TP.HCM “bí” phương án huy động 44 tỷ USD đầu tư hạ tầng giao thông

Trong khi các phương thức đầu tư truyền thống như BOT, BT hiện đang gặp nhiều khó khăn, ước tính trong giai đoạn 2015-2023, TP HCM cần nguồn vốn khoảng khoảng 44 tỷ USD để đầu tư hạ tầng giao thông. Do vậy, cần phải tìm ra các phương thức huy động vốn khác nhau để đầu tư cho hạ tầng. 
Mỗi dự án cầu, đường có vốn đầu tư rất lớn nên việc huy động vốn luôn gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Anh Quân
Mỗi dự án cầu, đường có vốn đầu tư rất lớn nên việc huy động vốn luôn gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Anh Quân

Vấn đề này được các chuyên gia nêu ra tại hội thảo các giải pháp huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng TPHCM giai đoạn 2016-2021 diễn ra chiều nay, 7-7, tại TPHCM.

Theo tính toán của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), giai đoạn 2015-2030, TPHCM cần khoảng 1 triệu tỉ đồng (tương đương 44 tỉ đô la Mỹ) để đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, trong khi các hình thức đầu tư BOT đang gặp khó khăn do không còn chỗ đặt trạm thu phí, còn hình thức BT thì không còn quỹ đất để đổi cho nhà đầu tư. Vì thế, việc tìm ra các phương thức mới để huy động vốn đầu tư cho hạ tầng trong những năm tới là bài toán khó cho chính quyền TPHCM.

Tại hội thảo, ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đề xuất cần phải đánh phí phát triển đối với những dự án được hưởng lợi từ sự phát triển hạ tầng. Ví dụ những dự án bất động sản được hưởng lợi từ tuyến metro số 1 phải trả một khoản phí do giá trị đất tăng lên, sau đó phí này được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ông Du khuyến nghị, TPHCM cần đề xuất với Trung ương cho thử nghiệm mô hình đơn vị hành chính đặc biệt cho Thủ Thiêm để thử nghiệm các cách thức cung cấp dịch vụ công hiện đại. Dựa vào đó, thành phố có thể đề xuất Trung ương cho giữ lại nguồn vốn nhiều hơn đối với nguồn thu từ các khu hành chính đặc biệt này để đầu tư cho các dự án hạ tầng.

“Đây là những cách thức huy động nguồn lực địa phương rất phổ biến trên thế giới nhưng chưa có ở Việt Nam. Nếu các hình thức huy động nguồn lực này được áp dụng thì nguồn vốn được giữ lại rất dồi dào và ổn định cho đầu tư hạ tầng”, ông Du nói.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó trưởng khoa Tài chính-Ngân hàng, Đại học Công nghiệp TPHCM, cho rằng chính quyền địa phương cần thành lập quỹ đất làm nguồn tài chính phát triển cơ sở hạ tầng trong dài hạn, trong đó ưu tiên thu hồi những khu đất có chi phí thấp (cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đất nông nghiệp). Sau đó dùng quỹ đất này như một nguồn vốn để đổi lấy các dự án hạ tầng.

Đối với các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, Nhà nước có thể xem xét xây dựng và áp dụng thí điểm luật điều tiết cơ sở hạ tầng để tạo thêm nguồn vốn cho thành phố tái đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Riêng đối với hình thức hợp tác công - tư (PPP), Nhà nước phải đảm nhận phần tái định cư để chia sẻ rủi ro cho nhà đầu tư và để dự án hiệu quả hơn.

Một phương thức huy động vốn mà lâu nay ít được thực hiện là huy động vốn nhàn rỗi trong dân được ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM, đề xuất nên thực hiện trong những năm tới.

Dẫn số liệu tổng hợp từ các nguồn khác nhau, ông Bảo ước tính tổng số tiền nhàn rỗi của người dân trong cả nước gồm tích trữ vàng, tiền gửi ngoại tệ, tiền gửi tiết kiệm ước tính vào khoảng 50 tỉ đô la Mỹ.

Theo ông Bảo, việc huy động vốn nhàn rỗi trong dân có thể được thực hiện thông qua trái phiếu chính quyền địa phương. Vấn đề còn lại là cách thực hiện làm sao để tạo ra sự hấp dẫn của trái phiếu như dễ mua, dễ chuyển đổi, có sự an toàn như gửi ngân hàng. Nếu huy động được nguồn tiền này thì sẽ đáp ứng được nhu cầu vốn cho đầu tư hạ tầng của thành phố.

Theo TBKTSG