Tổng thống Zelensky nhờ Italy gây sức ép để Mỹ cung cấp thêm Patriot

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hy vọng rằng chính quyền Rome có thể giúp ông có thêm các khẩu đội tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và nhà lãnh đạo Ukraine Vladimir Zelensky tổ chức họp báo ở Kiev ngày 24/2 (Ảnh: Getty)
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và nhà lãnh đạo Ukraine Vladimir Zelensky tổ chức họp báo ở Kiev ngày 24/2 (Ảnh: Getty)

Ukraine muốn Italy sử dụng vai trò Chủ tịch G7 của mình để gây áp lực với Mỹ cung cấp thêm hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Kiev, tờ Il Messaggero của Italy dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này đưa tin hôm 8/9.

Theo tờ báo, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky coi Rome là “trung gian hòa giải” có thể giúp “thúc đẩy Washington gỡ bỏ rào cản đối với việc chuyển giao một số lượng đáng kể Patriot” trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Ông Zelensky đã gặp Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại Diễn đàn Ambrosetti ở Cernobbio hôm thứ Bảy tuần trước. Tại sự kiện này, hai nhà lãnh đạo đã cùng thảo luận về đợt viện trợ tiếp theo của phương Tây cho Ukraine. Bà Meloni tái khẳng định sự ủng hộ của mình và cam kết sẽ “không bỏ rơi Ukraine”.

“Người dân của chúng tôi thường xuyên bị đe dọa bởi các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga hàng ngày, hàng đêm”, ông Zelensky phát biểu tại Italy, nhắc lại các cuộc tấn công gần đây nhằm vào các thành phố Kharkiv, Poltava và Lviv của Ukraine.

"May mắn thay, chúng tôi có hệ thống phòng không - cũng nhờ Italy. Nhưng nó không đủ để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ của chúng tôi và đẩy lùi mọi cuộc tấn công của Nga", ông nói thêm.

Các quan chức ở Kiev đã thúc giục các nước NATO cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến hơn khi Nga tăng cường tấn công vào lãnh thổ Ukraine trong những tuần gần đây, chủ yếu nhằm vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng năng lượng và quân sự. Theo truyền thông Italy, Rome dự kiến ​​sẽ tặng khẩu đội phòng không SAMP/T thứ hai vào cuối tháng này.

Tờ Defense Post hồi tháng 6 đưa tin Ukraine có tổng cộng 3 khẩu đội Patriot đang hoạt động. Một tháng sau đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa rằng Kiev sẽ nhận thêm 5 khẩu đội pháo do Washington và các đồng minh cung cấp.

“Chúng tôi tập trung vào các nhu cầu ưu tiên của Ukraine, bao gồm phòng không, hỏa lực và xe thiết giáp”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết trong tuần trước.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó tuyên bố rằng một số bệ phóng Patriot đã bị phá hủy ở Ukraine. Moscow khẳng định rằng không có lượng vũ khí phương Tây nào có thể ngăn cản quân đội của họ, với cảnh báo của Điện Kremlin vào tháng 6 rằng “mỗi lô hàng mới sẽ tạo thành một làn sóng leo thang khác”.

Phương Tây do dự khi cung cấp vũ khí cho Kiev

Trước đó, trung tuần tháng 8, một nguồn tin chính thức của phương Tây nói với tờ Financial Times rằng các thành viên EU không muốn tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine.

Trong một bài xã luận được công bố hôm 13/8, biên tập viên khu vực châu Âu của tờ báo Financial Times, Ben Hall, đã mô tả cuộc tấn công đang diễn ra của Ukraine vào Vùng Kursk của Nga là một “canh bạc” được kích hoạt bởi lo ngại rằng ông Donald Trump sẽ được bầu làm Tổng thống Mỹ vào tháng 11 và buộc phải đưa ra một quyết sách sẽ bất lợi cho Kiev.

Ông Hall lưu ý rằng, chính phủ Ukraine đang chấp nhận rủi ro vì họ không có lựa chọn thực tế nào để giành chiến thắng về mặt quân sự, với mức độ hỗ trợ hiện tại của phương Tây và các nguồn lực mà nước này đã có trong tay.

Một quan chức cấp cao của châu Âu nói với tờ báo rằng “có sự “công nhận” rằng các nước châu Âu nên gửi thêm vũ khí cho Ukraine, nhưng “không có cuộc thảo luận thực chất nào về các lựa chọn”.

Ông Hall thêm rằng các mục tiêu của Kiev trong cuộc tấn công Kursk chủ yếu là chính trị: cho các nhà tài trợ phương Tây thấy rằng họ không trượt theo hướng đầu hàng, nâng cao tinh thần ở trong nước và cố gắng chiếm càng nhiều lãnh thổ càng tốt để cuối cùng có thể hoán đổi trong các cuộc đàm phán hòa bình.

Xem xét khả năng ông Trump trở thành tổng thống ở Mỹ, Hall chỉ ra rằng đổi đất là “một giao dịch mà một nhà phát triển bất động sản trở thành Tổng thống có thể thực hiện được”. Ông Trump đã tuyên bố rằng ông có thể chấm dứt tình trạng thù địch trong vòng 24 giờ nếu đắc cử.

Các quan chức phương Tây tuyên bố rằng Kiev đã không thông báo cho họ trước khi tiến vào Vùng Kursk mặc dù cuộc tấn công kể từ đó đã được ca ngợi. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell hôm thứ Ba đã ca ngợi trên X (trước là Twitter) rằng Nga "hiện đang bị thúc đẩy phải rút khỏi lãnh thổ (Nga)".

Áp lực lên các vị trí phòng thủ của Ukraine ở khu vực Donbass dường như không bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công, trong đó các báo cáo về tiến triển của Nga được đưa ra hàng ngày. Trong khi đó, nước cờ này của Kiev được cho là đã cướp đi sinh mạng của một số binh sĩ giàu kinh nghiệm nhất cũng như những vũ khí có giá trị do phương Tây tài trợ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã đề nghị ra lệnh ngừng bắn để đổi lấy việc Kiev từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO và rút quân khỏi các vùng lãnh thổ mà Moscow tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, ông loại trừ các cuộc đàm phán hòa bình, với lý do Ukraine tấn công dân thường Nga ở Vùng Kursk.

Theo RT, Kyiv Independent