Mẹ bỉm xông pha chống dịch, xa con trai mới 10 tháng tuổi đêm còn rúc tìm bầu vú

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes - Khẽ hôn lên đôi má núng nính của con trai đang còn mê ngủ, tạm biệt con để đi làm “chiến sĩ” chống dịch COVID-19, bác sĩ Thanh Thúy rưng rưng nước mắt.
Bác sĩ Thanh Thúy cùng bệnh nhi và con trai. Ảnh: NT ghép
Bác sĩ Thanh Thúy cùng bệnh nhi và con trai. Ảnh: NT ghép

Mẹ bỉm sẵn sàng lên đường chống dịch, xa con trai đêm còn rúc tìm bầu vú

Theo chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM, BV Trưng Vương chuyển đổi công năng thành BV Điều trị COVID-19, đáp ứng tình hình dịch bệnh liên tục gia tăng. Ngay khi nhận nhiệm vụ, các bác sĩ nhanh chóng thu xếp việc gia đình để chu toàn lo cho công tác chống dịch.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy – công tác tại Khoa Cấp cứu BV Trưng Vương- chia sẻ: “Bác sĩ tụi mình luôn sẵn sàng tham gia chống dịch. Thậm chí trước đó, mình cũng đã làm đơn tình nguyện nếu BV có chuyển đổi công năng thì mình sẽ tham gia chống dịch”.

Dù có con nhỏ mới hơn 10 tháng tuổi, nhưng khi BV gọi tên, bác sĩ Thanh Thúy xông pha không ngần ngại. Chị giao con cho chồng và ông bà chăm sóc. Tâm sự với chúng tôi, giọng chị tỏ ra cứng rắn nhưng vẫn không giấu được nghẹn ngào khi nghĩ về con trai.

“Ngày con trai được 10 tháng 11 ngày thì mẹ xách vali vào BV cùng đồng đội chăm sóc người bệnh nhiễm COVID-19. Con trai sẽ xa mẹ tới tận 1 tháng, nếu bình yên thì ở cạnh nhau 2 tuần rồi lại tiếp tục xa nhau 1 tháng, lặp đi lặp lại cho tới hết dịch. Thương con trai chưa dứt sữa mẹ, chưa dứt hơi mẹ, đêm đêm còn rúc tìm bầu vú phải cai sữa rồi học cách xa mẹ” – Bác sĩ Thanh Thúy viết.

Hình ảnh bác sĩ Thanh Thúy cho em bé nhiễm COVID-19 bú lan tỏa trên mạng xã hội. Ảnh: NVCC
Hình ảnh bác sĩ Thanh Thúy cho em bé nhiễm COVID-19 bú lan tỏa trên mạng xã hội. Ảnh: NVCC

Xa con, bác sĩ Thúy nhớ con nhiều, nhiều lần nước mắt chảy dài. Nữ bác sĩ tâm sự: “Lúc hết ca trực, có thời gian mình hay gọi về cho gia đình. Nhưng từ nhỏ mình không cho con tiếp xúc với điện thoại nên mỗi khi gọi facetime thì con không biết nhìn vô màn hình để gặp mẹ. Mình gọi con thì con ngó nghiêng hết phải sang trái tìm mẹ, chắc nghĩ mẹ đang ở nhà gọi mình. Lúc đó càng thấy tội con, mình cố kiềm nước mắt chứ biết làm gì bây giờ”.

Để được an tâm công tác, bác sĩ Thúy đã có những hậu phương tinh thần vững chắc, đó là chồng, là ông bà, các dì, các cô. Nếu trước đây, anh chồng phụ giúp vợ chăm con thì bây giờ, anh đảm đương mọi việc, tự xoay sở nhiều việc trong gia đình. Khi nói chuyện với nhau, chồng luôn động viên chị cố gắng công tác tốt, giữ gìn sức khỏe để chăm sóc bệnh nhân, an toàn trong chống dịch, chị cũng động viên anh thay mình quán xuyến việc gia đình.

Ông bà cũng là cánh tay đắc lực giúp chị trông cháu, vỗ về những ngày thiếu vắng hơi ấm của mẹ. Khi rảnh rỗi, các dì, các cô xoắn tay chơi đùa với cháu.

