Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 vào chiều 25/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong vòng 24 giờ (từ 6h ngày 24/6 đến 6h ngày 25/6), TP.HCM ghi nhận 667 trường hợp nghi mắc COVID-19. Trong đó, có 538 ca phát hiện trong khu cách ly; 99 ca trong khu phong tỏa. Đây là con số kỷ lục cho số ca nghi nhiễm trên địa bàn thành phố từ đợt dịch thứ 4 đến nay.
Tối cùng ngày, TP.HCM đã đăng ký bổ sung mã bệnh nhân cho 563 ca bệnh (BN14538-BN15100), nâng tổng số ca nhiễm trên địa bàn TP lên đến gần 3.000 ca.
Đặc biệt, các trường hợp dương tính phát hiện qua tầm soát, sàng lọc khi khám tại BV là 14 ca, trong đó: BV Phạm Ngọc Thạch (1 ca), BV Quận 12 (1 ca), BV Lê Văn Thịnh (1 ca), BV Đại học Y dược (2 ca), BV Nguyễn Tri Phương (2 ca), BV Thống Nhất (2 ca), BV Quốc Ánh (1 ca), BV quận Bình Tân (1 ca), BV Ung Bướu (1 ca), Trung tâm Y tế Thủ Đức (1 ca), BV Vạn Hạnh (1 ca).
14 ca dương tính được phát hiện thông qua khám sàng lọc tại các BV chỉ trong vòng 24 giờ khiến cộng đồng thêm hoang mang. Liệu sắp tới sẽ còn bao nhiêu trường hợp trong cộng đồng đi khám và phát hiện? Vấn đề xét nghiệm nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo rà soát được cộng đồng được giới chuyên môn đặt ra.
Trước đó, các BV trên địa bàn TP cũng liên tục phát hiện ca nhiễm trong qua khám sàng lọc. Các trường hợp cụ thể như: Một người bán tạp hóa ngay cạnh BV Từ Dũ bị ho, sốt, đi khám bệnh thì được BV xét nghiệm cho kết quả dương tính với COVID-19; BV Đa khoa Sài Gòn phát hiện 5 ca dương tính COVID-19 thông qua khám sàng lọc trong vòng 4 giờ (từ 12h30-16h30) chiều 21-6.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ - cố vấn chuyên môn BV Nhi Đồng 1 TP.HCM - chia sẻ: Trong số những ca dương tính được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. HCM công bố chiều qua thì những F0 được phát hiện từ cơ sở y tế là đáng lo nhất. Chúng ta phải đặt câu hỏi vì sao đến lúc này mới phát hiện ra họ? Liệu có thể tiếp cận xét nghiệm họ sớm hơn hay không?
"Liệu trong cộng đồng còn bao nhiêu trường hợp tương tự như vậy, họ còn lang thang đi phát tán vi rút, làm sao để phát hiện họ sớm nhất. Chiến lược xét nghiệm, nơi xét nghiệm và loại xét nghiệm phải trả lời được câu này. Nếu không trả lời được vấn đề mấu chốt này thì toàn TP.HCM sẽ chỉ còn lại 1 điểm phong tỏa" - Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Khanh, đối với các ca F0 phát hiện trong khu cách ly có bao nhiêu phần trăm bị lây bệnh sau khi vào đây. Nếu có thì phải xem lại hiệu quả khu cách ly. Trường hợp năng lực cách ly không đáp ứng được thì nên để người dân tự cách ly.
"Trường hợp các ca phát hiện trong khu phong tỏa thì những F0 này bị lây trước hay bị lây âm ỉ sau phong tỏa. Năng lực xét nghiệm, thời gian trả lời kết quả có đủ trả lời hết nguồn lây trong khu phong tỏa để gỡ phong tỏa không? - Bác sĩ Khanh đặt câu hỏi.
Xét nghiệm COVID-19 trong cộng đồng. Ảnh: HCDC |
Đối mặt với các ca nghi nhiễm, nhiễm liên tục tăng "chóng mặt", bác sĩ Khanh đặt vấn đề hiện tại, ca dương tính trong cộng đồng liên tục gia tăng, các ca dương tính trong khu cách ly cũng gia tăng, việc quá tải khối điều trị là quá nguy hiểm.
Tính từ ngày 26/5 đến hết ngày 24/6, TP.HCM đã lấy 1.085.493 mẫu xét nghiệm (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao,...). Trong đó, 17.459 mẫu F1, 147.566 mẫu F2, 920.468 mẫu tiếp xúc khác và mở rộng. Hiện TP đang chờ kết quả 343.070 mẫu xét nghiệm.
Hiện toàn TP có 31 bệnh nhân nhiễm COVID-19 có triệu chứng nặng, trong đó có 12 bệnh nhân đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới, 3 bệnh nhân đang điều trị tại BV Chợ Rẫy, 7 bệnh nhân đang điều trị tại BV Phạm Ngọc Thạch, 4 bệnh nhân đang điều trị tại BV điều trị COVID huyện Củ Chi và 5 bệnh nhân đang điều trị tại BV điều trị COVID Trưng Vương.