Bị phong toả, các bệnh viện làm gì để bảo vệ bệnh nhân mắc bệnh nền đang cận kề cái chết?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Để bảo vệ bệnh nhân đang cận kề cái chết vì mắc các bệnh nền trước làn sóng dịch COVID-19 bùng phát, các bệnh viện đã có nhiều biện pháp riêng để ứng phó trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bác sĩ trực cấp cứu ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Ảnh - Minh Thuý)
Bác sĩ trực cấp cứu ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Ảnh - Minh Thuý)

Vừa chống dịch, vừa điều trị

Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến 2 bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội bị phong toả, là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh) – nơi đang là “điểm nóng” của dịch COVID-19, các bác sĩ vẫn điều trị cho các bệnh nhân có bệnh nền và cả những bệnh nhân mắc COVID-19 bình thường.

Các bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 luôn sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân (Ảnh - Minh Thuý)

Các bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 luôn sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân (Ảnh - Minh Thuý)

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sau khi bệnh nhân có 2 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 thì Bệnh viện sẽ liên hệ với các bệnh viện khác để chuyển bệnh nhân đến tiếp tục theo dõi và điều trị.

Nhằm điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân COVID-19 trong thời gian Bệnh viện bị phong toả, ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - đã ký công văn gửi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương về việc chuyển người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện sang 2 bệnh viện khác.

Để vừa chống dịch COVID-19, vừa chăm sóc, điều trị tốt bệnh nhân của bệnh viện trong đó có những bệnh nhân có bệnh nền, bệnh nhân nặng, trao đổi với PV VietTimes trong sáng nay, ngày 11/5, PGS. TS. Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam – nhấn mạnh: Các bệnh viện phải thực hiện tốt tất cả các khâu gồm: phân luồng bệnh nhân; phòng, chống nhiễm khuẩn;, thực hiện tốt công tác phòng hộ cho nhân viên y tế và bệnh nhân; đặc biệt không để bệnh COVID-19 xâm nhập và lây lan thì mới làm tốt công tác khám, chữa bệnh.

PGS.TS .Trần Đắc Phu (Ảnh - Đình Nam)
PGS.TS .Trần Đắc Phu (Ảnh - Đình Nam)

“Việc phong toả bệnh viện khác với phong toả khu dân cư nên các khoa trong Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K Tân Triều vẫn được chữa bệnh và không nhận thêm bệnh nhân (riêng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 vẫn có thể tiếp nhận bệnh nhân COVID-19), không được người nhà thăm nom bệnh nhân. Mặc dù có COVID-19 nhưng các bệnh viện vẫn có thể nhận bệnh nhân mắc bệnh nặng đến để điều trị. Nguy cơ bệnh nhân mắc bệnh nặng tử vong còn nguy hiểm hơn COVID-19. Do đó, các Bệnh viện sẽ bố trí một khu vực riêng để điều trị cho bệnh nhân, tránh nguy cơ lây nhiễm” – ông Phu nói.

Cụ thể, ông Khoa yêu cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phải rà soát số lượng người bệnh điều trị nội trú tại các khoa của bệnh viện, xem xét tình trạng bệnh tật, tiên lượng kết quả điều trị, giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh để chuyển xuống tuyến dưới tiếp tục điều trị; xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR cho toàn bộ người bệnh, người nhà người bệnh trước khi thực hiện việc chuyển tuyến.

Ông Khoa yêu cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và một số bệnh viện chuyên khoa khác nếu cần thiết để chuyển tuyến người bệnh theo quy định.

Cũng bị phong toả như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K Tân Triều đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động để đảm bảo công tác điều trị cho bệnh nhân ngoại trú.

Thông tin về tình hình điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị ở Bệnh viện K, TS. BS. Phạm Văn Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện K – cho biết: Hiện cả 3 cơ sở ở Bệnh viện K đều đang phong toả và ở trong trạng thái “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh K có hơn 3.400 người đang cách ly tại cả 3 cơ sở của Bệnh viện.

Hiện, có khoảng 70% bệnh nhân ngoại trú điều trị ở Bệnh viện K. Sau khi cả 3 cơ sở của Bệnh viện bị phong toả, rất nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân lo lắng về việc điều trị cho bệnh nhân ngoại trú khi những bệnh nhân này không thể vào trong Bệnh viện vì COVID-19.

Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS. Phạm Văn Bình cho hay: Bệnh viện K đã chủ động xây dựng kế hoạch điều trị cho bệnh nhân ngoại trú từ trước. Những bệnh nhân ngoại trú đang điều trị tại Bệnh viện K có thể tự điều trị ở địa phương bằng giấy hẹn, không gặp khó khăn gì. Nếu bệnh nhân lỡ mất giấy hẹn có thể liên hệ trực tiếp với các bác sĩ của Bệnh viện K qua đường dây nóng để bác sĩ làm bệnh án mới cho bệnh nhân, đảm bảo việc hưởng BHYT bình thường. Bệnh viện đã trao đổi với BHXH Việt Nam thống nhất nên việc điều trị cho bệnh nhân và thanh toán BHYT hoàn toàn không có vấn đề gì.

