Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (Ảnh: RT) |
Theo Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, ngoài căn cứ không quân Incirlik ở Adana, Trạm Radar Kurecik ở tỉnh Malatya cũng có thể bị đóng cửa. Được biết Trạm Kurecik sở hữu hệ thống radar cảnh báo sớm mà quân đội Mỹ lắp đặt, đóng vai trò chiến lược trong mạng lưới phòng thủ tên lửa đạn đạo của NATO.
"Chúng ta sẽ đóng cửa Incirlik nếu cần thiết" - Tổng thống Erdogan nói trên kênh truyền hình A Haber - "Nếu họ đe dọa chúng ta bằng việc thực thi các đòn cấm vận này, đương nhiên chúng ta sẽ trả đũa".
Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng từng đưa ra lời cảnh báo tương tự. Trong cuộc phỏng vấn trên kênh A Haber, Tổng thống Erdogan đã nhắc lại lời cảnh báo này khi nói về nghị quyết mà Thượng viện Mỹ thông qua mới đây, trong đó công nhận vụ thảm sát người Armenia của đế chế Ottoman là hành động "diệt chủng".
Mặc dù nghị quyết này bị Tổng thống Mỹ Donald Trump phản đối do lo ngại ảnh hưởng tới quan hệ vốn đang lạnh nhạt giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng bản thân ông Trump lại không ngại đe dọa áp đòn trừng phạt với Ankara - thậm chí là sử dụng vũ lực.
Cuộc khẩu chiến căng thẳng giữa hai nước xuất hiện kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria trong tháng 10 năm nay nhằm vào lực lượng người Kurd đồng minh với Mỹ, Thời điểm đó, Ankara đã bị áp lệnh trừng phạt, nhưng sau đó các đòn trừng phạt này được gỡ bỏ do ông Trump nói rằng cuộc khủng hoảng đã được giải quyết.
Tuần trước, các nghị sĩ Mỹ tại Thượng viện đã ủng hộ một dự luật cho phép áp đòn trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ do nước này mua hệ thống phòng không S-400 của Nga và do chiến dịch quân sự của Ankara nhằm vào người Kurd ở miền Bắc Syria. Thương vụ S-400 giữa Ankara và Moscow hiện là tâm điểm bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước đồng minh của họ trong NATO.
Việc ông Erdogan chỉ dích danh căn cứ Incirlik không phải là lần đầu tiên mà cơ sở quân sự của NATO này xuất hiện trên các mặt báo. Sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016, giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa tin hàng nghìn cảnh sát vũ trang cùng xe thiết giáp đã bao vây căn cứ Incirlik, trước một số tin đồn có âm mưu đảo chính mới.
Chính quyền Ankara sau đó giải thích rằng, họ triển khai cảnh sát vũ trang như một hoạt động kiểm tra an ninh thường lệ trước một chuyến thăm cấp cao của phái đoàn quân sự Mỹ. Tuy nhiên, có điều đáng chú ý rằng, sau sự kiện đảo chính nọ, một số quan chức quân sự cấp cao tại Incirlik đã bị bắt giữ vì cáo buộc phản quốc, bởi chính quyền cho rằng một chiến đấu cơ F-16 tham gia vào âm mưu đảo chính được tiếp nhiên liệu tại đây.
Năm 2017, Quốc hội Đức bỏ phiếu để rút hết binh sĩ của họ tại căn cứ Incirlik, điều chuyển tới Jordan, sau khi chính quyền Ankara từ chối cho phép các thành viên Quốc hội Đức tới thăm căn cứ này. Thổ Nhĩ Kỳ chặn quyền tiếp cận của nghị sĩ Đức sau khi Berlin trao diện tị nạn cho một số công dân Thổ Nhĩ Kỳ mà Ankara cho là có dính líu tới cuộc đảo chính năm 2016.
Incirlik là 1 trong 6 căn cứ được tận dụng làm kho chứa các đầu đạn hạt nhân của Mỹ ở châu Âu, với con số đầu đạn ước tính khoảng 90. Căn cứ này cũng từng được lực lượng đồng minh sử dụng trong chiến dịch không kích mà Mỹ dẫn đầu ở Syria và Iraq.
(Theo RT)