TP.HCM: Sẵn sàng cho tình huống xuất hiện 500 ca bệnh COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes - Phát hiện các ca nhiễm mới bước đầu khẳng định nguồn lây, TP.HCM tăng cường nâng cao mức cảnh giác với COVID-19.
Lực lượng chức năng lập tức có mặt trên địa bàn, lấy mẫu xét nghiệm cư dân chung cư Sunview Town ngay khi phát hiện ca dương tính mới chưa rõ nguồn lây (Ảnh: Phạm Nguyễn)
Lực lượng chức năng lập tức có mặt trên địa bàn, lấy mẫu xét nghiệm cư dân chung cư Sunview Town ngay khi phát hiện ca dương tính mới chưa rõ nguồn lây (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Xét nghiệm trên diện rộng nhiều đối tượng

Trước tình hình vừa phát hiện ra 2 ca COVID-19 bước đầu khẳng định nguồn lây, một BN ngụ tại TP Thủ Đức, một là đồng nghiệp của bệnh nhân nói trên, cư trú quận 7, TP.HCM tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn duy trì mức cảnh giác cao nhất đối với dịch COVID-19.

Ông Phong chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với Ban quản lý Khu công nghệ cao tiến hành xét nghiệm tầm soát cho người lao động tại cơ sở có môi trường lao động khép kín và sử dụng máy lạnh (dự kiến 5.000 người); Phối hợp với đơn vị liên quan chuẩn bị tổ chức diễn tập phương án ứng phó tình huống xảy ra dịch bệnh trong khu công nghiệp; Ban hành văn bản chỉ đạo các bệnh viện triển khai xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia, sau đó định kỳ rà soát mỗi 7 ngày tại khu vực có nguy cơ trong bệnh viện (công văn số 2739/SYT-NVY).

Sẵn sàng phương án xử lý tình huống dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng; xây dựng kế hoạch của Sở Y tế tăng cường năng lực xét nghiệm COVID-19 và tổ chức cách ly điều trị trong tình huống có 500 người bệnh COVID-19.

Tiếp tục tổ chức khai báo y tế, xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên đối với hành khách tại sân bay, nhà ga xe lửa, bến xe liên tỉnh; giám sát, tầm soát nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đối với các nhóm người, khu vực có nguy cơ cao; phối hợp cơ quan truyền thông đại chúng thông báo rộng rãi kết quả giám sát để người dân nắm bắt tình hình, từ đó chủ động, tự giác tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Toàn bộ cư dân block A1 chung cư Sunview Town (TP Thủ Đức) được lấy mẫu xét nghiệm ngay khi phát hiện ca dương tính mới (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Toàn bộ cư dân block A1 chung cư Sunview Town (TP Thủ Đức) được lấy mẫu xét nghiệm ngay khi phát hiện ca dương tính mới (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Được biết, TP.HCM đã tiến hành tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, đợt 1 (từ ngày 08/3/2021 đến ngày 19/4/2021) tiêm 9.155 mũi cho nhân viên y tế và nhân viên các khách sạn thực hiện cách ly tập trung. Đợt 2 (từ ngày 19/4/2021 đến ngày 15/5/2021)tiêm 63.836 mũi (55.236 người tiêm mũi 1; 8.600 người tiêm mũi 2), gồm 59.525 mũi cho nhân viên y tế, 4.311 mũi cho nhân viên tại sân bay, cảng biển và các khách sạn thực hiện cách ly tập trung.

Các trường hợp có phản ứng sau tiêm đều được theo dõi chặt chẽ, hiện chỉ có 1 trường hợp sốc phản vệ, còn lại tất cả đều ổn định.

Ngoài ra, ngành y tế cũng hỗ trợ lực lượng công an tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 1.000 cán bộ công an tham gia nhiệm vụ phòng chống dịch COVID - 19 của thành phố.

Tiếp nhận vắc xin từ nguồn cung ứng của Bộ Y tế và tổ chức tiêm phòng COVID-19 đợt 3 cho các đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ (trong đó sẽ tiêm 55.166 mũi 2 cho các đối tượng được tiêm đợt 2).

Quyết liệt triển khai nhiều biện pháp

So với 3 đợt dịch trước, đợt dịch lần này có mức độ nguy hiểm cao với nhiều ca nhiễm lớn tại các địa phương, chủng virus có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, trên phạm vi rộng hơn và kiểm soát khó khăn hơn.

Để giữ vững những thành quả trong công tác phòng chống dịch, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu đặt mục tiêu sức khoẻ của nhân dân là trên hết.

Đặc biệt, ông Phong giao từng cơ quan, đơn vị phải chủ động hoàn chỉnh phương án, kịch bản để chuẩn bị sẵn sàng trong mọi tình huống dịch bệnh, trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và địa bàn quản lý; các phương án phòng chống dịch bệnh trước, trong thời gian bầu cử theo đúng công điện số 668 ngày 16/5/2021 của Bộ Y tế.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu Giám đốc các bệnh viện có phương án phòng chống dịch cụ thể bằng văn bản, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản khi xảy ra dịch bệnh tại đơn vị.

Lực lượng chức năng sẵn sàng phản ứng nhanh với các địa bàn phát hiện bệnh nhân mới (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Lực lượng chức năng sẵn sàng phản ứng nhanh với các địa bàn phát hiện bệnh nhân mới (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch từng cơ quan, đơn vị, trong thời gian này không được rời Thành phố, phải luôn trong tư thế thường trực, sẵn sàng chống dịch.

Các UBND phường/xã/thị trấn công bố đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh liên quan đến việc không tuân thủ phòng chống dịch trên địa bàn quản lý. Đồng thời, khẩn trương kiện toàn các đội kiểm tra, giám sát phòng chống dịch và giải tán các trường hợp tập trung 30 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học và bệnh viện.

Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, kể cả tình huống xấu nhất là có 500 ca nhiễm theo phương châm 5 tại chỗ. Tiếp tục thực hiện tầm soát dịch bệnh chủ động, tổ chức xét nghiệm trên diện rộng đối với các đối tượng nguy cơ, nhất là công nhân làm việc trong không gian kín. Tổ chức lấy mẫu nhanh, xét nghiệm nhanh, công bố kết quả nhanh trong vòng 12 giờ để triển khai các biệp pháp phòng chống dịch kịp thời.