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát tối đa các tụ điểm công cộng trong dịp Lễ 30/4 và 1/5.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thường xuyên đặc biệt nhấn mạnh phải có phương án chặt chẽ bảo vệ các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép; theo dõi chặt chẽ người đến từ các địa phương đang có số ca lây nhiễm lớn…

Theo ông Phong, các bệnh viện tuyến đầu của TP.HCM cần đảm bảo các phương án phòng chống dịch Covid-19 xâm nhập và lây lan trong bệnh viện, vừa phải chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Vì lý do này, ngay sau cuộc họp chỉ đạo chiều 10/5, tối cùng ngày, đoàn kiểm tra do Chủ tịch UBND TP.HCM dẫn đầu đã đến kiểm tra BV Chợ Rẫy và BV Nhân dân 115. Công tác kiểm tra được tiến hành chặt chẽ, ngay từ khi các BV tại TP.HCM còn chưa xuất hiện bất cứ ca lây nhiễm nào.

“Cuộc chiến với COVID-19 đã gây ra biết bao nhiêu trường hợp tử vong. Thế giới bình quân mỗi ngày có thêm 1 triệu người nhiễm, số tử vong cũng đã rất cao. TP.HCM là địa phương tiếp nhận rất nhiều người ra vào, là cửa ngõ ra thế giới, nguy cơ cao dịch bệnh xâm nhập luôn thường trực, cần xây dựng kế hoạch chủ động cho 30.000 ca bệnh như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, sẵn sàng cho mọi tình huống, thậm chí nếu cần thì diễn tập các phương án để thực thi với điều kiện thực tế của địa phương” – Ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu trong buổi làm việc tại BV Chợ Rẫy-Ảnh TTBC
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu trong buổi làm việc tại BV Chợ Rẫy-Ảnh TTBC

Tại buổi làm việc với BV Chợ Rẫy chiều 10/5, TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV cho biết, với đặc thù là bệnh viện tuyến cuối khu vực phía Nam, Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 6.000 lượt bệnh mỗi ngày từ nhiều tỉnh, thành khác nhau, vì vậy hiện nay BV Chợ Rẫy luôn đối mặt với nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập.

Đáng lo ngại nhất là ở Khoa Cấp cứu – nơi mỗi ngày tiếp nhận khoảng 350 bệnh nhân. Để đảm bảo an toàn, BV đều xét nghiệm cho tất cả bệnh nhân cấp cứu có triệu chứng bệnh liên quan đường hô hấp. Đối với các bệnh nhân bị tai nạn không có thân nhân thì được "tiếp nhận như một trường hợp bệnh nhân dương tính", vì không khai thác được bệnh sử và yếu tố dịch tễ. Trong quá trình chờ đợi kết quả xét nghiệm, nếu bệnh nhân cần mổ cấp cứu cũng được thực hiện theo quy trình phẫu thuật nghiêm ngặt như cho một bệnh nhân Covid-19.

Bên cạnh đó, BV cũng thực hiện việc kiểm soát người ra vào bằng hệ thống khai báo y tế điện tử hiện đại, quản lý người nuôi bệnh bằng vân tay và trước đó người nuôi bệnh cũng đã được kiểm soát các yếu tố nguy cơ như khai thác yếu tố dịch tễ, xét nghiệm Covid-19.

Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, hiện có khoảng 200 nhân viên cung cấp dịch vụ ra vào bệnh viện mỗi ngày, đây cũng là những người có nguy cơ mang mầm bệnh từ bên ngoài vào và có nguy cơ lây lan trong bệnh viện, do đó, lãnh đạo BV Chợ Rẫy đã chỉ đạo giám sát chặt chẽ đối với đối tượng này.

Đoàn kiểm tra có mặt tại huyện Nhà Bè lúc 20 giờ tối 10/5, kiểm tra công tác triển khai xây dựng Khu cách ly của huyện Nhà Bè tại xã Long Thới, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong biểu dương nỗ lực của các lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh TP, huyện Nhà Bè tích cực, khẩn trương, làm ngày đêm để phấn đấu hoàn thành khu cách ly có sức chứa 80 người trong ngày 12/5.

Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao các giải pháp đang được huyện Nhà Bè quyết liệt triển khai, chủ động chống dịch như: kích hoạt lại 439 Tổ covid cộng đồng; quản lý chặt 2 khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện; thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương, TP.HCM về công tác phòng chống dịch và các thông báo của UBND, nhất là Chỉ thị số 10 của Thành ủy về công tác phòng chống dịch Covid-19 được ban hành chiều 5/5.

Chủ tịch UBND TP.HCM kiểm tra BV Nhân dân 115 - Ảnh: TTBC

Chủ tịch UBND TP.HCM kiểm tra BV Nhân dân 115 - Ảnh: TTBC

Nguy cơ lây nhiễm tại TP.HCM đến từ nhiều nguồn

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đánh giá luôn có nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly, từ đó lây ra cộng đồng nếu không đảm bảo điều kiện tổ chức cách ly. Thành phố có nhiều bệnh viện tuyến cuối phải tiếp nhận bệnh nhân từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, rất đông bệnh nhân và thân nhân.

Thành phố luôn có nguy cơ từ người nhập cảnh trái phép. Là một trung tâm kinh tế, đầu mối giao thông của cả nước nên mức độ di chuyển của người dân đến và đi khỏi thành phố rất lớn. Thành phố cũng là cửa ngõ giao thông quốc tế với 1 sân bay và gần 60 cảng hàng hải lớn nhỏ.

BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc CDC TP.HCM cho biết cảng hàng hải có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh không khác gì cảng hàng không. Các chuyến tàu Quốc tế, có cập bến tại các quốc gia khác, khi cập bến tại Việt Nam có thể có các thuyền viên nhiễm Covid-19 chưa được được phát hiện. Vì thế, nguy cơ lây lan dịch có thể xuất phát từ việc tiếp xúc giữa các thuyền viên này (nếu nhiễm covid-19 mà không được biết) với người khác mà không được phòng hộ hoặc phòng hộ không đúng cách. Chẳng hạn như tiếp xúc có thể xảy ra giữa thuyền viên với người được phép lên tàu làm việc; hoặc nguy cơ có thể từ thuyền viên tự ý lên bờ trái phép hay có hiện tượng người xuống tàu trái phép, không bị phát hiện.

Để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm thì tàu neo đậu ở cảng được xem như là một “đơn vị cách ly”, cần thực hiện nhiều biện pháp để giám sát chặt chẽ người lên, xuống tàu. Những người không được phép thì không được xuống tàu. Người được cho phép xuống tàu làm nhiệm vụ cần tuân thủ nguyên tắc phòng hộ, khai báo y tế đầy đủ và bắt buộc phải có camera giám sát chặt chẽ nhằm truy vết khi cần thiết.

CDC TP.HCM Kiểm soát quy trình chống dịch tại các cảng hàng hải - Ảnh: CDC
CDC TP.HCM Kiểm soát quy trình chống dịch tại các cảng hàng hải - Ảnh: CDC

Hiện nay, TP.HCM đang đóng góp hơn 22% GDP và hơn 25% thu ngân sách cả nước. Do đó, việc ngăn chặn dịch tại Thành phố có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác phòng chống dịch của cả nước.

TP.HCM chủ động kiểm tra các BV trung ương, BV tuyến cuối, để đánh giá nguy cơ, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các biện pháp chống dịch ngay từ khi chưa xuất hiện bất cứ ca lây nhiễm nào trong hệ thống y tế, cũng như liên tục kiểm tra nhắc nhở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là nơi tập trung đông công nhân, rà soát nguy cơ tại các cảng hàng không, hàng hải, cảnh cáo, dừng hoạt động đối với các địa điểm có nguy cơ cao, quản lý chặt người nhập cảnh trái phép từ các tỉnh thành khác về thành phố, chuẩn bị chu đáo và kiểm soát các khu cách ly chính là tinh thần chủ động mà TP.HCM luôn duy trì từ đầu dịch tới giờ.

Các biện pháp truyền thông trong cộng đồng cũng tỏ ra có hiệu quả khi ý thức chấp hành về phòng dịch nói chung, đeo khẩu trang nói riêng của người dân TP.HCM rất nghiêm túc, tuân thủ hầu hết mọi quy định của cơ quan chức năng. Phải chăng, vì kết hợp được giữa cả hai yếu tố là tinh thần chủ động của lực lượng chức năng và ý thức tự giác của người dân, nên công cuộc phòng, chống dịch ở TP.HCM đang đạt được kết quả khả quan.