TP.HCM: Bạn đáng sống, chung tay vì cộng đồng hỗ trợ F0 trong vùng dịch 24/24

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhóm thiện nguyện BĐS (Bạn đáng sống – Chung tay vì cộng đồng) nỗ lực miệt mài cho đi cả vật chất và tấm lòng giữa tâm dịch TP.HCM.
Nhóm thiện nguyện BĐS - Bạn đáng sống mang ô xy đến tận nhà cấp cứu F0
Nhóm thiện nguyện BĐS - Bạn đáng sống mang ô xy đến tận nhà cấp cứu F0

Giữa những chặng đường thiện nguyện miệt mài thiếu ăn thiếu ngủ, ông Trần Huy Đăng (tên thường gọi là ông Tám Sang), trưởng nhóm Hội thiện nguyện BĐS - Bạn đáng sống, chung tay vì cộng đồng, kể với VietTimes:

“Đội ngũ phản ứng nhanh của chúng tôi có 46 người, đã hoạt động từ hồi năm 2020 đi cứu trợ vùng lũ đến giờ. Lúc dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở quận Gò Vấp, là chúng tôi nỗ lực hơn nữa phát huy hết khả năng của nhóm thiện nguyện, hỗ trợ mọi mặt cho bà con vùng dịch, vừa đưa F0 đi cấp cứu, tiếp ô xy, tặng thuốc điều trị, hỗ trợ vật tư y tế, phun xịt khử khuẩn cùng với các lực lượng chức năng, hỗ trợ thực phẩm cứu đói cho nhiều khu vực dân nghèo cho đến cả việc chôn cất tẩm liệm những nạn nhân không may qua đời…” - ông Tám Sang nói.

Xe cấp cứu cộng đồng của nhóm thiện nguyện BĐS đi cứu F0

Xe cấp cứu cộng đồng của nhóm thiện nguyện BĐS đi cứu F0

Mặc dù cứu trợ vùng dịch COVID-19 phía Nam trong lúc dịch bệnh tăng cao đến cực đỉnh như thời gian vừa rồi đầy rẫy khó khăn và nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của từng người tham gia thiện nguyện nhưng nhóm vẫn miệt mài trên những cung đường. Ông Tám Sang cho hay, Hội thiện nguyện BĐS đi cả ngày lẫn đêm, thay nhau trực 24/24 giờ mỗi ngày, nhận được cuộc gọi hoặc thông tin cần cứu trợ là lên đường; bất kể giờ giấc, bữa ăn giấc ngủ đều bị dở dang.

Nhóm có 6 xe cấp cứu cộng đồng chở bệnh nhân đi cấp cứu, đều là xe của cá nhân các thành viên tham gia nhóm góp lại, 12 tài xế và tiền xăng nhớt đều do nhóm tự chi trả, hoàn toàn miễn phí cho các bệnh nhân, đặc biệt là F0 đang kẹt tại các khu phong toả.

Nhìn thấy từng ngày xung quanh mình diễn biến của dịch bệnh quá đau thương, quá nhiều bệnh nhân cần cấp cứu, quá nhiều hộ dân nghèo bị đói, ông Tám Sang tự sự: “Không làm gì thì không yên. Tôi muốn đem những giá trị sống chia sẻ với mọi người. Không hề có một cảm xúc tiêu cực nào, không đắn đo, suy nghĩ nhiều, thấy việc cần thì tôi làm thôi”.

Luôn sẵn sàng vác bình ô xy trên vai lội bộ tới từng ngõ ngách, hẻm nhỏ

Luôn sẵn sàng vác bình ô xy trên vai lội bộ tới từng ngõ ngách, hẻm nhỏ

Hội thiện nguyện BĐS hoạt động 24/24 để cứu từng F0

Hội thiện nguyện BĐS hoạt động 24/24 để cứu từng F0

Vác lên vai những bình ôxy nặng cả hai chục ký, thành viên Hội thiện nguyện BĐS lầm lũi đi vào các hẻm sâu để cấp cứu F0, ngay cả các khu chung cư hiện tại BQL cũng đều không cho sử dụng thang máy, đội thiện nguyện phải vác bình oxy đi theo thang bộ lên nhà F0.

Áp lực quay cuồng với từng chuyến xe cấp cứu, khi mỗi giây phút đều là chuyện sinh tử đối với bệnh nhân, bệnh viện nào cũng đã cực kỳ quá tải nhưng vẫn buộc phải giành giật từng mạng sống luôn đè nặng trách nhiệm lên đôi vai những người tham gia Hội thiện nguyện BĐS. “Tất cả các tài xế không đồng và thành viên tham gia nhóm thiện nguyện của chúng tôi đều đã học kỹ năng sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho các bệnh nhân. Trên xe có sẵn bình ô xy để đảm bảo cấp cứu kịp thời cho các F0 trở nặng. Tuỳ tình hình, bệnh nhân cư trú ở khu vực nào thì sẽ đưa nhập viện vào cơ sở y tế gần đó” – ông Tám Sang kể.

Nhóm thiện nguyện Bạn đáng sống nhiều lần mang ô xy đến tận giường cấp cứu F0
Nhóm thiện nguyện Bạn đáng sống nhiều lần mang ô xy đến tận giường cấp cứu F0
Ông Tám Sang là trưởng nhóm thiện nguyện Bạn đáng sống
Ông Tám Sang là trưởng nhóm thiện nguyện Bạn đáng sống

Một video ghi lại hành trình đi cấp cứu các F0 trong tâm dịch của nhóm BĐS

“Tôi từ nghèo khổ đi lên, chữ nghĩa không có nhiều, gia đình khổ cực nên 9 tuổi tôi đi bán trứng vịt lộn với mẹ, mẹ cho tiền làm vốn đến năm 12 tuổi tự đi bán trà trá, chuối chiên, dưa hấu… Lên 14 tuổi tôi đi theo xe than, qua nhiều năm lưu lạc Bắc - Nam… mãi vẫn làm ăn thất bại, đến khi tôi chuyển sang kinh doanh hệ thống camera, thiết bị báo động mới khá hơn. Năm 2008, lần đầu tiên tôi làm tình nguyện vì thấy người nghèo tôi nhớ lại cảnh ngày xưa của mình rồi cứ thế tôi làm đến giờ”, ông Đăng kể.

Cho đến hiện tại, ông Tám Sang ngậm ngùi cho hay, trong 46 người tham gia Hội thiện nguyện BĐS thì có 10 người quá mệt, quá đuối, đã trở về cách ly cùng với gia đình, còn lại 36 người vẫn tiếp tục miệt mài với công việc cứu trợ; chỉ mong đến một ngày không xa Sài thành yêu thương sẽ khoẻ lại, dịch hết, bà con được an lành.