Bác sĩ Thúy vắt sữa sau những ca trực để dành cho em bé mắc bệnh. Ảnh: NVCC
Bác sĩ Thúy vắt sữa sau những ca trực để dành cho em bé mắc bệnh. Ảnh: NVCC

“Những ngày trước khi đi, mình nói đi nói lại với con là mẹ sẽ tạm xa con dài ngày, con ở với mọi người nhớ ngoan nhé! Con trai được hoài thai, sinh ra và lớn lên giữa đại dịch nên mình tin con là chàng trai mạnh mẽ và con sẽ thông cảm cho những quyết định của mẹ.

Mình nghĩ sẽ dành thật nhiều thời gian bên cạnh con nhưng chưa bao giờ nghĩ lại phải xa con thật nhanh và nhiều như thế này. Khi mẹ đi, con đã biết vịn tường, vịn ghế đứng dậy bước lò dò. Khi gặp lại, chắc con đã biết đi. Mình thật tiếc gì không được chứng kiến tận mắt những bước đi đầu đời của con” – Bác sĩ Thanh Thúy tâm sự và không quên dặn dò con trai: “Hiện tại con chỉ mới bập bẹ a-ba, lúc gặp lại nhớ gọi thêm mẹ nhé!”.

Trao dòng sữa ngọt lành cho bệnh nhi 7 tháng nhiễm COVID-19

Ngày 22/6, BV Trưng Vương tiếp nhận 3 cha con (ở phường An Lạc, quận Bình Tân) mắc COVID-19. Trong 2 người con thì có 1 bé trai 25 tháng tuổi và 1 bé gái 7 tháng tuổi. Các bác sĩ thương tình nên xếp một chỗ “ngon” trong khoa để 3 cha con được nằm chung.

Bác sĩ Thúy cho biết nguồn lây là từ người mẹ đi chợ vô tình tiếp xúc với ca mắc COVID-19, sau đó về nhà lây cho chồng và 2 con. Hiện người mẹ đang được điều trị tại BV Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM). “Ông bố cũng phải thở oxy, vẻ mặt tiều tuỵ mệt mỏi nhưng phải ráng gồng mình vì hai đứa con, vì vợ, thật xót xa. Hiện tại tình hình sức khỏe của 2 bé ổn, người cha vẫn đang tiếp tục thở oxy” – Bác sĩ Thúy cho biết.

Em bé 7 tháng tuổi nhiễm COVID-19 được các bác sĩ . Ảnh: NVCC

Em bé 7 tháng tuổi nhiễm COVID-19 được các bác sĩ . Ảnh: NVCC

Dù sức khỏe 2 bé ổn nhưng vẫn còn quá nhỏ. Do đó, bác sĩ Thúy và đồng nghiệp thay nhau chăm sóc, pha sữa cho em bé 7 tháng tuổi bú, cho bé lớn ăn, thay tã, phụ tắm, làm trò cho các bé vui.

Khi nghe tin có em bé nhỏ thì chị vắt sữa để dành mang cho bé. Ôm bé vào lòng cho bú, chị cảm giác em bé như con của mình, nỗi nhớ con trai đang ở nhà càng da diết. Uống xong những dòng sữa ngọt lành, em bé ngủ ngon, say giấc khiến chị thêm thổn thức.

Nhiều mẹ bỉm sữa đã liên hệ BV tặng sữa cho em bé mắc COVID-19. Ảnh: NVCC

Nhiều mẹ bỉm sữa đã liên hệ BV tặng sữa cho em bé mắc COVID-19. Ảnh: NVCC

Hành động của bác sĩ Thanh Thúy đã khiến mọi người cảm kích. Trong hoàn cảnh dịch bệnh khắc nghiệt, nữ bác sĩ đã vừa làm nhiệm vụ, vừa trao cho em bé dòng sữa ngọt lành của mình đã chạm đến trái tim mọi người. Bác sĩ Thúy cho rằng đây chỉ là một hành động nhỏ nhoi trong muôn vàn điều tốt lành của cuộc sống.

“Mình nghĩ với bản năng làm mẹ, ai trong trường hợp như mình cũng sẽ hành động như vậy. Sau khi mình chia sẻ hoàn cảnh của em bé 7 tháng tuổi, nhiều mẹ bỉm sữa đã liên hệ gửi tặng sữa cho bé dù chưa một lần ôm bé trên tay. Những dòng sữa mát lành sẽ nuôi dưỡng con mau hết bệnh. Mình mong bố mẹ bé sớm hết bệnh, khỏe mạnh, hai bé mau khỏi để cả nhà trở lại cuộc sống thường ngày” – Bác sĩ Thanh Thúy tâm sự.