TS. BS. Phạm Văn Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện K (Ảnh - BVCC)

TS. BS. Phạm Văn Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện K (Ảnh - BVCC)

PGS. TS. Lê Văn Hợi – Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện K – cho biết: Hiện, sức khoẻ của các bệnh nhân nội trú và bác sĩ ở tâm dịch của Bệnh viện K vẫn tốt, luôn trong trạng thái phòng, chống dịch. Sắp tới, Bệnh viện K sẽ chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội để giảm tải.

Nhằm giúp bệnh nhân điều trị có hiệu quả trong thời gian Bệnh viện phong toả vì COVID-19, các bác sĩ đang hỗ trợ từ xa (qua điện thoại, gọi video,…) cho hơn 14.000 bệnh nhân ung thư ngoại trú. Đối với các bệnh nhân điều trị ung thư phải trọ ở phía ngoài hoặc trên địa bàn TP. Hà Nội, không về quê hoặc không vào viện được, Bệnh viện đã thống nhất với Khoa khám, chữa bệnh chủ động liên hệ với người bệnh ngoại trú để trao đổi tình trạng sức khoẻ, hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ tạm thời. Bệnh viện sẵn sàng hỗ trợ hội chẩn từ xa với các bệnh viện tuyến dưới, để giúp bệnh nhân điều trị kịp thời khi bệnh nhân không thể trực tiếp tới Bệnh viện.

Bảo vệ bệnh nhân trước nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát

Khác với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K Tân Triều đang phải phong toả, mặc dù chưa bị COVID-19 tấn công nhưng Bệnh viện Hữu Nghị đã lên kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ các phương án để điều trị, chăm sóc bệnh nhân trong trường hợp có bệnh nhân COVID-19.

Trao đổi với PV VietTimes, PGS. TS. Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị - cho biết: Là Bệnh viện được giao nhiệm vụ quản lý, chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân là cán bộ, nguyên cán bộ trung, cao cấp của Đảng và nhà nước và nhân dân trong khu vực, có trên 70% bệnh nhân điều trị tại đây tuổi đã cao, có nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…nên trong công tác điều trị thông thường, Bệnh viện đã rất thận trọng trong phòng tránh nhiễm khuẩn bệnh viện.

Bệnh viện Hữu Nghị lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân (Ảnh - BVCC)

Bệnh viện Hữu Nghị lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân (Ảnh - BVCC)

“Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam với đa nguồn lây, với các biến chủng có khả năng lây lan nhanh, xuất hiện ổ lây nhiễm trong một số bệnh viện, để bảo vệ sự an toàn cho bệnh nhân và nhân viên y tế, Bệnh viện Hữu Nghị đã chuyển từ chạy theo xét nghiệm sang chủ động xét nghiệm, như phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế là chuyển sang “tấn công bằng xét nghiệm”. Vũ khí tấn công COVID-19 chính là xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đã được triển khai đồng loạt. Bệnh viện đã lựa chọn loại Kit xét nghiệm kháng nguyên tốt nhất, tin cậy nhất để xét nghiệm sàng lọc tất cả bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú, tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động trong bệnh viện, những người đến giao dịch, hợp tác, chăm nom bệnh nhân cũng được yêu cầu xét nghiệm để sàng lọc” - PGS. TS. Nguyễn Thanh Hà nói.

Là nơi điều trị nhiều bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh lý nền kèm theo, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện khi có người mắc COVID-19, sẽ được chuyển ngay đến cơ sở chuyên khoa để điều trị, tránh nguy cơ lây nhiễm sang các bệnh nhân khác.

Bệnh viện Hữu Nghị là Bệnh viện Đa khoa hạng 1 nên có đầy đủ cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại, đảm bảo năng lực để điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch khi các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành bị phong tỏa. Bệnh viện cũng chủ động tình huống cho trường hợp dịch bệnh COVID-19 lây lan trên diện rộng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương hoặc các bệnh viện chuyên khoa Truyền nhiễm khác quá tải, khi đó, Bệnh viện sẽ có khu vực riêng và nhân lực riêng để điều trị bệnh nhân COVID-19.

Nhân viên y tế ở Bệnh viện Hữu Nghị kiểm tra nhiệt độ cho người dân trước khi vào bệnh viện (Ảnh - Minh Thuý)

Nhân viên y tế ở Bệnh viện Hữu Nghị kiểm tra nhiệt độ cho người dân trước khi vào bệnh viện (Ảnh - Minh Thuý)

Theo ThS. BS. Vũ Hoài Nam - Thư ký Ban phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bệnh viện luôn trong trạng thái sẵn sàng để ứng phó với tình huống có bệnh nhân nguy kịch mắc COVID-19. Vì thế, Bệnh viện đã thường xuyên tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên môn cho các nhân viên y tế, chuẩn bị khu vực điều trị cách ly, oxy, máy thở và các trang thiết bị y tế hiện đại khác theo "phương châm 4 tại chỗ".

“Hiện, Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ các phương án ứng phó tình huống bị phong toả vì COVID-19 từ nhân lực đến nguồn cung cấp nhu yếu phẩm để có thể tiếp tục chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc bệnh nặng, không thể ra viện hoặc chuyển nơi khác. Tôi cũng như các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên ở Bệnh viện đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng hy sinh bản thân để bảo vệ sức khỏe và tính mạng bệnh nhân trước làn sóng dịch COVID-19” – BS. Nam chia sẻ.