Mọi bên tham gia chiến trường Syria dường như đang phối hợp hành động khá nhuần nhuyễn. Mỹ, trong nỗ lực thực hiện chỉ thị mà Nhà Trắng đưa ra cách đây từ lâu, giờ quyết định rút binh sĩ khỏi Syria khi mà sứ mệnh tiêu diệt nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của họ được coi là hoàn tất. Nhưng quyết định này đẩy người Kurd - đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS - vào tình thế hiểm nghèo.
Nhưng khối đồng minh với người Kurd chỉ là ngắn hạn, trong khi đối tác lâu dài của Mỹ trong khu vực chính là Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ Mỹ - Thổ trước nay vốn phức tạp, nhưng giờ đã tạm lắng và vẫn dựa trên quan hệ đối tác trong khối NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ, mặt khác, cũng có những lợi ích an ninh riêng của họ, một trong số đó là làm làm giảm sự hiện diện của lực lượng người Kurd ở biên giới nước này. Nhận thức rõ điều đó, Mỹ đã cố gắng đảm bảo lợi ích tốt nhất cho đối tác lâu dài của họ, cùng lúc tạo cơ hội cho đối tác ngắn hạn giảm thiểu tổn thất, bằng thỏa thuận ngừng bắn mà Phó Tổng thống Mike Pence đạt được với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Nga thì rõ ràng là một bên tham gia chủ chốt trên chiến trường Syria. Bởi vậy mà việc đàm phán với Nga về bất cứ thỏa thuận tương lai nào trong khu vực là điều cực kỳ quan trọng. Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rõ rằng bất kỳ chiến lược quân sự nào của họ nếu muốn thành công đều phải tránh xung đột với lực lượng thân chính phủ Syria mà Nga hậu thuẫn.
Mỹ cũng hiểu rằng thà để cho lực lượng của Syria và Nga giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng còn hơn là để chúng rơi vào tay những kẻ cực đoan. Rõ ràng là đang có sự hợp tác quân sự giữa Mỹ và Nga, và một tiến trình chính trị đang diễn ra giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Kết quả là một thuật toán ở mức độ cao nhất định xuất hiện, tạo khoảng trống hành động cho tất cả các bên tham chiến ở Syria mà không bị vượt qua "lằn ranh đỏ" nào.
Điều này cho phép tất cả các bên tránh được xung đột trực diện với nhau. Thổ Nhĩ Kỳ bởi vậy mà được các siêu cường "bật đèn xanh" cho kế hoạch thiết lập vùng an toàn dọc biên giới của họ, dù nói trắng ra thì kế hoạch này là phi pháp. Mỹ sau đó có thể rút khỏi cuộc chơi, bởi Syria không còn quan trọng với họ nữa, và giữ được thể diện.
Bước đi tiếp theo của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể là tuyên bố giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ từng bị các phe phái chiến đóng để đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Người Kurd sẽ phải công nhận chính quyền của ông Assad để đổi lấy sự bảo đảm an toàn. Nga sẽ tái khẳng định vai trò là nước bảo trợ và điều hành chủ chốt, cùng lúc củng cố vị thế quân sự. Tất cả các diễn biến trên đang dần hình thành một diện mạo mới của Syria.
Đó có lẽ là viễn cảnh tốt nhất có thể. Viễn cảnh này sẽ xảy ra nếu như tất cả các bên hành động có tính toán và dựa trên lý trí.
Tuy nhiên, nếu xét đến các yếu tố ảnh hưởng xung quanh, mọi chuyện có thể sẽ khác đi.
Trước tiên, trên thực tế khó có thể có sự phối hợp giữa các bên trong khu vực - dù họ đạt được thỏa thuận nào đó, nó cũng xuất hiện khá muộn. Chính sách của Mỹ trong khu vực cũng đầy mâu thuẫn, trong khi quyết định rút binh khỏi Syria của Tổng thống Donald Trump cũng vấp phải sự phản đối kịch liệt ở trong nước. Quyết định trên đã gây ảnh hưởng tới cộng đồng cử tri ủng hộ ông Trump (việc ông từ chối bảo vệ người Kurd tạo hiệu ứng tiêu cực trong cộng đồng cử tri Công giáo) và cả hình ảnh nước Mỹ trước con mắt của cộng đồng quốc tế. Bởi điều này mà Nhà Trắng bị phen chao đảo.
Ông Trump vốn nổi tiếng là người đưa ra những quyết định nhất thời, rồi sau lại thay đổi. Bản chất của mối quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ ở thời điểm hiện tại cũng không rõ ràng: Có lúc Ankara được Washington "bật đèn xanh", rồi sau lại gặp "đèn đỏ". Có rất nhiều bất đồng giữa hai nước này, khiến hai bên khó tổ chức được một đối thoại nào ra trò.
Lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận về Syria trong cuộc họp tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Sochi (Ảnh: RT)
|
Còn đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, tình hình không quá phức tạp và cả hai bên đều có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với tình huống bất ngờ. Tuy nhiên, hai bên không phải không có căng thẳng: Sau cùng thì Thổ Nhĩ Kỳ đang xâm lược một nhà nước có chủ quyền, và dù có ra sao thì nó vẫn phạm vào các nguyên tắc cơ bản của Nga. Chưa kể đến rủi ro, vì một nguyên nhân nào đó, chiến dịch này sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát khiến cho tình trạng bạo lực lan ra khu vực rộng lớn hơn.
Sau đó phải kể đến Iran với quan điểm bảo thủ của họ. Tehran không hề thích thú gì hành động hung hăng của Thổ Nhĩ Kỳ bởi nó có thể gây tổn hại tới hiện trạng vốn đã dễ đổ vỡ ở Syria. Người Kurd thì bỗng nhiên nhận ra rằng họ bị bao vây bởi nhiều lực lượng thù địch (cũng chả có gì mới đối với họ), bởi vậy có thể hành động rất nhanh và khó đoán.
Tình hình hiện nay ở Syria có thể được nhìn nhận theo 2 góc độ. Một mặt, tất cả các diễn biến nêu trên dường như hợp lý và nếu được đặt trong tình thế nhất định có thể tạo nên điều kiện thuận lợi để ổn định tình hình ở Syria. Cần phải chú ý rằng, quan hệ giữa các bên tham chiến ở Syria (Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Nga) không phải dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau hay các lợi ích tương đồng, mà bởi họ đều nhận ra rằng không bên nào có thể đạt được mục tiêu nếu thiếu đi sự tương tác lẫn nhau.
Mặt còn lại, diễn biến tiếp theo ở Syria còn tùy thuộc vào cảm xúc và chiến dịch tuyên truyền của các bên, và điều này có thể gây ảnh hưởng tới các tính toán dựa trên lý trí. Dư luận quốc tế hiện vẫn đang gây sức ép đối với ông Erdogan, Trump và Putin để các nhà lãnh đạo này có hành động. Không phải tự nhiên mà mới đây xuất hiện làn sóng bình luận ở phương Tây cho rằng Nga là "bên thắng lợi" ở Syria, và mọi thứ ở Syria đều tùy thuộc vào quyết định của Nga.
Làn sóng này có thể là nỗ lực của phương Tây nhằm kích động ông Trump, khuyến khích ông phải có hành động để "bắt kịp" với bên thắng lợi là Nga và đặt nước này vào đúng chỗ của mình. Trong trường hợp ông Trump có hành động, điều này có thể đánh dấu một bước ngoặt mới ở Syria. Đó là lúc mà người ta cần tới những người có ý chí mạnh mẽ cùng cái đầu "lạnh".
(Theo RT)